“HAGL mất Công Phượng, Xuân Trường hay Brandao thì sẽ chơi thế nào? Lối chơi cũng phụ thuộc vào con người. Thua là thua thôi, nhưng nếu CLB Hà Nội đủ lực lượng, trận đấu sẽ đẹp hơn”, huấn luyện viên (HLV) Hoàng Văn Phúc chia sẻ sau thất bại 0-1 của Hà Nội trước HAGL chiều 18/4.
Khẳng định có phần bất phục của ông Phúc, rằng nếu HAGL thiếu người, chưa chắc đội Hà Nội đã thua. Tuy nhiên, HLV của Hà Nội quên HAGL từng mất Lương Xuân Trường và Kim Dong-su, vẫn đủ sức quật ngã CLB Đà Nẵng. HLV Kiatisuk đã thắng Hoàng Văn Phúc trên bàn cờ chiến thuật. Một chiến thắng không thể chối cãi.
Nước cờ của “Zico Thái”
HLV Kiatisuk gây bất ngờ cho giới mộ điệu khi cất Nguyễn Công Phượng trên ghế dự bị, nhường chỗ cho Nguyễn Trung Đại Dương. Phương án bỏ một cầu thủ ghi 5 bàn trong 6 trận gần nhất và trao suất đá chính cho cầu thủ chưa ghi được bàn nào từng được Kiatisuk áp dụng khi HAGL thắng CLB Viettel và CLB TP.HCM. Ông lặp lại miếng đánh cũ, điều chỉnh tối thiểu và thu lại hiệu quả tối đa.
Theo chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú, sự có mặt của hai tiền đạo Đại Dương và Washington Brandao đã giam cặp trung vệ Đỗ Duy Mạnh - Nguyễn Thành Chung ở lại trong vòng cấm, mở ra khoảng trống lớn ở hai biên cho những mũi công như Nguyễn Văn Toàn, Vũ Văn Thanh và Nguyễn Phong Hồng Duy đột phá.
“HLV Kiatisak bố trí tiền đạo ngoại và chân sút nhập tịch trên hàng công, với mục đích kiềm tỏa bộ đôi trung vệ của Hà Nội. Nhờ vậy, các cầu thủ chạy cánh giàu kỹ thuật như Văn Toàn, Văn Thanh có khoảng trống để phát huy khả năng”, ông Tú phân tích.
Hiệu quả của nước đi này phát huy tức thì. Trong 20 phút đầu, 3 cơ hội của HAGL được tạo ra từ chân của Văn Thanh và Hồng Duy. Pha bóng Văn Thanh đập nhả một chạm với Brandao trước khi dứt điểm chệch cột đã được Kiatisuk lường trước. Duy Mạnh, Thành Chung vướng cặp tiền đạo ngoại nên không thể dâng cao, tạo điều kiện cho các mũi công của HAGL thoải mái bắn phá.
Tuy nhiên, Kiatisuk còn hướng tới mục tiêu quan trọng hơn, cũng là yếu tố then chốt giúp HAGL đánh bại đội Hà Nội, đó là bẻ gãy tuyến giữa của đối thủ.
CLB Hà Nội tấn công đẹp mắt và hiệu quả nhất V.League trong 4 năm qua là nhờ lối chơi triển khai bóng từ tuyến dưới. Các trung vệ, hậu vệ biên và tiền vệ trung tâm đứng gần nhau tạo thành ngũ giác luân chuyển bóng, kéo giãn đội hình đối thủ và đánh lạc hướng để các tiền đạo xâm nhập khoảng trống.
Trước HAGL, CLB Hà Nội thể hiện quyết tâm chiếm tuyến giữa bằng việc bố trí cặp tiền vệ Moses Oloya và Lê Tấn Tài. Song, Kiatisuk đã cao tay hơn. Ông để Đại Dương và Brandao đá sát vòng cấm nhằm khống chế Duy Mạnh, Thành Chung và ngăn CLB Hà Nội chuyền bóng lên từ tuyến dưới. Do mất bộ đôi triển khai bóng, đội khách buộc phải lên bóng ở hai biên, nơi Trần Văn Kiên hay Lê Văn Xuân liên tục bị Văn Thanh, Hồng Duy truy cản.
