Ofir Gendelman, người phát ngôn của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, nói rằng ông đã chỉ trích thỏa thuận hạt nhân giữa Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức với Iran trong phiên họp nội các hàng tuần, AFP đưa tin.
"Thỏa thuận mà các cường quốc ký kết với Iran tại Geneva không phải là một thỏa thuận lịch sử, mà là một sai lầm lịch sử', ông khẳng định.
Theo Netanyahu, thỏa thuận đáp ứng những mong muốn của Iran - như nới lỏng các biện pháp trừng phạt và cho phép Tehran duy trì những phần quan trọng nhất của chương trình hạt nhân.
Ông Benjamin Netanyahu coi việc Iran sở hữu bom nguyên tử là mối đe dọa đối với sự tồn tại của Israel. Ảnh: Reuters. |
Ngoại trưởng Israel, ông Avigdor Lieberman cho rằng, văn kiện mà 6 cường quốc ký với Iran đã hợp pháp hóa chương trình làm giàu uranium của Tehran và nó rất giống một cuộc đảo chính ngoại giao.
"Đây là thắng lợi ngoại giao lớn nhất của Iran, bởi nhờ nó mà họ có quyền làm giàu uranium", ông Lieberman bình luận khi trả lời phỏng vấn của một chương trình phát thanh.
Ngược lại, Đại giáo chủ Ali Khamenei, nhà lãnh đạo tối cao của Iran, lại ca ngợi "thành quả" của phái đoàn đàm phán Iran khi họ ký kết một thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc. Trong thư gửi Tổng thống Hassan Rouhani, Đại giáo chủ Khamenei nhận định thỏa thuận là nền tảng cho những tiến triển xa hơn và các buổi cầu nguyện của dân tộc Iran đã đóng góp cho thành công này.
Trong một tuyên bố trên kênh Press TV, ông Rouhani nêu rõ thỏa thuận với 6 cường quốc "đã thừa nhận quyền hạt nhân của Iran" bằng việc cho phép Tehran tiếp tục làm giàu urani và tuyên bố quốc gia Hồi giáo sẽ tiếp tục các hoạt động làm giàu uranium.
"Đó là bước tiến đầu tiên nhằm xây dựng lòng tin giữa Iran và 6 cường quốc", ông nhận xét.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện thoại tới Thủ tướng Israel sau khi 6 cường quốc ký thỏa thuận hạt nhân với Iran, AP đưa tin. Trong cuộc điện đàm, Obama đã cố gắng trấn an Netanyahu, nhấn mạnh rằng mục tiêu cao nhất của Mỹ vẫn là ngăn chặn Iran chế tạo bom nguyên tử. Obama khẳng định rằng, trong vài tháng tới, Mỹ và 5 cường quốc sẽ cố gắng tìm ra một giải pháp lâu dài, hòa bình và toàn diện để xoa dịu mối quan ngại của cộng đồng quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Iran.