Suốt 15 năm qua, Yiyun Li, một tác giả người Mỹ gốc Hoa, đã đọc "Chiến tranh và hòa bình" ít nhất hơn mười lần.
Bản sách bìa cứng tác phẩm của văn hào Leo Tolstoy, dày 1.200 trang chi chít những dòng ghi chú đủ màu nhìn giống lớp da của một chú tắc kè. Thiên tiểu thuyết này không chỉ là một kiệt tác văn học, mà theo bà Li, nó còn là liều thuốc giải nỗi buồn.
Series truyền hình được chuyển thể từ Chiến tranh và Hòa bình, phát sóng năm 2016 trên BBC. Ảnh: BBC. |
Vào những thời khắc khốn khó nhất đời mình, bà tìm đến tiểu thuyết này để đọc đi đọc lại hết lần này đến lần khác, trao niềm tin vào tính “vững chãi” của nó trước sự không chắc chắn của cuộc đời.
"Chiến tranh và hòa bình", ban đầu có tựa gốc là "Năm 1805", được đông đảo bạn đọc xem là tiểu thuyết vĩ đại nhất thế giới. Richard Pevear, một trong những dịch giả cuốn sách, xem tiểu thuyết này “to lớn như chính bản thân nước Nga vậy".
Bối cảnh rộng lớn của cuốn sách không chỉ bao gồm cuộc chiến của Napoleon chống lại người Nga và đế chế Áo-Hung từ năm 1805 đến 1812, mà còn ở dàn nhân vật có cảm xúc và hành vi trải rộng khắp giới hạn nhận thức của con người.
Như James Wood, nhà phê bình văn học, đã nhận xét, Tolstoy là một văn nhân vĩ đại về sự mâu thuẫn của con người. Cuốn tiểu thuyết của ông là minh họa có một không hai về cách con người đối mặt với áp lực của chiến tranh lẫn đời thường.
Theo bà Li, thế giới văn chương của Tolstoy rộng lớn đến nỗi ngoài tác phẩm của ông ra thì không còn bất cứ thứ gì có thể đóng vai trò bạn đồng hành cho con người sống trong cảnh cách ly. Bà tạo một câu lạc bộ đọc sách qua mạng để đàm đạo cùng những độc giả khác trong những ngày cách ly xã hội.
Cùng với Brigid Hughes của trang điểm sách “A Public Space” ở Brooklyn, họ thành lập dự án #TolstoyTogether (“Tolstoy cùng nhau”) vào giữa tháng 3 vừa qua. Trước sự kinh ngạc của hai người, 3.000 người trên khắp thế giới đã đăng ký tham gia.
Nhiều câu lạc bộ sách khác cũng khởi xướng việc thảo luận về văn chương kinh điển trong cuộc đại dịch. Một số nơi đang đọc Decameron của Boccaccio, có bối cảnh thời dịch bệnh “Tử thần đen” ở châu Âu trung cổ.
Một số khác đang thảo luận về cuốn "The Plague" (Dịch bệnh) của Albert Camus. Nhưng chỉ tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình" của Tolstoy mới phản ánh chân thực hơn cả bầu không khí đời sống thời cách ly.
Kết cấu kể chuyện xen kẽ của tác phẩm, đan xen qua lại giữa cảnh chiến trường và những chốn tụ họp xa hoa của giới thượng lưu Nga là hình ảnh phản chiếu của sự phân tán tập trung trong chính trí óc người đọc - giữa trạng thái tĩnh tại, cá nhân của họ và thảm họa đang ập đến ngoài kia.
Không thể không so sánh tác phẩm với cuộc khủng hoảng ngày hôm nay. Ngay trang đầu tiên, nhân vật Anna Pavlovna, một chủ nhà ở thành phố St Petersburg, bị cảm cúm, song vẫn tổ chức tiệc.
Giữa cuộc nói chuyện về chủ đề Napoleon và cuộc chiến, cô hỏi: “Người ta có thể bình tĩnh như thế này vào những thời khắc như thế này không, nếu họ có bất cứ cảm xúc nào?” Pauline Holdsworth, một độc giả ở Toronto, chia sẻ câu nói này lên Twitter, và ghi chú rằng nó chạm “gần đến thấu xương.”
Những người đọc sẽ tham gia những phiên thảo luận kéo dài 30 phút mỗi ngày (tương đương 12 đến 15 trang sách), chậm rãi đi qua những trận đánh và quyết đấu, tử vong và cầu hôn và vũ hội.
Nếu cuốn sách “chứa đựng mọi thứ về cuộc đời” - theo lời bà Li, thì nó còn mô phỏng cả những trải nghiệm nhất thời của đời sống thực. Không có bất cứ chi tiết nhảy vọt hay hồi tưởng nào mà nhiều văn sĩ hiện đại thường làm.
“Mọi thứ cứ thế trôi qua,” bà giải thích, “thời gian cứ trôi, y hệt cách ta sống,” bà nói.
Một buổi đọc chung tiểu thuyết "Chiến tranh và Hòa bình" ở Iowa, Mỹ, nhân dịp kỷ niệm 150 năm tác phẩm này vào năm 2019. Ảnh: Daily Iowan. |
Từ Borodino đến Bergamo
Đáng chú ý, độc giả ngay lập tức nhận ra chính họ trong những luồng cảm xúc dào dạt xuyên suốt mọi nhân vật của Tolstoy. Không ai là có cảm xúc nhất quán, mà đều thay đổi liên tục: Hoàng tử Andrei Bolkonsky lúc thì kiêu ngạo lúc thì phởn phơ; Piere Bezukhov lúc nào cũng nghĩ một đằng nói một nẻo; Nikolai Rostov, người được dành ngai Sa hoàng, thì rất hăm hở được chết, rồi chạy vọt đi như một chú thỏ rừng sợ hãi.
Cuốn tiểu thuyết đang giúp người đọc điều chỉnh được thực tại không chắc chắn của chính mình.
Nói như tiểu thuyết gia người Mỹ George Saunders, Tolstoy quan sát nhân loại “theo cách Chúa nhìn chúng ta,” với lòng trắc ẩn và vị tha, từ đó ngầm khuyến khích người đọc nhìn chính mình bằng cái nhìn bao dung tương tự.
Câu lạc bộ đọc sách này bản thân nó là hiện thân của một nhân tính thường thấy, nay được Covid-19 chỉ rõ hơn: Một mối quan hệ giữa những con người xa lạ rộng khắp nhưng lại được kết nối bởi trí tưởng tượng và những dự đoán của nhau.