Vừa cắt nguồn lên bóng của đối thủ, HLV Kiatisuk dùng số đông tiền vệ pressing liên tục khiến tuyến giữa CLB Hà Nội vỡ vụn. Đội khách không thể lên bóng theo bài, nên Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Văn Quyết liên tục phải lùi về tiếp ứng. Đội khách đã không chuẩn bị cho tình huống bị HAGL phá tuyến giữa.
Suốt 30 phút đầu, đội bóng của HLV Hoàng Văn Phúc bối rối, xộc xệch trước sức ép của HAGL. CLB Hà Nội phải chơi “sở đoản” là sử dụng bóng dài, nhưng một mình Geovane Magno là không đủ để chống lại bộ đôi “hộ pháp” Kim Dong-su và Damir Memovic của HAGL.
Phút 32, Văn Quyết bỏ lỡ cơ hội ở pha đối mặt với Huỳnh Tuấn Linh. Đây là thời điểm Hà Nội bắt đầu lấy lại thế trận. Kiatisuk rút Đại Dương ra khỏi sân và để Công Phượng nhập cuộc, nhằm khai thác triệt để khoảng trống từ khối đội hình dâng cao của đối thủ.
Một lần nữa, Kiatisuk lại đúng. Phút 34, Công Phượng chạy chỗ hút người, kéo trung vệ Hà Nội khỏi vùng đi bóng của Xuân Trường. Tiền vệ người Tuyên Quang lập siêu phẩm với cú sút cháy lưới Tấn Trường. Đây là pha xử lý mang dấu ấn cá nhân của Xuân Trường, nhưng xuất phát từ pha phối hợp và thời điểm được tính kỹ. Một lần sút xa là xuất thần, song Trần Minh Vương, Văn Toàn, Công Phượng đều làm rung mành lưới đối thủ từ khoảng cách xa trong 5 trận đã qua. Đó là đẳng cấp.
“HAGL biết đối thủ nôn nóng tấn công, nên chơi phòng ngự chặt chẽ, có hệ thống và phản công tốt. Sau khi có bàn thắng của Xuân Trường, HAGL chơi thong dong, tỉnh táo và không vội vàng. Do đó, chất lượng dứt điểm của đội chủ nhà rất tốt.
Nếu chơi vội vàng, HAGL dễ chuyền, sút hỏng, nhưng ở trận này đội bóng của Kiatisuk không vội. Nếu mất bóng, họ có thể giảm nhịp độ trận đấu xuống. Nhờ sự ung dung, thoải mái về tâm lý và khả năng kiểm soát trận đấu cực tốt, HAGL đã chơi hơn hẳn. Nhìn toàn cục trận này, HAGL thắng xứng đáng. Cách tiếp cận trận đấu, tổ chức chiến thuật và ý tưởng chơi bóng của HAGL hoàn toàn chính xác”, chuyên gia Phan Anh Tú phân tích thêm.
Bản lĩnh nhà vô địch
Một lần nữa, Kiatisuk lại né tránh khi nói về mục tiêu vô địch của HAGL. Ông khẳng định “chưa từng nói HAGL sẽ vô địch”. Tương tự, Xuân Trường không biết HAGL đã là ứng viên vô địch hay chưa, mà chỉ “đi cùng nhau đến nơi hạnh phúc”. HAGL chưa nhìn thấy đích đến, nhưng đội bóng này đã tìm thấy con đường. Đó là niềm tin tuyệt đối giữa cầu thủ, ban huấn luyện và lãnh đạo đội.
