Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khúc bi ca của nỗi đau hậu chiến

Mỗi kiếp người nhỏ bé sống trong lò lửa chiến tranh đều phải chịu những mất mát, đau thương. Hàng triệu nỗi đau đơn lẻ của mỗi cá nhân tạo thành bi kịch của cả dân tộc.

Bên dòng Sầu Diện là tiểu thuyết đầu tiên viết về đề tài chiến tranh của Nguyễn Đình Tú. Nhân vật chính của tác phẩm là Minh Việt, một cậu bé với đôi mắt buồn, ra đời đúng vào lúc trận Điện Biên Phủ đang bước vào giai đoạn ác liệt. Tiếng động đầu tiên mà đứa trẻ ấy, cảm nhận được sau tiếng khóc chào đời của bản thân chính là tiếng bom nổ, tiếng súng và tiếng gầm của đại bác.

Chiến tranh đã xoay vần số phận của Minh Việt một cách không thương tiếc, giống như cái cách nó đã làm với tất cả những con người xấu số sinh ra vào đúng trận binh lửa. Nhưng điều trớ trêu ở chỗ: cơ duyên mang đứa bé ấy đến với thế giới này cũng chính là chiến tranh.

Minh Việt ra đời từ mối tình chớp nhoáng giữa Mến, một cô gái hiền lành ở xóm đạo và chàng chiến sĩ cách mạng Nguyên Bình. Trong một lần Nguyên Bình bị thương, Mến đã tận tình chăm sóc anh. Chiến tranh và những nguyên cớ ngoài cuộc chiến đã chia cắt họ. Cô Mến một mình sinh con rồi lặng lẽ nuôi con, cố nuốt nước mắt vào trong khi biết tin người mình yêu đi lấy vợ. Cô vẫn mong mỏi một ngày hai cha con sẽ được gặp nhau. Nhưng này được đoàn tụ với bố lại là một ngày buồn trong đời Minh Việt.

Ben dong Sau Dien anh 1
Tiểu thuyết Bên dòng Sầu Diện

Lên tám tuổi mẹ mất, cậu bé tội nghiệp chuyển đến sống với bố và gia đình mới của ông. Cuộc sống cứ thế bình yên trôi qua cho đến khi chiến tranh tràn tới thị trấn An Lạc nhỏ bé. Giống như bao chàng trai thời loạn, Minh Việt lên đường nhập ngũ. Trải qua nhiều chiến trường khốc liệt của miền Nam, nhưng chàng trai trẻ vẫn nguyên vẹn cho đến ngày hòa bình lập lại. Liệu đó có phải là  điều may mắn?

Để đỡ đần bố và mợ nuôi nấng các em, Minh Việt đã xin làm thủy thủ. Đến lúc này, tai họa bỗng ập đến, những “nanh vuốt” ẩn dấu của chiến tranh mới bắt đầu lộ diện. Chất độc màu da cam có sức tàn phá ghê gớm đối với cơ thể Minh Việt. Từ một người đàn ông tráng kiện, giờ anh chỉ còn thân thể tàn tạ của bệnh tật.

Đau ốm, bệnh tất, một mình sống nơi đất khách, nhưng trái tim Minh Việt vẫn chứa đầy lòng trắc ẩn và bao dung. Anh cưu mang Phượng, một người phụ nữ bị ly tán gia đình trong chiến tranh. Phượng sinh cho Minh Việt bé Ly như một sự đền đáp, sau đó cô sang Mỹ đoàn tụ cùng người thân.

Nhưng dường như số phận luôn muốn dồn ép người đàn ông tội nghiệp ấy đến bước đường cùng. Bé Ly bị ảnh hưởng của di chứng chất độc màu da cam và ra đi bởi căn bệnh hiểm nghèo. Minh Việt về lại An Lạc, sống bên dòng sông Sầu Diện.

Bằng cái nhìn của một nhà văn sinh trưởng trong thời bình, Nguyễn Đình Tú đã khai thác chiến tranh theo một khía cạnh khác với các nhà văn thế hệ đi trước. Không đi sâu vào việc tái hiện lại cuộc chiến, anh tập trung khắc họa nỗi đau của con người thời hậu chiến. Đó là nỗi đau dai dẳng, vẫn đang tiếp diễn ở hiện tại, nỗi đau mà thế hệ của tác giả cảm nhận một cách rõ nét nhất.

Với sự từng trải của một cây bút giàu kinh nghiệm, đặc biệt là trong “địa hạt” tiểu thuyết, tác giả đã thành công trong việc xây dựng nhân vật. Cả tuyến nhân vật chính và tuyến nhân vật phụ trong tác phẩm đều được xây dựng một cách rõ nét, tạo được điểm nhấn và để lại ấn tượng trong lòng người đọc.

Dù chỉ thoáng qua, nhưng nhiều mảnh đời khác được nhắc đến trong tác phẩm như Tân, Cói, Hoài, bé Ly… đều đã lên tiếng tố cáo tội ác của chiến tranh. Với khả năng dẫn dắt khéo léo, tác giả chia cuốn tiểu thuyết thành ba phần và xây dựng một “chuyến đi ngược dòng thời gian” lần theo hồi ức của nhân vật để tạo bất ngờ cho độc giả.

Đọc Bên dòng Sầu Diện, những bạn đọc yêu thích dòng tiểu thuyết trinh thám hình sự, hay tiểu thuyết mang yếu tố tính dục của Nguyễn Đình Tú sẽ được thấy một phía cạnh khác trong sáng tác của anh. Sự đổi mới bắt đầu từ góc nhìn cho đến giọng điệu: bình dị, sâu sắc mà không kém phần thâm trầm. Dù không trải qua chiến tranh, nhưng tác giả đã cảm nhận những mất mát đau thương của dân tộc bằng tất cả sự nhạy cảm của người cầm bút.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm