5 triệu USD so với yêu cầu tiền chuộc 132 triệu USD của khủng bố. Ảnh: YouTube" src="" data-src="https://photo.znews.vn/Uploaded/aolnpvp/2014_08_24/My__Nha_bao_James_Foley_Syria_bi_hanh_quyet.jpg" /> |
Gia đình của nhà báo James Foley chỉ hi vọng kiếm được 5 triệu USD so với yêu cầu tiền chuộc 132 triệu USD của khủng bố. Ảnh: YouTube |
Mỹ "tiến thoái lưỡng nan"
Trước khi khủng bố thuộc “Nhà nước Hồi giáo” (IS) hành quyết nhà báo James Foley ngày 19/8, gia đình anh vẫn nỗ lực quyên tiền theo yêu cầu của phiến quân. Ông Phil Balboni, đồng sáng lập tờ Global Post và là nơi Foley cộng tác đưa tin, nói yêu cầu đòi tiền chuộc như "tia hi vọng" về sự tự do của anh.
Gia đình Foley biết rằng khoản tiền 132 triệu USD là con số rất lớn và vượt quá khả năng, họ mong vận động khoảng 5 triệu USD để tiếp tục thương lượng.
Tuy nhiên, Washington không tán đồng với việc làm của gia đình Foley. Chính phủ Mỹ khẳng định trả tiền chuộc chính là sự ủng hộ bất hợp pháp đối với các tổ chức khủng bố. Một quan chức Bộ Tư pháp Mỹ nói trên báo Wall Street Journal rằng Cục Điều tra Liên bang (FBI) từng khuyên gia đình Foley không nên chấp nhận yêu sách của khủng bố vì lo ngại tiền lệ này thúc đẩy những vụ bắt cóc tiếp tục diễn ra.
David Rohde, bình luận viên của hãng tin Reuters và từng rơi vào tay khủng bố ở Afghanistan, nói lập trường cứng rắn của Washington có thể "gián tiếp kết án cho những công dân Mỹ bị bắt". Ông Rohde sau này may mắn trốn thoát khỏi nhà tù của Taliban dù Mỹ nhất quyết không trả tiền chuộc ông.
Nhà nghiên cứu James Traub (Trung tâm hợp tác quốc tế, Đại học New York) viết trên tạp chí Foreign Policy rằng Tổng thống Barack Obama "có nghĩa vụ cân nhắc hậu quả từ những quyết định của mình". Theo Traub, "hậu quả về sự đầu hàng vẫn chỉ là giả thuyết trong tương lai, còn tính mạng con người đang nguy hiểm là điều thực tế".
Tổng thống Mỹ họp báo sau khi khủng bố hành quyết nhà báo Foley. Ông Obama khẳng định kế hoạch hành động sắp tới của Mỹ là trừng phạt, chứ không phải trả tiền chuộc. Ảnh: AFP |
Một số nhà phân tích ủng hộ lập trường của chính phủ Mỹ. Báo New York Times nhấn mạnh các nhóm khủng bố đã tăng cường những vụ bắt cóc công dân nước ngoài như hoạt động mang lại lợi nhuận lớn. Theo tờ báo, al-Qaeda và các "chân rết" đã bắt cóc hơn 50 người ngoại quốc trong 5 năm qua, mức tiền chuộc cũng tăng theo thời gian. Chúng từng đòi khoảng 200.000 USD cho một con tin cách đây một thập kỷ, còn mức tiền chuộc hiện nay trung bình là 10 triệu USD.
Trong vụ nhà báo Foley, "khủng bố IS gửi tới một bản yêu sách rất nhiều điều khoản như đòi tiền chuộc tới 132 triệu USD và trao đổi tù binh", báo New York Times cho biết.
Tạp chí State cho rằng sự chấp nhận nhượng bộ chính là tiếp tay cho các hành động chiến tranh và diệt chủng chống lại loài người của khủng bố IS. Trong đoạn video hành quyết nhà báo Foley, phiến quân đe dọa sẽ tiếp tục giết nhà báo Sotloff và ba con tin Mỹ khác nếu Washington không ngừng chiến dịch không kích ở Iraq.
Slate nhận định: "Chúng ta phải nghĩ đến hàng chục con tin khác. Mỗi lần chúng ta chấp nhận trả tiền chuộc là chúng ta đã định "mức giá" cho những con tin kế tiếp. Cách duy nhất dập tắt những vụ bắt cóc là khiến nó vô giá trị và kiên quyết không trả tiền chuộc. Nếu chúng ta ngừng chiến dịch không kích thì chẳng khác nào để mặc thường dân Iraq và Syria cho khủng bố giết hại".
