Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khúc mắc đằng sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử của Iran

Iran vừa đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với 6 cường quốc hàng đầu thế giới dù hàng loạt khúc mắc vẫn tồn tại đằng sau thành tựu mang tính đột phá này.

Mỹ là quốc gia tạo điều kiện cho Iran phát triển chương trình hạt nhân vào năm 1957, khi Tehran và Washington vẫn là những đồng minh thân cận. Tuy nhiên, chính Mỹ quay lưng lại với chương trình hạt nhân của Iran khi Cách mạng Hồi giáo nổ ra trong năm 1979, làm thay đổi toàn bộ chính trường Iran.

Iran vừa đạt được thỏa thuận lịch sử với nhóm P5+1. Ảnh: CNN.

Các nước tham gia đàm phán bao gồm Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Trước khi ký thỏa thuận, Iran và 6 cường quốc họp tại Geneva, Thụy Sỹ nhiều lần để thương lượng các điều khoản.

Iran không phải quốc gia duy nhất phát triển chương trình hạt nhân. Ít nhất 8 quốc gia trên thế giới đang sở hữu vũ khí hạt nhân, bao gồm 3 nước nằm ngoài nhóm P5+1. Đức không phát triển vũ khí nguyên tử dù quốc gia này được phép phát triển. Trong khi đó, Israel luôn ngăn cản các nước trong khu vực sở hữu vũ khí hủy diệt nhưng đang sở hữu khoảng 80 vũ khí nguyên tử, theo ước tính của các nhà khoa học Mỹ.

Chương trình hạt nhân của Iran gặp khó khăn do họ ký kết hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế IAEA giám sát chặt chẽ mọi hoạt động hạt nhân của Iran. Nó khiến phương Tây đủ cơ sở pháp lý để gây sức ép lên Tehran.

Trên thực tế, phương Tây và các đồng minh cực kỳ lo ngại Iran sử dụng chương trình hạt nhân làm giàu uranium cấp độ cao, nhiên liệu sản xuất vũ khí nguyên tử. Hơn một thập kỷ trước, các thanh tra hạt nhân phát hiện dấu vết của uranium làm giàu ở cấp độ cao tại cơ sở hạt nhân ở Natanz. Vụ việc buộc Iran phải ngừng chương trình hạt nhân tới năm 2006.

Iran sẽ hưởng lợi sau thỏa thuận lịch sử. Ảnh: Getty Images.

Hiện tại, Iran đang sở hữu uranium được làm giàu tới 20%. Để uranium trở thành nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân, tỷ lệ ấy phải tăng lên tới 90%. Dẫu vậy, thỏa thuận buộc Iran phải pha loãng kho dự trữ, đồng thời tháo dỡ các thiết bị cho phép làm giầu trên 5%. Đây là mức độ vừa đủ để Iran chế tạo các thanh nhiên liệu dành cho nhà máy điện hạt nhân.

Đổi lại, cộng đồng quốc tế sẽ tạm ngưng các biện pháp trừng phạt nhằm vào tiềm năng xuất khẩu vàng và dầu mỏ của Iran. Ngoài ra, Iran sẽ được tiếp cận nguồn ngoại tệ lên tới 7 tỷ USD. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, đó chỉ là con số quá nhỏ đối với lợi ích mà Tehran hưởng. Sau khi ký thỏa thuận lịch sử, lợi ích mà Iran hưởng có thể lên tới 100 tỷ USD.

Trên thực tế, rất nhiều quốc gia không hài lòng với thỏa thuận lịch sử của Iran và nhóm 6 cường quốc. Israel luôn nghi ngờ tham vọng sở hữu bom hạt nhân của Iran trong khi thủ tướng Benjamin Netanyahu thẳng thừng gọi thỏa thuận là “một sai lầm của lịch sử”.

Bên cạnh Israel, Ảrập Xêút, quốc gia mà dân số chủ yếu là người Hồi giáo dòng Sunni, cũng không thấy an tâm với thỏa thuận. Giống như Israel, Ảrập Xêút cũng đang gặp những thách thức lớn khi ảnh hưởng của Iran, với phần lớn dân số là người Shiite, đang ngày càng lớn mạnh ở Trung Đông.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm