Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Nhà văn của em’ - trang sử về các tác giả lão thành

Bộ sách không chỉ tái hiện cuộc đời và sự nghiệp những tên tuổi lớn trong làng văn, trong đó còn có hình bóng của những chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Nhà văn của em là bộ sách gồm 5 tập, ghi lại những mốc son đáng nhớ trong quãng đời cầm bút của 15 nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nổi tiếng qua nhiều thời kỳ như: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Kim Lân, Sơn Nam, Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Nguyễn Minh Châu, Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan.

Trong các tác giả kể trên, có một số người đã dành cả đời cầm bút để sáng tác cho thiếu nhi. Tác phẩm của họ đã trở thành “người bạn” của bao thế hệ độc giả nhỏ tuổi. Các văn nhân còn lại tuy không sáng tác cho bạn đọc nhỏ tuổi, nhưng đều là các các giả quen thuộc trong nhà trường phổ thông, được người đọc ở nhiều thế hệ yêu quý.

Tiểu sử và sự nghiệp sáng tác của các tác giả được nhóm biên soạn tái hiện một cách cẩn trọng và tỉ mỉ theo một trình tự nhất định: từ khi lọt lòng, thuở ấu thơ, cho đến những ngày đầu cầm bút và chặng đường văn nghiệp sau này... Nhờ đó, đem lại cho đọc giả một cái nhìn cụ thể, toàn diện và khách quan về các tác giả trên phương diện là những nhân vật lịch sử của giới văn chương nói riêng và của cả đất nước nói chung.

Nha van cua em anh 1
Bộ sách Nhà văn của em.

Mười lăm nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình được giới thiệu trong bộ sách tuy xuất hiện trên văn đàn ở những thời kỳ khác nhau, nhưng họ đều đã sống cùng những năm tháng hào hùng nhất của lịch sử dân tộc, từ giai đoạn tiền Khởi nghĩa, trải qua Cách mạng tháng Tám cho đến hai cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc. Không chỉ là những văn nhân, các tác giả kể trên còn là những chiến sĩ cách mạng. Và điều đặc biệt của bộ sách này chính là việc nó đã tái hiện được “chân dung người làm cách mạng” bên trong những văn nhân ấy.

Qua những dòng tư liệu đã nhuốm màu thời gian, bạn đọc cảm nhận được không khí sục sôi của những ngày tháng chuẩn bị Khởi nghĩa dành chính quyền trong kí ức của các nhà văn: Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Kim Lâm. Vừa là văn nhân, vừa là chiến sĩ, bên trong những sáng tác của những con người tài hoa như Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Quang Dũng…, hình như còn vương mùi thuốc súng. Chính những tháng năm lịch sử ấy đã cho ra đời những tác phẩm sống cùng lịch sử như Tây Tiến, Đất Nước, Người Hà Nội

Lật giở từng trang sách, độc giả nhí sẽ có dịp khám phá những “bí mật” thú vị mà các em không thể tìm thấy trong sách vở về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn. Ví dụ chuyện vì yêu thích nhân vật Đổng Kim Lân trong vở tuồng Sơn Hậu nên tác giả của truyện ngắn Vợ nhặt đã lấy tên của bậc trung thần này làm bút danh cho mình. Ngoài là một thi sĩ có tâm hồn hào hoa, lãng mạn Quang Dũng còn là người có khiếu hội họa. Ông đã tái hiện cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của xứ Đoài bằng cả ngôn từ và hình khối, màu sắc. 

Nha van cua em anh 2
Một số hình ảnh tư liệu được gia đình các tác giả cung cấp trong bộ sách. 

Nhờ sự giúp đỡ của người thân và gia đình các tác giả nên nhóm biên soạn bộ sách Nhà văn của em đã có nhiều tư liệu quý , cùng với ảnh chụp bút tích của các tác giả. Không những thế, con cháu của một số nhà văn còn tham gia nhóm biên soạn, trong đó có thể kể đến ông Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng, bà Nguyễn Thị Nhã Nam - con gái nhà văn Nguyên Hồng hay ông Nghiêm Xuân Sơn - con rể nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng… Bộ sách hy vọng đem các tác giả nổi tiếng đến gần hơn với công chúng. Đó cũng là cách giúp người đọc cảm nhận tác phẩm một cách trọn vẹn và đầy đủ hơn.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm