Trần nợ là giới hạn mà Quốc hội đặt ra đối với các khoản vay của chính phủ Mỹ. Nếu đạt đến giới hạn đó, Bộ Tài chính sẽ bị hạn chế trong việc thanh toán một số hạng mục nhất định.
Bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ - cảnh báo rằng nước này có thể vỡ nợ ngay sau ngày 1/6, nếu các nhà lập pháp không nới giới hạn nợ công.
Trên thực tế, Bộ Tài chính Mỹ đã phải sử dụng những công cụ kế toán đặc biệt nhằm giữ nợ công ở dưới ngưỡng giới hạn đến đầu tháng 6.
Các "công cụ đặc biệt" của Bộ Tài chính
Các biện pháp này bao gồm sử dụng tiền mặt để thanh toán chi phí của chính phủ, sắp xếp lại nguồn vốn, tạm dừng thanh toán một số hạng mục để dồn tiền cho những hạng mục nhất định.
Quá trình sắp xếp lại có thể bao gồm ngừng chi tiền cho một số quỹ hưu trí; mua lại trái phiếu kho bạc nằm trong tài khoản tiết kiệm hưu trí của nhân viên liên bang (sẽ được trả lại cùng lãi suất sau đó); dừng phát hành chứng khoán của chính quyền bang và địa phương.
Cùng với đó là tạm dừng tái đầu tư trái phiếu kho bạc của Quỹ Ổn định Trao đổi. Đây là quỹ tiền tệ được Bộ Tài chính sử dụng để hỗ trợ tỷ giá của đồng USD. Những biện pháp này từng được sử dụng trong các cuộc khủng hoảng về trần nợ công trước đó.
Trần nợ đã được nâng lên mấy lần?
Quốc hội Mỹ đã tăng hoặc thay đổi trần nợ 78 lần kể từ năm 1960 đến nay, nhằm tránh cho Mỹ một cuộc vỡ nợ. Lần gần nhất, vào tháng 12/2021, giới hạn nợ được tăng thêm 2.500 tỷ USD lên mức hiện tại là gần 31.400 tỷ USD.
Điều gì sẽ xảy ra nếu không nới trần nợ?
Nếu Quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/6, hoặc bất cứ khi nào nợ chạm trần, Mỹ sẽ không thể vay thêm để trả nợ. Bộ Tài chính sau đó sẽ buộc phải dùng tiền mặt và phân bổ lại nguồn vốn để trả hơn 80 triệu khoản nợ mỗi tháng.
Nếu Mỹ thực sự vỡ nợ, Bộ Tài chính đã có một số ưu tiên thanh toán nhất định. Chẳng hạn, cơ quan này sẽ không trả An Sinh Xã Hội cho hàng triệu người dân, tiền lương của một số nhân viên liên bang, và các khoản trợ cấp dành cho cựu chiến binh và gia đình.
Lần gần nhất bị hạ xếp hạng tín nhiệm, nợ của Mỹ tương đương 65-70% GDP, nhưng giờ thâm hụt đã gấp 2-3 lần trước đây
Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon
Điều này có thể cho phép Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục trả tiền cho các trái chủ, và tránh được một vụ vỡ nợ nghiêm trọng.
Trên thực tế, không biết các biện pháp đó có hiệu quả hay không. Vì từ trước đến nay, Quốc hội Mỹ luôn đạt được thỏa thuận trước khi rơi vào cảnh vỡ nợ.
Điều gì xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ?
Việc Mỹ vỡ nợ sẽ tàn phá thị trường tài chính và có khả năng khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon cảnh báo rằng một vụ vỡ nợ "có thể gây ra thảm họa".
"Tôi không nghĩ rằng nó sẽ xảy ra, nhưng càng đến gần, bạn càng hoảng sợ", ông nói thêm.
Ngay cả khi chưa vỡ nợ, bế tắc trong việc nâng giới hạn nợ đã khiến Mỹ bị Standard & Poor's hạ cấp xếp hạng tín nhiệm từ AAA xuống AA+.
"Lần gần nhất bị hạ xếp hạng tín nhiệm, nợ của Mỹ tương đương 65-70% GDP, nhưng giờ thâm hụt đã gấp 2-3 lần trước đây", ông Dimon nói.
"Vì vậy, chúng ta cần hết sức cẩn thận", vị CEO cảnh báo.
"Nếu không xử lý được tình trạng bế tắc hiện tại, những hậu quả tiêu cực hơn có thể xảy ra. Nền kinh tế Mỹ nói chung vẫn chống chịu tốt, nhưng lạm phát cao đã tạo ra những căng thẳng trên hệ thống tài chính, trong đó có các vụ phá sản ngân hàng trong thời gian qua", giới doanh nhân Mỹ viết trong lá thư cảnh báo gửi tới những nhà lập pháp.
"Những điều tồi tệ hơn nhiều có thể xảy ra nếu chúng ta vỡ nợ. Chúng sẽ làm suy yếu vị thế của nước Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu", các doanh nhân nhấn mạnh.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.