Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu đã đến hồi kết?

Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu đã được cải thiện phần nào trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng mọi thứ vẫn còn xa để trở lại mức bình thường.

Theo Wall Street Journal, những rắc rối trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã giảm bớt. Nhưng các nhà vận chuyển, sản xuất và bán lẻ cho rằng mọi thứ sẽ chưa thể trở lại trạng thái bình thường trong năm nay.

Tại châu Á, các nhà máy đã bắt đầu hoạt động trở lại. Cuộc khủng hoảng năng lượng và tình trạng công suất sụt giảm đã được khắc phục một phần. Những nhà bán lẻ ở Mỹ cũng dự trữ đủ hàng hóa cho mùa mua sắm cao điểm cuối năm. Giá cước vận tải đường biển rời khỏi mức kỷ lục.

Nhưng theo giới quan sát, quá trình phục hồi còn bị cản trở bởi nhu cầu mạnh mẽ tại phương Tây, tình trạng tắc nghẽn cảng biển, thiếu hụt tài xế xe tải và giá cước vận tải toàn cầu vẫn ở mức cao. Cùng với đó là rủi ro thiên tai và các đợt bùng phát Covid-19.

Khung hoang chuoi cung ung anh 1

Các nhà vận chuyển, sản xuất và bán lẻ cho rằng mọi thứ sẽ chưa thể trở lại trạng thái bình thường trong năm nay. Ảnh: Wall Street Journal.

Tắc nghẽn cảng biển

Số lượng tàu chờ dỡ hàng tại các cảng Los Angeles và Long Beach (Mỹ) đã giảm đi nhưng vẫn ở gần mức kỷ lục. 71 tàu container neo đậu ngoài khơi hôm 19/11, theo Marine Exchange of Southern California. 17 tàu khác dự kiến tới nơi trong vòng 3 ngày tới. Hôm 16/11, con số lên tới 86 tàu.

Việc tàu container neo đậu ngoài khơi vốn là điều bất thường trước khi đại dịch bùng phát.

Theo giới quan sát, lượng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển Mỹ sẽ giảm bớt sau mùa mua sắm cao điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Theo ông Jan Held - một chủ tàu người Đức, tình trạng tắc nghẽn, nhất là ở châu Á, đang giảm bớt. Nhưng ông cho rằng sẽ phải mất thêm thời gian để hệ thống giao thông toàn cầu trở lại bình thường.

Giá cước vận chuyển xuyên Thái Bình Dương hạ nhiệt trong những tuần gần đây. Bởi hầu hết hãng bán lẻ lớn của Mỹ đã nhập khẩu đủ hàng hóa cho mùa lễ. Chi phí vận chuyển một container qua Thái Bình Dương giảm 25% trong tuần từ ngày 5-12/11, mức giảm lớn nhất trong vòng 2 năm.

Nhưng bất cứ gián đoạn nào cũng có thể đẩy giá cước vận chuyển tăng vọt, chẳng hạn việc cảng Ninh Ba - Chu Sơn của Trung Quốc bị đóng cửa vì dịch Covid-19 hồi tháng 8.

Khung hoang chuoi cung ung anh 2

Lượng hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển Mỹ sẽ giảm bớt sau mua mùa sắm cao điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Wall Street Journal.

Nhiều chuỗi siêu thị lớn như Walmart Inc., Home Depot Inc. và Target Corp. đã sẵn sàng cho kỳ nghỉ lễ. Họ đã nhập hàng sớm hơn bình thường trong năm nay.

Nhưng hầu hết doanh nhân trong ngành đều tin rằng vấn đề vẫn chưa kết thúc. Họ lo ngại vấn đề tại các cảng biển và đường bộ. Một số nhà bán lẻ báo cáo tỷ suất lợi nhuận thấp hơn vì chi phí vận chuyển tăng cao.

"Thời gian vận chuyển hàng hóa từ Đức đến Anh mất tới 6 tuần. Trước kia, chúng tôi chỉ phải chờ 2 tuần", bà Christine Humphreys - nhà đồng sáng lập của Mindful Drink Company Ltd. - cho biết.