Khi HAGL đánh bại CLB TP.HCM, bầu Đức nói đội bóng của ông cần thêm 5 trận để chứng tỏ sự ổn định. HAGL thắng thêm 4 trận kể từ thời điểm ấy. Khoảng cách với nhóm bám đuổi ngày càng được nới rộng.
Dù 3 điểm chưa phải con số lớn, khi nó chỉ giá trị bằng một trận thắng, thứ có thể được định đoạt chỉ bằng một bàn thắng như cách CLB Viettel đang làm, nhưng hình ảnh của những chiến thắng liên tục ập về phố núi cho thấy HAGL không chỉ có thời vận, mà còn biết cách chiến đấu để tạo nên may mắn và giữ cho vận mệnh không lọt khỏi tầm tay.
Sau 10 trận, HAGL đã thắng đến 8. Trong 7 trên 8 trận đấu này, đội bóng phố núi dẫn trước và bảo vệ được thành quả. HAGL thắng 100% số trận dẫn trước, chỉ một lần để đối thủ gỡ hòa (nhưng vẫn thắng chung cuộc). Văn Toàn cùng các đồng đội không còn mong manh, run rẩy như hình ảnh yếu mềm trong quá khứ.
Cách HAGL chiến đấu để bảo vệ cách biệt 1 bàn trước CLB Hà Nội cho thấy sự ngoan cường và kiên định. Bên cạnh chiến thuật hợp lý, khoa học và thích ứng tốt với hoàn cảnh, Kiatisuk còn giỏi khi thuyết phục cầu thủ tin vào những gì ông lựa chọn. Niềm tin ấy chưa từng hiện diện khi HLV Nguyễn Quốc Tuấn, Dương Minh Ninh, Lee Tae-hoon hay cả Guillaume Graechen nắm quyền trước đây.
Trong cuốn tự truyện nổi tiếng, chân sút Zlatan Ibrahimovic kể lại chuyện nể phục uy quyền của HLV huyền thoại Fabio Capello, người mà mỗi lần bước ra, Ibrahimovic có cảm giác run sợ như một “tử tù”. Tiền đạo người Thụy Điển hỏi tại sao Capello lại được cầu thủ vị nể, ông đáp lại: “Sự nể trọng ư? Tôi phải chiến đấu để giành giật nó”.
Đó cũng là con đường Kiatisuk vạch ra để băng qua những chông chênh, ngả nghiêng phố Núi. “Zico Thái” không buộc cầu thủ lắng nghe ông vô điều kiện như một tướng quân độc tài. Ông thuyết phục học trò bằng khoa học, số liệu và thực tế trên sân. Kiatisuk yêu cầu Công Phượng tập sút chân trái, lập tức học trò ghi liền 2 bàn bằng chân không thuận. Kiatisuk nói cầu thủ HAGL phải học cách di chuyển và phòng ngự, thành quả là sau 10 vòng, HAGL đang là đội thủ tốt nhất giải.
“Lúc này, HAGL có lực lượng chín chắn, kín kẽ, được xây dựng lối chơi tổng thể ổn định, thấm nhuần đến từng cầu thủ. Mọi vị trí trên sân đều thấy tự tin, hiểu rằng cứ làm đúng nhiệm vụ được ban huấn luyện giao phó là thành công. Điều đó tạo ra cho HAGL sự tự tin vô cùng lớn.
Ngoài ra, lực lượng HAGL rất tốt, dù thay Tuấn Anh, Việt Hưng, Quang Nho vào đi nữa, đội bóng phố Núi vẫn thể hiện được lối chơi này. Tất nhiên, cầu thủ ngôi sao sẽ có những pha xử lý tốt hơn cầu thủ bình thường, nhưng học trò của Kiatisak hiểu là nếu họ cứ cứ làm đúng chỉ đạo HLV, đội bóng sẽ có kết quả tốt”, chuyên gia Phan Anh Tú đánh giá thêm.
Với vị tướng tài Kiatisuk dẫn đầu trận địa, HAGL giờ khó có thể bị ngăn cản.