Bất ngờ trao đổi tù binh
Phiến quân Taliban bàn giao trung sĩ Bowe Bergdahl cho đặc nhiệm Mỹ ở Afghanistan, sau khi Washington đồng ý trả tự do cho 5 thủ lĩnh Taliban. Ảnh: ABC News |
Một trong những thỏa hiệp hiếm hoi giữa Mỹ và khủng bố là việc Washington đồng ý trao đổi tù binh với phiến quân Taliban để đổi lấy tự do cho trung sĩ Bowe Bergdahl mà chúng giam giữ. Sự việc diễn ra ngày 31/5, khi Mỹ áp giải 5 thủ lĩnh Taliban từ nhà tù ở Vịnh Guantanamo đến Qatar, nước trung gian cho kế hoạch, còn Taliban trả Bergdahl cho một nhóm lính đặc nhiệm Mỹ.
Đảng Cộng hòa chỉ trích vụ trao đổi rất dữ dội vì cho rằng sự việc tạo tiền lệ xấu và có thể gây ra những mối đe dọa mới cho nước Mỹ. Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO) kết luận hành động của Washington phạm luật vì chính phủ không thông báo kế hoạch trước 30 ngày cho quốc hội, BBC đưa tin ngày 21/5.
Bộ Quốc phòng Mỹ nói không thể thực hiện theo quy trình vì tính mạng của trung sĩ Bergdahl đang trong tình huống rất nguy hiểm, nên không thể đợi một thời gian dài để đạt được sự chấp thuận. Hơn nữa, chính phủ biện minh tổng thống Mỹ có thẩm quyền để bảo vệ binh sĩ và công dân Mỹ ở nước ngoài.
Sống sót vì là người châu Âu
Phần lớn chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra tán đồng quan điểm cứng rắn không trả tiền theo yêu cầu của khủng bố của Mỹ và Anh. Các nước phát triển khối G8 trong năm 2013 đã cam kết không chấp nhận chi tiền chuộc. Tuy nhiên, diễn biến sau đó dường như không tuân theo những chính sách ban đầu.
Anh Domenico Quirico, nhà báo người Italia từng mất tích vào tháng 4/2013 khi tác nghiệp ở Trung Đông, cho biết quốc tịch Italy đã cứu mạng anh. "Những kẻ bắt cóc nói rằng 'Ngươi may mắn vì là người Italia. Nếu ngươi là dân Mỹ hay Anh thì chúng ta giết lâu rồi. Chúng ta biết người châu Âu sẽ chấp nhận đàm phán'", Quirico nói.
Khủng bố phóng thích Quirico vào tháng 9/2013 sau một thời gian giam giữ anh ở Syria. Quirico nhận định: "Tiền là lí do chúng bắt cóc tôi, cũng là lí do chúng trả tự do cho tôi".
Tuy nhiên, chính phủ Italy một mực phủ nhận những bản tin trên báo chí rằng nước này trả tiền chuộc để bảo toàn mạng sống của Quirico.
Ông Nicolas Henin (trái), nhà báo Pháp từng bị bắt làm con tin ở Syria và chịu cảnh giam cầm chung với James Foley, đoàn tụ người thân sau khi được thả tự do vào tháng 4/2014. Ảnh: Reuters |
Cũng trong năm 2013, cựu đại sứ Mỹ tại Mali, Vicki J. Huddleston, tiết lộ Pháp đã chuyển cho nhóm khủng bố al-Qaeda tại Bắc và Tây Phi (thường gọi là AQIM) 17 triệu USD để chúng phóng thích một số con tin người Pháp.
Ông Francois Hollande, Tổng thống Pháp, trả lời trong một cuộc họp báo hồi tháng 2/2013 rằng chính phủ đã áp dụng mọi biện pháp để giải cứu các công dân Pháp trong tay khủng bố, nhưng ông bác bỏ thông tin về tiền chuộc.
Cuộc tranh luận tiếp tục nổi lên vào cuối năm 2013, sau khi AQIM trả tự do thêm cho 4 con tin Pháp. Báo Le Monde khi đó đưa tin Paris chi khoảng 26,5 triệu đến 33,2 triệu USD cho khủng bố. Ngoại trưởng Pháp, ông Laurent Fabius, không phủ nhận bản tin của Le Monde mà chỉ nhấn mạnh "không dùng ngân sách trong trường hợp này". Hai công ty nơi 4 con tin làm việc không đưa ra bình luận.