Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khủng hoảng New York - bác sĩ quyết định ưu tiên cứu sống ai

Người đứng đầu khoa cấp cứu tại một bệnh viện ở New York nhấn mạnh quyết định lựa chọn bệnh nhân được ưu tiên chữa trị hoàn toàn thuộc về các y bác sĩ ở tuyến đầu.

NYU Langone Health, một trong những trung tâm y tế học hàng đầu của Mỹ trụ sở New York, đã khuyến nghị các bác sĩ cấp cứu toàn quyền quyết định lựa chọn đối tượng bệnh nhân để ưu tiên sử dụng máy thở, cũng như quyết định rút thiết bị nội khí quản nếu xét thấy không có hiệu quả, theo điều tra của Wall Street Journal.

New york o dich Covid-19 anh 1

Số ca nhập viện vì Covid-19 tại New York tăng mạnh thời gian qua. Ảnh: AP.

Quyết định hoàn toàn của bác sĩ

Trong bức thư ngày 28/3 gửi tới toàn bộ y bác sĩ, Trưởng khoa cấp cứu Robert Femia của NYU Langone Health, bệnh viện thuộc Đại học New York, nhấn mạnh quyết định về sự sống, cái chết của bệnh nhân được đặt lên vai của các y bác sĩ bên giường bệnh, những người đang phải điều trị cho số lượng ngày càng tăng bệnh nhân của Covid-19, trong khi số lượng máy thở có hạn.

Trong hướng dẫn công bố năm 2015, nhà chức trách New York khuyến nghị các bệnh viện chỉ định một nhóm công chức hoặc ủy ban, những người không trực tiếp tham gia điều trị, quyết định người được ưu tiên sử dụng máy thở trong trường hợp cần phải lựa chọn.

Hướng dẫn này cho biết việc không để các y bác sĩ trực tiếp điều trị lựa chọn là nhằm tránh xung đột lợi ích, cũng như giúp giảm sức ép tinh thần cho các nhân viên y tế.

Giáo sư Femia cho biết các chuyên gia và lãnh đạo tại NYU Langone xây dựng bộ hướng dẫn nội bộ về quy trình phân bổ máy thở, trong bối cảnh thành phố New York đang thiếu hụt máy thở trầm trọng. Tuy nhiên, khoa cấp cứu không có thời gian để chờ đợi.

"Ở khoa cấp cứu, chúng tôi không có nhiều thời gian, dữ liệu hay các ủy ban để giúp đưa ra các quyết định quan trọng như vậy. Lãnh đạo bệnh viện nhận thấy điều này và ủng hộ chúng tôi sử dụng phán đoán tốt nhất", bác sĩ Femia nói.

Giáo sư Femia cho rằng quyết định liên quan tới điều trị đường hô hấp, khi nào sử dụng máy thở hoặc các thiết bị hỗ trợ hô hấp khác, hoàn toàn thuộc về các bác sĩ trực tiếp điều trị.

Tuy nhiên, ông Femia khuyến nghị các bác sĩ "suy nghĩ cẩn trọng hơn về người được đặt nội khí quản".

"Với những bệnh nhân mà các bạn cảm thấy nội khí quản sẽ không thay đổi kết quả điều trị (ví dụ như ngưng tim, một số bệnh nhân lớn tuổi mắc bệnh mạn tính), các bạn sẽ được khoa và viện ủng hộ khi đưa ra quyết định rút nội khí quản", ông Femia viết trong bức thư gửi các y bác sĩ.

Tranh cãi về quyết định sinh tử

Jim Mandler, người phát ngôn của NYU Langone Health, cho biết bức thư của giáo sư Femia tóm tắt những chỉ dẫn vốn được áp dụng từ lâu.

"Chúng tôi thấy rất cần nhắc lại với các nhân viên tại khoa cấp cứu thông điệp chính xác của các hướng dẫn, và để khẳng định là tất cả quyết định họ đưa ra bên giường bệnh sẽ được ủng hộ", ông Mandler nói.

