Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen một lần nữa nhấn mạnh về sự cấp bách của Mỹ trong việc nới trần nợ công. Vị quan chức cho rằng nước này khó có thể trụ đến giữa tháng 6 nếu Nhà Trắng và đảng Cộng hòa không đạt được thỏa thuận.
"Các khoản thu và chi thuế luôn không chắc chắn. Vì vậy, rất khó để đưa ra một dự đoán chính xác", bà Yellen khẳng định trong một chương trình của NBC hôm 21/5.
"Nhưng theo đánh giá của tôi, đến ngày 15/6, khả năng chúng ta có thể tiếp tục thanh toán các hóa đơn là rất thấp", vị bộ trưởng cảnh báo.
Khó trụ đến giữa tháng 6
Trước đó, bà Yellen đã cảnh báo về việc Mỹ có thể không thể trả mọi hóa đơn trước ngày 1/6. Điều này sẽ đẩy quốc gia này vào một vụ vỡ nợ nghiêm trọng.
Trên thực tế, thuế sẽ được trả vào ngày 15/6. Nhưng chính phủ có thể không trụ được đến ngày đó.
"Trong ngày 15/6, số tiền thuế được trả khá lớn. Nhưng một vụ vỡ nợ sẽ xảy ra vào đầu tháng 6, như tôi đã cảnh báo trước đây, và rất khó để chúng ta trụ đến giữa tháng", bà Yellen giải thích.
Trong ngày 15/6, số tiền thuế được trả khá lớn. Nhưng một vụ vỡ nợ sẽ xảy ra vào đầu tháng 6, như tôi đã cảnh báo trước đây, và rất khó để chúng ta trụ đến giữa tháng
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen
Giới quan sát đã nhiều lần cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của một vụ vỡ nợ. Hàng triệu người Mỹ có thể không nhận được phúc lợi xã hội, các dịch vụ công bị gián đoạn hoặc thậm chí tạm dừng. Nền kinh tế sẽ trượt tới bờ vực suy thoái, hơn 8 triệu người lâm vào cảnh mất việc làm.
Một cuộc vỡ nợ sẽ tác động tiêu cực tới mọi người Mỹ. Cú sốc đối với nước này và các hệ thống tài chính toàn cầu được cảnh báo là "rất tồi tệ".
Những người đang phải sống dựa vào đồng lương mỗi tháng phúc lợi xã hội sẽ lao đao vì mất việc làm và thu nhập. Trong bài phát biểu trước đó, bà Janet Yellen đã kêu gọi Quốc hội Mỹ hành động nhanh chóng.
"Nền kinh tế Mỹ đang ở thế bấp bênh. Sinh kế của hàng triệu người Mỹ cũng vậy", bà nhấn mạnh.
Trong khi đó, các nhà lập pháp Mỹ vẫn đang bế tắc trong những cuộc thảo luận về trần nợ công. Đảng Cộng hòa Mỹ muốn cắt giảm chi tiêu thay vì nới trần nợ. Các quan chức lập luận rằng tốc độ chi tiêu hiện tại là "không bền vững".
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ đảng Dân chủ chỉ muốn tăng trần nợ, và khẳng định 2 vấn đề này không liên quan đến nhau.
Rơi vào thế khó
Trên thực tế, rắc rối vẫn còn ngay cả khi Mỹ không vỡ nợ. Đa số Phố Wall tin rằng cuối cùng, các nhà lập pháp Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận về việc nới trần nợ và ngăn được một vụ vỡ nợ nghiêm trọng.
Nhưng điều đó không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ sẽ không gánh chịu thiệt hại. Các hoạt động của Bộ Tài chính có thể bị xáo trộn sau khi cơ quan này tăng cường vay mượn.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải chật vật trong việc bổ sung bộ đệm vốn nhằm duy trì khả năng thanh toán. Để làm được điều đó, cơ quan này có thể phải bán tháo trái phiếu kho bạc. Sự bùng nổ về nguồn cung có khả năng nhanh chóng rút cạn thanh khoản khỏi hệ thống ngân hàng.
Cùng với đó, lãi suất của các khoản vay ngắn hạn sẽ tăng lên, tạo thêm áp lực cho nền kinh tế Mỹ vốn đang mấp mé bờ vực suy thoái. Theo tính toán của Bank of America, điều này có thể tác động tới nền kinh tế tương tự một đợt tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.