Cây viết Sam Wallace của Telegraph đưa ra nhiều dẫn chứng. Louis van Gaal, Guus Hiddink, Benitez và thậm chí Di Matteo cũng có cúp. Mourinho, Sir Alex và Juup Heynckes mỗi người 2 cúp. Bob Paisley và Carlo Ancelotti xuất sắc hơn với 3 cúp. Còn HLV Arsene Wenger, sau 32 năm chinh chiến, có thể sẽ giải nghệ mà không một lần được đứng trên bục vinh quang giương cúp tai voi.
Đến lúc nghỉ hưu, liệu ông có thể được gọi là HLV vĩ đại không, khi bó tay trong việc tìm kiếm chiến tích rực rỡ nhất cấp CLB - thước đo người đời dùng để đánh giá sự vĩ đại.
Ba thập kỷ huấn luyện, Wenger tạo ra không ít khoảnh khắc vĩ đại, nhưng đêm thứ 3 vừa qua, chúng ta chỉ thấy ông bất lực trước thảm cảnh đội nhà đối diện lần thứ 6 liên tiếp bị loại ở vòng 1/8. Ông đứng cạnh vị hậu bối Luis Enrique kém 20 tuổi và cũng đã vô địch Champions League.
Bên đường pitch, Wenger và Luis Enrique trông như hai vị giám đốc tương phản thế hệ đang cố gắng sắp xếp cuộc gặp cho BLĐ công ty.
Wenger đã thua Enrique trên sân cỏ. |
Wenger sẽ nghĩ gì khi biết sự thật của đối thủ: mùa giải trước khi đến Barcelona, ông cùng Celta Vigo xếp thứ 9, mùa trước nữa dẫn dắt AS Roma đứng thứ 7 ở Serie A.
Nhưng đột nhiên Luis Enrique được kéo vào chiếc ghế của đội bóng hay nhất thế giới đương đại.
Không phủ nhận Luis Enrique quá tài năng, nhưng vận may là thứ không thể xem thường. Enrique cũng giống Mourinho, Pep và Carlo Ancelotti, ngoài những yếu tố về trình độ, không thể chối bỏ rằng họ đến đúng lúc, ngồi đúng chỗ ở một siêu CLB nào đó đủ tài lực để họ bổ sung danh hiệu Champions league. Wenger rất khác, theo Wallace, những ngày đầu ông làm công tác huấn luyện, bây giờ ông xây nền tảng văn hóa.
Nếu Enrique giành chức vô địch Champions League thứ hai của ông mùa này, điều đó có giúp HLV này sánh ngang với Ferguson - người xây dựng đội bóng vĩ đại? Enrique có thể so sánh với Brian Clough, người 2 lần đưa Nottingham Forest vô địch châu Âu với xuất phát điểm là đội hạng nhì?
Nếu Zinedine Zidane giành Champions League với Real Madrid ngay tháng 5 này, liệu đã có thể so sánh ông với Sir Matt Busby gây dựng lại MU từ thảm kịch Munich chưa?
Bởi tầm vóc của nhà quản lý không nên đong đếm bằng danh hiệu. Nhà quản lý vĩ đại là người xây dựng cả một nền tảng văn hóa bên trong CLB với những chuẩn mực và quy tắc ứng xử không ai có thể xâm phạm.
Wenger đóng cánh cửa trở lại CLB với cả Vieira và Fabregas vì họ là tấm gương xấu. Họ dứt áo ra đi khi đang đeo băng đội trưởng. Ông không muốn cầu thủ trẻ ảo tưởng, cứ phiêu bạt đi, trải nghiệm đi, mỏi chân rồi sẽ có chốn nương tựa.
Ông trao băng đội trưởng cho Walcott nhân dịp kỷ niệm 10 năm anh thi đấu cho Pháo thủ. Ông bắt toàn đội mặc áo với độ dài cánh tay bằng đúng áo đội trưởng. Quan trọng nhất, ở Arsenal không bao giờ có cảnh tượng trò làm phản thầy như Chelsea. Cầu thủ Chelsea sẵn sàng thua tất cả, ném bỏ hết kỳ vọng của người hâm mộ chi trả tiền và niềm tin, chỉ để thỏa mãn mưu đồ cá nhân.
Nền tảng văn hóa như Arsenal, chỉ MU và Liverpool sánh được. Champions League ngày càng trở thành chiến trường khổng lồ của các siêu đội bóng, cuộc chiến của các thế lực tài chính, các mạng lưới trinh sát khắp thế giới, các giám đốc kỹ thuật vươn cánh tay cơ bắp thâu tóm hết ngôi sao bóng đá. Huấn luyện viên vẫn quan trọng nhưng ảnh hưởng lâu dài của họ ngày càng khó phát hiện.
HLV Arsene Wenger có vĩ đại không, nếu ông trắng tay ở đấu trường châu Âu? |
Trong những buổi tối như thứ ba vừa rồi, Arsenal vẫn là đội bóng của Wenger, với tất cả những niềm tin, những điểm mạnh, sự lịch thiệp và cả những điểm yếu của ông. Quá dễ để phán xét ông đã phạm sai lầm, nhưng hãy nhớ ông là HLV cuối cùng trong số cực hiếm HLV gắn bó xấp xỉ 20 năm với đội bóng.
Ông cùng Arsenal đã bước đến chung kết Champions League năm 2006, nhưng cơ hội tốt nhất của Wenger có lẽ là 12 năm trước, mùa 2003/2004, khi họ đang là đội hàng đầu ở châu Âu và thua Chelsea ở tứ kết.
Từ đó tới nay, ông vẫn bám trụ giấc mơ vô địch với Pháo thủ. Nếu cũng giống lớp HLV trẻ ngày nay, Wenger đáng lẽ đã rời Arsenal khi nhận được không ít lời mời gọi. Mùa hè 2004, Florentino Perez từng tìm cách chiêu mộ Wenger trong nhiệm kỳ chủ tịch Real Madrid đầu tiên của ông.
Đến hè 2006, ứng cử viên Chủ tịch Real, ông Juan Miguel Villar Mir đã gặp riêng Wenger, nhưng ông này cuối cùng không trúng cử. Hay tháng 11/2012, gia đình Al-Thani sở hữu PSG đã thu xếp được một cuộc gặp mặt thân mật HLV người Pháp. Cuối cùng, Wenger vẫn ở lại Arsenal.
Sẽ còn rất nhiều người chỉ trích Wenger vì không chịu chi tiền, vì ông tạo ra quá ít hiệu ứng quý giá. Nhưng trong thế giới kim tiền, ông có lẽ là người cuối cùng gắn bó máu thịt với đội bóng như thế.
Như Wallace nhận định, hầu hết HLV hiện đại đã chối bỏ cõng trên lưng gánh nặng hy vọng và niềm tin thành công của đội bóng, họ chỉ chịu trách nhiệm với thương hiệu cá nhân của mình. Hệ quả, họ không bị chi phối bởi bất kỳ đội bóng nào, nhưng sự “nay đi, mai ở” khó lòng giúp họ tạo dựng một di sản, một nền tảng văn hóa cho đội bóng.