Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khuyến cáo lao động Việt tránh khu vực xung đột ở Libya

Bộ Ngoại giao vừa thiết lập đường dây nóng (24/24) sẵn sàng hỗ trợ các lao động người Việt đang công tác tại Libya.

Tình trạng an ninh bất ổn ở Libya khiến tính mạng hàng nghìn lao động người Việt đang làm việc ở đây bị đe dọa nghiêm trọng. Trước tình hình này, trong cuộc họp báo chiều nay 31/7, ông Lê Hải Bình cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Libya và tại các nước trong khu vực theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, các công ty đang hợp đồng với lao động Việt Nam để sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi, có các hình thức hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam đang làm việc tại Libya.

206 lao động Việt Nam rời Libya về nước

Ông Nguyễn Đức Nam, phó tổng giám đốc công ty xuất khẩu lao động Sona (trực thuộc Bộ Lao động-thương binh và xã hội), đã có 79 lao động đầu tiên của công ty này về tới Việt Nam.

 

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao cũng đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Libya chủ động liên hệ, thông báo cho công dân Việt Nam về những diễn biến phức tạp tại Libya, đồng thời khuyến cáo công dân tránh xa các khu vực xảy ra xung đột và liên hệ chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Libya để được trợ giúp trong các trường hợp khẩn cấp.

Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya cho biết, ngay khi tình hình tại Libya có những diễn biến phức tạp, Đại sứ quán đã thường xuyên liên lạc với các công dân Việt Nam đang làm việc tại Libya để nắm rõ tình hình và sẵn sàng hỗ trợ công dân. Cho đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya đã thiết lập 2 đường dây nóng (hoạt động 24h/24h) để tiếp nhận thông tin.  

“Cục Lãnh sự cũng đã thiết lập một đường dây nóng để sẵn sàng hỗ trợ cho công dân Việt Nam”, Người phát ngôn thông tin.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Libya và tại các nước trong khu vực theo dõi sát tình hình và có các phương án cần thiết, phù hợp để đảm bảo an toàn cho các công dân Việt Nam tại Libya.

Ông Lê Hải Bình cho biết, hiện nay có khoảng 1.550 người Việt Nam đang làm việc tại Libya, chủ yếu tại các khu vực chưa xảy ra chiến sự. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lybia và các nước trong khu vực theo dõi tình hình, phối hợp cơ quan sở tại để đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam đang làm việc tại đây. Theo số liệu từ Cục Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), đến chiều 30/7, 70 lao động làm việc tại Libya đã về nước, 136 người còn lại sẽ về Việt Nam trước ngày 2/8.

Đây là những lao động làm việc cho một tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ, vì phải tạm dừng công trình do căng thẳng tại Libya leo thang nên phải rút sang Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó bay về nước. Ngoài số lao động trên, tại Libya còn hơn 1.500 người Việt đang làm việc, trong đó 200 người ở Tripoli và Benghazi. Cơ quan này đang lên phương án sớm đưa 200 người này về nước. Số còn lại đang làm việc ở khu vực khác xa nơi giao tranh hiện nay có chỗ ở yên bình, điều kiện làm việc tốt.

Có 14 doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động sang Libya, nhiều nhất là Vinamex hơn 700 lao động và Sona trên 500 lao động. 

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm