Mỹ được cảnh báo sẽ vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu không kịp nới trần nợ. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Bloomberg, đa số Phố Wall tin rằng cuối cùng, các nhà lập pháp Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận về việc nới trần nợ và ngăn được một vụ vỡ nợ nghiêm trọng.
Nhưng điều đó không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ sẽ không gánh chịu thiệt hại. Các hoạt động của Bộ Tài chính có thể bị xáo trộn sau khi cơ quan này tăng cường vay mượn.
Ông Ari Bergmann - chủ một doanh nghiệp chuyên về quản lý rủi ro - cảnh báo rằng các nhà đầu tư nên đề phòng trước những rủi ro sau quyết định chung của Washington.
Nền kinh tế vẫn chịu áp lực
Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải chật vật trong việc bổ sung bộ đệm vốn nhằm duy trì khả năng thanh toán. Để làm được điều đó, cơ quan này có thể phải bán tháo trái phiếu kho bạc.
Tính đến cuối quý III/2022, tổng giá trị của các trái phiếu kho bạc Mỹ là khoảng 1.000 tỷ USD. Nếu Bộ Tài chính bán tháo trái phiếu, sự bùng nổ về nguồn cung sẽ nhanh chóng rút cạn thanh khoản khỏi hệ thống ngân hàng.
Cùng với đó, lãi suất của các khoản vay ngắn hạn sẽ tăng lên, tạo thêm áp lực cho nền kinh tế Mỹ vốn đang mấp mé bờ vực suy thoái. Theo tính toán của Bank of America, điều này có thể tác động tới nền kinh tế tương tự một đợt tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm.
Sau một loạt đợt tăng lãi suất ồ ạt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chi phí đi vay cao hơn đang giáng đòn nặng lên các doanh nghiệp và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh đó, ông Bergmann cảnh báo về động thái của Bộ Tài chính nhằm bổ sung tiền mặt. Điều này có thể làm giảm đáng kể dự trữ ngân hàng.
"Tôi sợ rằng khi vấn đề về trần nợ được giải quyết, tình trạng cạn kiệt thanh khoản sẽ diễn ra rất đột ngột và nghiêm trọng. Trước đây, chúng ta đã chứng kiến tình trạng sụt giảm thanh khoản ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường rủi ro, chẳng hạn chứng khoán và tín dụng", vị chuyên gia cảnh báo.
Các thị trường chao đảo
Như vậy, ngay cả khi Washington đã thoát khỏi khủng hoảng trần nợ, việc Bộ Tài chính Mỹ bán trái phiếu để huy động tiền mặt, chương trình thắt chặt định lượng của Fed và những tác động của việc lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế và các thị trường rủi ro.
Tiền mặt hoạt động như tài khoản séc của chính phủ Mỹ tại Fed, nằm ở bên nợ phải trả trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương.
Khi Bộ Tài chính phát hành nhiều trái phiếu hơn mức cần thiết (về mặt kỹ thuật) trong một khoảng thời gian nhất định, tài khoản đó sẽ tăng lên, rút tiền mặt khỏi khu vực tư nhân và chuyển sang tài khoản của cơ quan này tại Fed.
Mỹ từng suýt vỡ nợ vào năm 2011. Kết quả là nước này đã mất xếp hạng tín nhiệm AAA. Trong một lá thư gửi tới các nhà lập pháp Mỹ, một nhóm CEO của những tập đoàn hàng đầu nhấn mạnh rằng nền kinh tế và thị trường nước này đều chao đảo vào thời điểm đó.
"Thị trường chứng khoán đã mất 17% giá trị trong hơn một năm. Theo báo cáo của Moody’s, tình trạng bất ổn đã thổi bay 1,2 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,7 điểm phần trăm, nền kinh tế thu hẹp 180 tỷ USD so với kịch bản không có nguy cơ vỡ nợ", các CEO nhấn mạnh.
Các cuộc đàm phán về trần nợ của Chính phủ Mỹ vẫn bế tắc trong nhiều tuần qua. Nhưng mới đây, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy khẳng định ông không tin rằng Mỹ sẽ vỡ nợ. Trong bài phát biểu sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bày tỏ niềm tin về việc các nhà lập pháp sẽ cùng nhau đạt được thỏa thuận và tránh một vụ vỡ nợ.
Tổng thống Mỹ đã rút ngắn chuyến đi đến châu Á và sẽ về nước vào chủ nhật. Phố Wall tin rằng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận ở thời điểm đó.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.