Đoạn đường Hậu Giang giao với đường Trường Sơn gần Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), có rất nhiều người Hàn Quốc sinh sống và làm việc. Tại đây chuyên kinh doanh các sản phẩm Hàn Quốc từ ăn uống đến sinh hoạt, làm đẹp... và khách hàng chủ yếu là người Hàn. |
Do đó, nhiều nhà hàng, quán nhậu, các cửa hàng bán đồ lưu niệm, đến hàng quán vỉa hè đều trang bị cho mình những quảng cáo ghi rõ thông tin bằng tiếng Hàn. |
Trước khi xảy ra dịch covid-19, các dịch vụ nơi đây luôn tấp nập người ra vào, nhưng nay đã vắng vẻ hơn. Ngay cả nhà hàng, quán ăn Hàn Quốc tại đây cũng rơi vào tình trạng vắng thực khách. |
Bên trong một quán ăn dành cho người Hàn Quốc lúc 20h ngày cuối tuần, chỉ có vài vị khách đang dùng bữa. "Nhiều ngày gần đây, lượng khách đến quán giảm hơn một nửa. Đây là tình trạng chung do lượng du khách Hàn về Việt Nam giảm hẳn", Hồng, nhân viên quán ăn chia sẻ. |
Cách đó không xa, một quán cà phê vốn là điểm luôn hút khách trước đây, cũng rơi vào tình trạng ế ẩm. "Khoảng thời gian 19h-21h thời điểm trước dịch, quán hầu như lúc nào cũng kín chỗ, tuy nhiên thời gian gần đây do dịch bệnh đang gia tăng nên không còn sôi động như trước", nhân viên quán chia sẻ. |
Thậm chí một số quán nằm khuất trong hẻm còn không có nổi một thực khách. |
Nhân viên ở các cửa hàng tại đây rảnh rỗi sử dụng điện thoại hoặc ăn uống, chuyện trò vì không có khách hàng để tiếp đón. |
"Lúc trước khi xảy ra dịch, ngày nào tôi cũng chạy ít nhất là trên 2 triệu đồng, chủ yếu là chạy mối quen cho người Hàn. Nhưng nhiều ngày gần đây, do du khách Hàn ngại ra ngoài nên doanh thu giảm hẳn chỉ còn hơn 500 nghìn đồng mỗi ngày", ông Long (tài xế taxi) chia sẻ, |
Người Hàn đang sinh sống tại đây hầu hết luôn đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài. |