Cuốn tiểu thuyết là cuộc gặp gỡ kỳ lạ của ba con người, ba số phận, ba hoàn cảnh khác nhau. Họ giống như những đường thẳng song song giữa cuộc đời. Nhưng một khúc quanh của số phận đã khiến họ gặp nhau ở một nơi vô định trong tiềm thức đó là: ga ký ức. Ở đây, chuỗi ngày đen tối nhất trong cuộc đời mỗi người chợt hiện ra rõ ràng, sắc nét đến đáng sợ.
Cảnh tượng đầu tiên được hiện lên trên những trang viết của Phong Điệp là xóm Chùa Cuối tiêu điều, xơ xác. Khi mùa lũ tràn về, dăm ba nóc nhà nơi đây đều bị nhấn chìm trong biển nước mênh mông, tội nghiệp như cánh bèo dập dềnh trong ao ngày nhiều gió. Cái xóm nghèo ấy chính là quê hương của cô bác sĩ tâm thần xinh đẹp, dịu dàng, nhân vật nữ duy nhất trong tác phẩm. Nhưng đó lại là miền quê mà cô luôn muốn quên...
Ký ức về quê hương trong cô gái tội nghiệp là giấc mơ cá theo con lũ bơi vào nhà rỉa đứt ngón chân khiến chị em cô chẳng thể ngủ yên. Ở đó, đứa bé nghèo chẳng có nổi một mái nhà trọn vẹn. Bố cô cứ thế bỏ đi mà chẳng để lại cho bầy con thơ một lời chào hay vài dòng thư từ biệt.
Ba mẹ con tằn tiện sống qua ngày bằng cơm độn. Trong khi mẹ cô phải tần tảo kiếm từng đồng từ cái máy dệt đã han rỉ thì bao người trong xóm Chùa Cuối đã kịp đổi đời. Người thì mải miết đi xuất khẩu lao động ở trời Tây. Kẻ thì bán mua lừa lọc. Đồng tiền đã khiến xóm Chùa Cuối mất đi sự yên bình vốn có.
Tiểu thuyết Ga ký ức của Phong Điệp. |
Phong Điệp là nhà văn đã tạo lập được phong cách viết riêng. Nét cá tính trong sáng tác của chị xuất hiện từ thời kỳ đầu cầm bút với nét u linh, kỳ lạ trong truyện ngắn Ma mèo. Người đọc yêu văn Phong Điệp sẽ gặp lại sự huyền hoặc nhuốm màu định mệnh đó trong Ga ký ức với câu chuyện của Y - bệnh nhân tâm thần mà nữ bác sĩ xinh đẹp đang tìm kiếm.
Y lớn lên trong một ngôi làng bị yểm bùa, nơi mà các thầy địa lý đều cảm thấy kinh sợ khi đặt chân đến. Đàn ông trong dòng họ của Y luôn bị hành hạ bởi những cơn đau đầu khủng khiếp không tìm nổi căn nguyên. Đàn bà con gái thì cứ thế hóa điên trước tuổi 18. Nghĩa địa trong làng toàn mộ của các trinh nữ.
Mắt xích cuối cùng của “sân ga ký ức” là Phùng, một người đàn ông trung niên độc thân, giàu có. Anh lớn lên trong mặc cảm là một đứa “con hoang” bị cả làng khinh rẻ. Anh đã nung nấu ý chí học thật giỏi, kiếm thật nhiều tiền để có thể ngẩng mặt lên với đời và bù đắp cho người mẹ tội nghiệp. Nhưng cuộc sống bí bách trong ngôi nhà chung cư hiện đại khiến mẹ của Phùng bị trầm cảm. Anh đành thuê một bác sĩ tâm lý đến trò chuyện với bà. Và cô gái ấy đã làm sống lại trái tim chai sạn của người đàn ông từng trải. Nhưng đột nhiên cô biến mất để lại trong Phùng một khoảng trống vô hình.
Ga ký ức không chỉ là câu chuyện của những số phận bị ám ảnh bởi bóng đen của quá khứ. Đó còn là bức tranh xã hội thời kỳ đầu giai đoạn Đổi mới với những chông chênh của thời cuộc và đầy rẫy những rối ren trong lòng người. Mỗi số phận như con cá nhỏ phải oằn mình giữa dòng nước xiết, đắn đo với nhiều lựa chọn. Công cuộc đổi mới đất nước giống như một cuộc “đại kiến thiết” làm biến đổi nhiều giá trị của xã hội. Trong khi lớp người trẻ tuổi như nhân vật nữ bác sĩ và Phùng muốn xóa bỏ hết mọi giá trị của quá khứ, thì có những người thế hệ đi trước như mẹ của Phùng vẫn muốn lưu giữ chúng như một kỷ niệm.
Ga ký ức đánh dấu bước trưởng thành trong sáng tác của Phong Điệp. Cô không chỉ chú trọng đến tình tiết và cách xây dựng hình tượng nhân vật mà còn đầu tư xây dựng một cấu trúc “lạ” cho tác phẩm. Tuy đưa độc giả vào “mê cung” của dòng ý thức và độc thoại nội tâm nhưng ta vẫn cảm nhận được những hơi thở của đời sống hiện hữu trong trang viết.