Tuy nhiên, ông Mandler cho biết NYU Langone Heath "chưa rơi vào tình thế cần đưa ra những quyết định như vậy".

New york o dich Covid-19 anh 2

Bác sĩ có thể phải đối mặt lựa chọn người được ưu tiên sử dụng máy thở. Ảnh: AFP.

Bức thư của giáo sư Femia được gửi tới y bác sĩ trong bối cảnh số bệnh nhân tại bệnh viện NYU Langone tăng mạnh trong vài ngày qua. Bệnh viện này đã tiếp nhận 332 bệnh nhân trong ngày 30/3, tăng 84% so với hôm 26/3. 125 bệnh nhân khác được điều trị tích cực trong ngày 30/3, tăng gấp đôi so với ngày 26/3.

Một số bác sĩ của NYU Langone Health cho biết cảm thấy lo lắng trước bức thư từ giáo sư Femia.

"Yêu cầu các bác sĩ cấp cứu đưa ra đánh giá nhanh về khả năng tiến triển của bệnh nhân chỉ dựa trên rất ít hoặc không có thông tin là gánh nặng khủng khiếp đối với các bác sĩ", một bác sĩ cho biết.

"Là bác sĩ, tôi không biết làm thế nào để đưa ra quyết định như vậy", một bác sĩ khác nói. Người này cho rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy các bác sĩ tại NYU Langone Health quyết định bỏ rơi bệnh nhân. Tuy nhiên, bác sĩ này cho biết thông điệp trong lá thư của giáo sư Femia giống như kêu gọi các bác sĩ "đóng vai Chúa trời".

Cũng trong ngày 28/3, các bác sĩ tại bệnh viện NYU Langone cũng nhận được nhắc nhở không nói chuyện với phóng viên nếu không có sự cho phép. Kathy Lewis, người đứng đầu bộ phận phụ trách truyền thông của NYU Langone, cho biết NYU Langone từ lâu có chính sách tất cả các đơn vị, nhân viên chuyển yêu cầu phỏng vấn của báo chí về Văn phòng Truyền thông và Marketing.

"Bất cứ ai không tuân theo chính sách này, hoặc chuyển thông tin cho giới truyền thông mà không có sự cho phép của Văn phòng Truyền thông và Marketing, sẽ bị kỷ luật, bao gồm cho nghỉ việc", bà Lewis cho biết.

Mỹ hiện là quốc gia đứng đầu về số ca nhiễm Covid-19 với hơn 164.000 trường hợp. Số người được phát hiện dương tính với virus corona của Mỹ bùng nổ trong những ngày qua, sau khi nhà chức trách tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ đã lên tới 3.173 trường hợp.

Theo thống kê của Worldometers, số ca nhiễm virus corona trên toàn thế giới đã vượt 800.000 tính tới chiều tối ngày 31/3. Số người tử vong vì Covid-19 đã lên tới hơn 38.700 trường hợp.

Lý do khiến nước Mỹ 'vỡ trận' trước Covid-19? Đại dịch Covid-19 phơi bày điểm yếu trong sự chuẩn bị của Mỹ. Xét nghiệm là bước quan trọng để xác định và khoanh vùng nơi lây virus. Mỹ gặp vấn đề ngay từ bước này.

Bé gái 12 tuổi chết ở Bỉ, trường hợp trẻ nhất châu Âu tử vong vì dịch

Một bé gái 12 tuổi qua đời ở Bỉ vì nhiễm virus corona, trở thành trường hợp trẻ nhất tại châu Âu tử vong vì dịch Covid-19.

Nhật sẽ hỗ trợ Việt Nam ít nhất 1,8 triệu USD để chống dịch Covid-19

Điện đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật cho biết nước này tiếp tục hỗ trợ Việt Nam ít nhất 1,8 triệu USD để chống dịch Covid-19.

My khong kich tai Syria hinh anh

Mỹ không kích tại Syria

0

Ngày 23/12, quân đội Mỹ cho biết đã thực hiện một cuộc không kích tại Syria, tiêu diệt hai tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và làm bị thương một tay súng khác.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm