Theo CNBC, giá của một đĩa mì - mặt hàng được yêu thích ở Italy - đã tăng vọt. Điều này buộc các quan chức nước này phải tổ chức một cuộc họp khẩn với nhóm nhà sản xuất mì ống và hiệp hội người tiêu dùng nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng giá cả.
Cụ thể, theo dữ liệu chính thức, giá mì ống đã tăng 17,5% trong tháng 3 và 16,5% trong tháng 4. Tốc độ này gấp đôi mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nói chung. CPI tháng 3 và tháng 4 ghi nhận tốc độ tăng trưởng lần lượt là 8,1% và 8,7%.
Giá mì ống tại Italy đã tăng 17,5% trong tháng 3 và 16,5% trong tháng 4. Ảnh: Bloomberg. |
Giá tăng vọt
Theo Assoutenti - một nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Italy, giá của mì ống tại các nhà hàng đã tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là món ăn được yêu thích ở quốc gia này. Theo một khảo sát hồi năm ngoái của Tổ chức Mì ống Quốc tế, trung bình một người Italy tiêu thụ gần 23 kg mì ống mỗi năm.
Các lô hàng mì ống đang được đẩy vào thị trường ở thời điểm hiện tại có chi phí nguyên liệu khá cao. Điều này khiến giá bán lẻ tăng vọt.
"Nguyên nhân là các nhà sản xuất đang bán số mì ống tồn kho, vốn được sản xuất với chi phí nguyên liệu thô cao hơn bình thường", Chủ tịch Furio Truzzi của Assoutenti giải thích. Ông chỉ ra năm ngoái, giá nhiên liệu và lúa mì đã tăng vọt sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Nguyên nhân là các nhà sản xuất đang bán số mì ống tồn kho, vốn được sản xuất với chi phí nguyên liệu thô cao hơn bình thường.
Chủ tịch Furio Truzzi của Assoutenti
Vào tháng 3 năm ngoái, giá lúa mì vọt lên mức cao nhất trong vòng một thập kỷ. Cả Nga và Ukraine đều là những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Truzzi lưu ý rằng kể từ đó đến nay, chi phí đầu vào đã giảm đáng kể. Nhưng một số yếu tố khác khiến giá vẫn neo ở mức cao.
"Giá vẫn cao khi các nhà sản xuất muốn thúc đẩy lợi nhuận. Xu hướng này chỉ có thể đảo ngược nếu lượng mì ống được tiêu thụ sụt giảm đáng kể", Assoutent lập luận.
Nhóm này cũng đề xuất kế hoạch dừng tiêu thụ mì ống trong vòng 15 ngày. Hồi 2007, người Italy đã tham gia vào kế hoạch tẩy chay mì ống kéo dài một ngày nhằm phản đối việc giá tăng gần 20%.
Cuộc họp khẩn
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp, trong tháng 4, giá lúa mì trên toàn cầu đã giảm 2,3% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021.
Giá lúa mì cứng - loại lúa mì thường được sử dụng làm mì ống - cũng đã giảm trong những tháng qua.
Hai tuần trước, ông Adolfo Urso - Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Italy - đã tổ chức một cuộc họp khẩn nhằm thảo luận về việc giá mì ống tăng vọt.
Theo một khảo sát hồi năm ngoái của Tổ chức Mì ống Quốc tế, trung bình một người Italy tiêu thụ gần 23 kg mì ống mỗi năm. Ảnh: Bloomberg. |
Các nhà sản xuất mì ống, hiệp hội người tiêu dùng và quan chức chính phủ cũng tham dự cuộc họp. Một số kêu gọi áp trần giá mì ống để ngăn giá cả leo thang.
"Các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy giá mì ống đã hạ nhiệt, nhưng đà giảm vẫn còn yếu. Dù vậy, đó là dấu hiệu chỉ ra giá có thể giảm đáng kể trong những tháng tiếp theo", Bộ Kinh doanh Italy lưu ý.
"Mì ống có trên các kệ hàng hiện giờ đã được sản xuất từ nhiều tháng trước, khi giá lúa mì cứng và nhiên liệu còn cao", Unione Italiana Food - hiệp hội đại diện cho những công ty sản xuất thực phẩm của Italy - giải thích.
Chi phí đóng gói và hậu cần gia tăng cũng góp phần kéo giá mì ống lên cao.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...