Đơn vị chống khủng bố Malaysia bắt những đối tượng tình nghi là chiến binh IS ở ngoại ô bang Selangor hồi tháng 4/2015. Ảnh: The Star |
Theo báo Straits Times, hàng trăm người ở Đông Nam Á đã tìm đường gia nhập phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq trong những năm qua. Nhiều kẻ ấp ủ nguyện vọng xây dựng một triều đại Hồi giáo tương tự ở khu vực. Họ tin rằng ước mơ có thể thực hiện bằng vũ lực nếu cần thiết.
"Chúng tôi rất lo ngại về những người hồi hương từ vùng đất của phiến quân. Họ có thể dụ dỗ người khác tham gia các hoạt động khủng bố hoặc kích động tấn công", ông Datuk Ayub Khan, trợ lý giám đốc Cơ quan chống khủng bố Malaysia, nói.
Cơ quan cảnh sát Malaysia và Indonesia dự đoán, những phần tử IS đang âm mưu lên kế hoạch gây ra hàng loạt vụ khủng bố quy mô lớn như vụ đánh bom Bali năm 2002, bắt cóc con tin hoặc ám sát. Ông Ayub cho biết, phần lớn thành viên IS gốc Đông Nam Á vẫn trải qua các khóa tập huấn ở Iraq và Syria. "Tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng trong 5 đến 10 năm tới".
Bên cạnh đó, mỗi quốc gia như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines đều có các nhóm phiến quân Hồi giáo hoạt động riêng rẽ. Chúng có cùng lý tưởng với lực lượng IS, có khả năng hỗ trợ nguồn lực và giúp che giấu những thành viên IS đến Đông Nam Á để chiêu mộ lực lượng.
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng đối phó với phiến quân trên mặt trận rộng lớn. Indonesia là trường hợp điển hình vì sự ràng buộc về luật pháp.
Luật chống khủng bố hiện hành của Indonesia xây dựng từ năm 2005, sau vụ đánh bom ở Bali, chỉ đề cập đến những tội ác mà các nhóm thánh chiến gây ra trong nước. Do vậy, Jakarta gặp nhiều rào cản khi muốn tham gia truy tố các đối tượng tình nghi là thành viên IS gây án hoặc gia nhập mạng lưới khủng bố ở nươc ngoài.
Những biện pháp đối phó với phiến quân hồi hương
Trong trường hợp nhà điều tra các nước không nắm đủ bằng chứng để truy tội những đối tượng này, họ sẽ bố trí lực lượng giám sát thường xuyên. Một khó khăn khác phát sinh do phần lớn các nước ASEAN không đủ nguồn lực hoặc nhân viên giám sát hàng trăm người, thậm chí hàng nghìn, trong nhóm đối tượng nguy hiểm.
"Chỉ lực lượng cảnh sát mới xem đây là vấn đề nghiêm trọng, còn các chính trị gia luôn xem nhẹ sự việc liên quan đến IS", giáo sư Adrianus E. Meliala, chuyên gia chống khủng bố và là thành viên Ủy ban cảnh sát quốc gia Indonesia, nói với Straits Times.
Đến nay, hơn 280 người Indonesia đã tìm cách đến Syria. Trong số này, 20 người đã quay trở về nước. Cảnh sát Indonesia bắt 13 người và đang giám sát 7 người.
Tại Malaysia, cảnh sát đã bắt 111 đối tượng tình nghi liên quan đến phiến quân IS sau khi họ trở về nước từ tháng 2/2013. Theo ông Ayub, không phải tất cả những người này đều là chiến binh thánh chiến. Nhiều người trở về do vỡ mộng vì chỉ được phiến quân giao các công việc vặt.
"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải bắt giam họ để thẩm vấn, từ đó mới có thể đánh giá về ý thức hệ và xác định tư tưởng thánh chiến đã hình thành hay chưa", ông Ayub nói.
Đối với những người hồi hương và được xác định không gây nguy hiểm, cảnh sát Malaysia đề nghị chức sắc Hồi giáo trong địa phương khuyên bảo, xóa các tư tưởng mà IS có thể đã nhồi nhét vào những đối tượng này.
Indonesia và Singapore cũng có những chương trình tương tự. Ông Noor Huda Ismail, chuyên gia về khủng bố người Indonesia, cho biết những đối tượng đào tẩu rất đắc lực trong kế hoạch chống IS. "Họ chính là minh chứng cho những lời hứa giả dối của IS. Lời nói của họ rất thuyết phục", ông Huda nói.
Tuy nhiên, một số quốc gia áp dụng lập trường cứng rắn hơn. Thủ tướng Australia Tony Abott đã khẳng định, những chiến binh IS vỡ mộng sẽ bị bắt ngay khi họ về nước. Ông Abbott nhấn mạnh, chính quyền sẽ khởi tố và bắt giam những người đào tẩu, không nhân nhượng bất kỳ trường hợp nào.
Hồi tháng 6, Thủ tướng Abbott cho biết, 19 trong 25 người Australia trở về từ Trung Đông đã tham gia các hoạt động khủng bố dưới nhiều hình thức khác nhau. Chính quyền đã kết tội 8 người.