Trong tháng qua, sản lượng tại các nhà máy ở Malaysia, Việt Nam và các quốc gia khác đã tăng trở lại. Nguyên nhân là số ca nhiễm Covid-19 giảm, những giới hạn sản xuất được dỡ bỏ và tình trạng tắc nghẽn giảm bớt.

Tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng năng lượng làm điêu đứng các trung tâm sản xuất nước này đã giảm bớt trong những tuần gần đây.

Theo các cuộc phỏng vấn với một số chủ nhà máy có trụ sở tại Quảng Đông - trung tâm sản xuất phía nam của Trung Quốc, phần lớn hoạt động sản xuất đã trở lại công suất bình thường kể từ tháng 10.

Tình trạng thiếu hụt container vận chuyển cũng đang giảm bớt. Ông Thomas Broertjes - Giám đốc điều hành của Foshan Oufeng Furniture Co. (có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông) - tiết lộ rằng hồi tháng 9, ông không thể vận chuyển bất cứ hàng hóa nào. Nguyên nhân là công ty của ông Broertjes không thuê được container vận chuyển.

Kể từ tháng 10, công ty đã có thể thuê container, nhưng vẫn phải mất nhiều ngày để chờ xác nhận từ nhà cung cấp. Tuy nhiên, giá vẫn gấp 3-4 ngày so với năm 2020.

Mất thời gian để phục hồi

Các chủ nhà máy khác cho biết họ vẫn đang vật lộn để xử lý những nút thắt cổ chai. Kể từ tháng 6, các thùng hàng chứa đầy phụ tùng ôtô bắt đầu chất đống tại nhà kho của Zhejiang Songtian Automotive Motor System Co.. Ngày càng nhiều nhà nhập khẩu phương Tây ngừng nhận hàng trong bối cảnh giá cước tăng cao

“Toàn bộ nhà máy chất đầy hàng hóa thành phẩm không thể vận chuyển ra nước ngoài. Đó là vấn đề đau đầu nhất của chúng tôi ở thời điểm hiện tại. Nhưng chúng tôi cũng không thể làm gì", ông Dai Xuezhi - Giám đốc điều hành của Zhejiang Songtian - chia sẻ.

Toàn bộ nhà máy chất đầy hàng hóa thành phẩm không thể vận chuyển ra nước ngoài. Đó là vấn đề đau đầu nhất của chúng tôi ở thời điểm hiện tại.

Ông Dai Xuezhi, Giám đốc điều hành của Zhejiang Songtian

Theo nhà cung cấp dữ liệu eeSea, so với tháng 9, tình trạng chậm trễ trong vận chuyển đã giảm bớt vào tháng 10. Nhưng số lượng tàu chờ bên ngoài các cảng vẫn không giảm nhiều.

Tính đến sáng 19/11, 500 tàu container lớn đang chờ cập cảng bên ngoài các cảng châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, tăng nhẹ so với con số 497 ngày 8/10.

Tại Mỹ - điểm đến của nhiều lô hàng được sản xuất tại châu Á, tình trạng tắc nghẽn vẫn chưa có nhiều dấu hiệu thuyên giảm.

Gần đây, các tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa đã dỡ bỏ hạn chế đối với hàng hóa nhập cảnh vào những bến cảng bị tắc nghẽn ở khu vực Chicago.

Nhưng những thùng hàng vẫn chất đống tại cảng Los Angeles và Long Beach. Theo các hãng vận tải, tình trạng tắc nghẽn của những tàu container ngoài khơi cho thấy dòng chảy vận chuyển trong nước vẫn chưa được cải thiện.

"Chúng ta vẫn đang mắc kẹt trong tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng", ông Alan McCorkle - Giám đốc điều hành của Yusen Terminals LLC - chia sẻ.

Trung Quốc chao đảo vì 'bom nợ', kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng theo

Giới quan sát đưa ra các dự báo không mấy lạc quan đối với triển vọng của kinh tế Trung Quốc. Điều đó sẽ ảnh hưởng đáng kể tới tăng trưởng kinh tế thế giới.

Lý do giá cả tại Mỹ tăng mạnh nhất trong vòng 30 năm

Nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ bật tăng mạnh mẽ sau khi chạm đáy trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, nguồn cung không thể phục hồi với tốc độ tương tự.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm