Làn sóng Covid-19 ở Đức có khả năng sẽ chuyển từ trạng thái "tồi tệ" sang "tồi tệ hơn", khiến viễn cảnh về một mùa Giáng sinh u ám ở Đức có thể thành hiện thực, Bloomberg nhận định.
Bang Bavaria của Đức ngày 18/11 đã thông báo hủy bỏ tất cả phiên chợ Giáng sinh trong năm nay như một phần của biện pháp hạn chế nhằm đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời áp lệnh phong tỏa với những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao, theo DW.
Với các ca nhiễm không ngừng gia tăng và các nhà chức trách hành động chậm trễ trong bối cảnh chuyển giao quyền lực, các chuyên gia cảnh báo rằng các ca bệnh nặng và tử vong sẽ tiếp tục tăng cao ở quốc gia có dân số lớn nhất Liên minh châu Âu (EU).
Trong bối cảnh các phòng chăm sóc tích cực (ICU) đã kín chỗ ở một số khu vực, nền kinh tế lớn nhất EU phải đối mặt với thử thách lớn nhất trong đại dịch.
Mùa đông u ám
Đối mặt với tình hình đang xấu đi rõ rệt, Thủ tướng Angela Merkel và các nhà lãnh đạo khu vực hôm 18/11 đã nhất trí hạn chế những người chưa được tiêm chủng đi tới các nhà hàng, quán bar và các sự kiện công cộng tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.
Các biện pháp này giống với những hạn chế đã được ban hành ở nhiều nơi khác ở châu Âu, khu vực một lần nữa trở thành tâm dịch Covid-19 của thế giới.
Sự bùng phát dịch của Đức mang đến viễn cảnh về một mùa đông u ám sắp tới của đất nước. Bà Merkel cho biết hôm 18/11 rằng đất làn sóng dịch thứ tư đang tổng lực tấn công nước này.
Theo ông Michael Meyer-Hermann, chuyên gia miễn dịch học tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm Helmholtz ở Braunschweig, với số ca bệnh tăng gấp đôi cứ sau 12 ngày, nhiều bệnh viện sẽ có thể bị quá tải vào cuối tháng 11. Trước đó, ông Meyer-Hermann từng yêu cầu lệnh hạn chế cứng rắn hơn trong toàn xã hội.
Berlin chỉ còn có 79 giường chăm sóc tích cực sẵn sàng sử dụng cho một thành phố với 3,8 triệu dân vào ngày 19/11, trong khi thành phố Bremen chỉ có 5 giường cho 680.000 cư dân.
Bên cạnh đó, tại Bavaria trong tuần qua, hai bệnh nhân ICU phải chuyển đến Italy trong bối cảnh thiếu nguồn lực.
Đức hiện có khoảng 31.700 giường ICU trên cả nước, trong đó có 9.400 giường dự phòng khẩn cấp. Theo DIVI-Intensivregister, con số này ít hơn khoảng 5.000 giường so với cùng kỳ năm ngoái.
Hệ thống y tế của Đức dường như có rất ít thời gian để "nghỉ ngơi". Hôm 18/11, Đức báo cáo hơn 65.000 ca mắc mới, một mức tăng kỷ lục. Trong vòng 24 giờ sau, đất nước này đã ghi nhận thêm 53.000 ca, đẩy tỷ lệ ca nhiễm trên 100.000 người trong vòng 7 ngày lên mức cao mới.
“Chúng ta đang đối mặt với trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng. Chúng ta thực sự sẽ có một mùa Giáng sinh khủng khiếp nếu không xoay chuyển tình thế”, Lothar Wieler, người đứng đầu Viện Robert Koch, cơ quan y tế công đồng của Đức, cho biết.
Những nhận định của ông ngày càng trở nên nghiêm trọng. Hôm 17/11, ông cho biết theo các số liệu tử vong gần đây, 52.000 ca nhiễm mới trong ngày đồng nghĩa với việc sẽ có thêm 400 người chết trong vài tuần tới.
Giới chức cần hành động nhanh chóng
Các nhà chức trách cần phải hành động nhanh chóng để giảm bớt sự tiếp xúc giữa người với người. Bên cạnh đó, ông Michael Meyer-Hermann cho biết các quán bar và câu lạc bộ nên đóng cửa, vì đó thường là nguyên nhân của các ổ dịch.
Ông cũng khuyến nghị hạn chế sức chứa tại các sự kiện công cộng và giới hạn số lượng người chưa được tiêm chủng trong không gian kín. Song đến nay, các nhà chức trách ở Đức vẫn đang cố gắng tránh những bước đi quyết liệt này.
“Làn sóng khẩn cấp mà chúng ta đang gặp phải sẽ không thể bị ngăn chặn bởi tiêm chủng, vì phải mất hàng tuần để tạo nên sự bảo vệ đầy đủ (cho cơ thể trước Covid-19)”, ông Meyer-Hermann cho biết.
“Chúng ta cần chú trọng đến các biện pháp hạn chế khác và áp dụng chúng ngay lập tức”, ông cho biết.
Khi Đức và các quốc gia khác cố gắng đối phó với làn sóng lây nhiễm mới nhất, nhiều hạn chế mới đang nhắm vào những người chưa được tiêm chủng do họ họ có khả năng lây nhiễm cao hơn.
Đức hiện đã tiêm chủng cho gần 70% dân số, thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn ngày 19/11 cho biết tình hình Covid-19 của nước này nghiêm trọng đến mức không thể loại trừ khả năng phong tỏa, ngay cả với những người đã được tiêm chủng, theo Channel NewsAsia.
Để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, Đức cũng đồng ý áp dụng việc tiêm chủng bắt buộc cho các nhân viên y tế và nhân viên tại các viện dưỡng lão.
“Chúng ta đang ở trong tình trạng không thể loại trừ bất cứ khả năng nào”, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết khi được hỏi liệu có khả năng nước này áp đặt lệnh phong tỏa một lần nữa hay không.
Lothar Wieler, người đứng đầu Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức, hôm 19/11 nói rằng toàn bộ nước này đang trải qua đợt bùng phát lớn. “Đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia”, ông nhấn mạnh.
Cùng ngày, chính phủ Áo công bố áp đặt lệnh phong tỏa ít nhất 20 ngày trên toàn quốc bắt đầu từ 22/11, đồng thời sẽ bắt buộc toàn bộ cư dân tiêm vaccine ngừa Covid-19 từ tháng 2/2022. Lệnh hạn chế đối với người chưa tiêm vaccine cũng được đưa ra tại CH Czech và Slovakia.
Tham vọng thay đổi cán cân quyền lực ở EU
Trước sự ra đi của Thủ tướng Đức Angela Merkel, lãnh đạo Pháp cùng Italy là Emmanuel Macron và Mario Draghi sẽ ký một thỏa thuận với hy vọng thay đổi cán cân quyền lực ở châu Âu.
Vì sao làn sóng Covid-19 thứ tư càn quét nước Đức?
Quân đội Đức đặt 12.000 binh sĩ trong tình trạng sẵn sàng điều động để trợ giúp các cơ sở y tế quá tải và đẩy nhanh tiến độ triển khai vaccine tăng cường.
Lý do Đức, Pháp hạn chế tiêm vaccine Moderna cho người dưới 30 tuổi
Việc Đức, Pháp cũng khuyến cáo không nên sử dụng vaccine Moderna cho người dưới 30 tuổi đã làm dày thêm danh sách các quốc gia đưa ra quy định hạn chế với vaccine Covid-19 này.