Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khu phố Tây hay còn gọi là khu phố Pháp (nay gọi là khu phố cũ) ra đời trong ý tưởng xây dựng một trung tâm hành chính, văn hóa, vừa là thủ phủ của Bắc Kỳ, vừa là thủ phủ của Đông Dương theo chủ trương khai thác thuộc địa của người Pháp.
Những phố Tây đầu tiên được xây dựng ở Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi nối liền với khu nhượng địa ở Đồn Thủy. Sau đó, khu phố Tây thứ hai ra đời sau khi chính quyền Pháp phá thành Hà Nội và xây dựng khu phố mới gần như chiếm toàn bộ vùng tây thành Hà Nội và mở rộng thêm về phía bắc và phía tây. Khu phố Tây sau đó còn mở rộng về phía nam sang khu hồ Bảy Mẫu và hồ Thiền Quang…
Trong sách Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính, NXB Hà Nội (2017), từ việc khai thác một khối lượng lớn tài liệu lưu trữ thời kỳ Pháp thuộc đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội), Lưu trữ quốc gia Hải ngoại ở Ai-xen-Provence (Pháp) và tư liệu địa chính đang bảo quản tại Sở Tài Nguyên - Môi trường Nhà đất Hà Nội, nhóm tác giả đã đưa ra các nghiên cứu chuyên đề về quá trình hình thành và biến đổi, quy hoạch, các loại hình kiến trúc của các khu phố Tây ở Hà Nội. Kèm theo đó là hệ thống tư liệu, bảng biểu, bản đồ, hình ảnh, hướng dẫn sử dụng…
Không gian, diện mạo Hà Nội trước thời Pháp thuộc
Từ nội dung các chuyên đề trong sách, các tác giả đã cho biết diện mạo Hà Nội trước thời Pháp thuộc. Theo đó, tỉnh thành Hà Nội tương đối nhỏ bé (trên thực tế chỉ gồm hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận của phủ Hoài Đức) nằm trong "tỉnh Hà Nội" rộng lớn (thành lập năm 1833 dưới thời Minh Mệnh, gồm gần như toàn bộ thành phố Hà Nội cũ, tỉnh Hà Đông cũ và tỉnh Hà Nam, sát đến tận tỉnh Ninh Bình). Tỉnh thành Hà Nội lúc này cũng không còn vai trò chính trị của một thủ phủ miền Bắc như trước, bản thân nó cũng chưa trở thành một không gian đô thị thuần túy.
Diện mạo Hà Nội được tạo thành bởi các thành phần cơ bản là khu hoàng thành, xung quanh là làng xóm, khu 36 phố phường, xen kẽ là các khung cảnh thiên nhiên khác. Thành Hà Nội được bao quanh bởi những bước tường thành đặc biệt kiểu pháo đài Vauban kiên cố. Bên trong thành đặt cơ quan hành chính ở trung tâm; cơ quan quân sự hậu cần (phía nam) và các công trình phục vụ cho nghi lễ tôn giáo khác… Khu 36 phố phường với các phố có cửa hàng buôn bán chế tác ở phía bắc hồ Hoàn Kiếm, phần còn lại của "tỉnh thành Hà Nội" vẫn là cả một hệ thống các phường thôn nông nghiệp, bán nông nghiệp, một bãi bồi (Cơ Xá) và hàng trăm hồ ao, trong đó cảnh quan, diện mạo, quy hoạch nhà ở và đường giao thông được bố trí theo kiểu nông thôn, với một kết cấu nông nghiệp thủ công nghiệp…
Quá trình đô thị hóa khu phố Tây ở Hà Nội dưới thời Pháp thuộc
Quá trình này bắt đầu từ những biến cố của lịch sử. Sau đợt công thành Hà Nội lần thứ nhất (1873), triều đình Huế đã nhượng cho người Pháp một khoảng đất diện tích 2,5 ha ở Đồn Thủy bên bờ sông Hồng để xây dựng chỗ ở cho viên công sứ và đội hộ vệ.
Khu vực này sau mở rộng lên 18 ha. Tháng 10/1875, Pháp bắt đầu xây dựng các công trình kiên cố trên khu nhượng địa với một con đường xuyên khu (sau thành phố Nhượng địa và nay là đường Phạm Ngũ Lão).
Không ảnh phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền) năm 1930. Ảnh tư liệu. |
Cảnh quan đô thị Hà Nội chỉ thực sự thay đổi từ khi Pháp chiếm thành Hà Nội lần thứ 2 (1882). Đặc biệt là khi Hòa ước Harmand (1883) và Patennotrê (1884) được ký kết, triều đình Huế chấp nhận nền bảo hộ của nước Pháp, thì công cuộc quy hoạch không gian đô thị được tiến hành mạnh mẽ.
Năm 1883, người Pháp cho mở một con đường nối khu nhượng địa với khu vực Tràng Thi và Hoàng thành cũ làm tiền đề cho việc hình thành trục trung tâm thương nghiệp dịch vụ mở đầu thời kỳ xây dựng khu phố Tây tại Hà Nội.
Năm 1888, Hà Nội trở thành thủ phủ của xứ Bắc Kỳ, đồng thời là thủ đô của Liên bang Đông Dương. Lúc này, Hà Nội chỉ gồm khu phố nội thành hiện nay nhưng chưa đầy đủ. Khu phố Pháp ở đông nam và nam hồ Hoàn Kiếm có nhiều đại lộ song song và hành lang rộng trồng cây với khoảng 200 biệt thư tạo nên phong cách trái ngược với khu 36 phố phường dân gian.
Ảnh bìa sách Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính. |
Đến năm 1895, nhiều công trình quan trọng như Nhà hát Lớn, Bắc Bộ Phủ, Ngân hàng Magasins Reunis, Bưu điện, ngân hàng Đông Dương được xây dựng ở khu vực đông nam hồ Hoàn Kiếm (biến khu vực này là trung tâm hành chính). Ở phía tây hồ Hoàn Kiếm, Pháp cho xây dựng trụ sở Giáo hội Thiên chúa (trên nền chùa Báo Thiên) biến nơi đây là trung tâm tôn giáo đầu tiên của Pháp ở Hà Nội.
Năm 1897, sau khi Thành Hà Nội bị phá bỏ khoảng 3/4 diện tích, người Pháp đã xây dựng khu phố mới gần như chiếm toàn bộ vùng tây Hà Nội và mở rộng thêm về phía bắc.
Cũng cần phải nói thêm, vào thời gian này, chính quyền thuộc địa bắt đầu xây dựng một trung tâm có tầm quan trọng, mang tính biểu trưng lớn, trung tâm chính trị hành chính Đông Dương ở phía tây thành phố.
Mặc dù mãi đến tận năm 1924, dự án quy hoạch khu phố Phủ Toàn quyền Đông Dương khu phố Tây thứ 2 ở tây thành phố và bắc Thành Hà Nội mới được Toàn quyền phê chuẩn, nhưng trên thực tế, ngày từ những năm 1900, một loạt các phố xây theo tiêu chuẩn châu Âu đã được xây dựng trên khu đất này.
Bản đồ trung tâm Hà Nội năm 1932. Ảnh tư liệu. |
Từ năm 1889-1907, Hà Nội thành công rực rỡ trong xây dựng đô thị. Theo báo cáo của Tòa đốc lý, toàn thành phố đã có 669 ngôi nhà xây dựng theo kiểu Âu, có thêm 85 km đường mới mở... Cũng trong thời gian này, cầu Doumer (cầu Long Biên) và ga xe lửa Hà Nội được xây dựng (1902), 49 công trình lớn nhỏ, trụ sở của bộ máy chính quyền các cấp được xây dựng, tiêu biểu là hai cụm công trình Phủ Toàn quyền Đông Dương và Phủ Thống sứ Bắc Kỳ.
Năm 1930, quy hoạch tiếp tục được mở rộng về phía nam chủ yếu phục vụ người Việt. Đến năm 1936, địa giới hành chính Hà Nội mở rộng về mọi phía: phía bắc chiếm hết hồ Tây, phía tây theo ranh giới cũ đến tận Cầu Giấy, đường này chạy dọc sông Tô lịch, sau gồm cả Khương Trung, sân bay Bạch Mai, mở rộng về Hoàng Mai, Vĩnh Tuy và kéo tới sông Hồng. Toàn bộ khu đất này khi đó gọi là Đại lý Hoàn Long.