Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không thiếu tác giả nhí'

Tiếp nối một chia sẻ gần đây của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Trần Minh Quốc nhận định rằng hiện nay không phải thiếu tác giả nhí, mà do các em chưa được phát hiện, phát triển.

tac gia nhi anh 1

Nhà văn Phương Huyền (trái) đọc thơ cùng một em nhỏ hiện là học sinh lớp 6 trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Phong Khang.

Gần đây trong một lễ trao giải văn học thiếu nhi, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tâm sự "chẳng có ai ăn thịt thần đồng cả, chỉ là các thần đồng chưa được đánh thức" như cách trả lời cho thắc mắc rằng hiện nay thiếu vắng sáng tác thơ của trẻ em.

Tìm kiếm nhà văn, nhà thơ nhí

Chia sẻ trong buổi ra mắt tập thơ Sài Gòn của em diễn ra vào sáng 4/6 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM), nhà thơ Lê Minh Quốc đã nhắc lại lời tâm sự trên và cùng nhiều cây bút viết cho thiếu nhi chia sẻ về việc sáng tác cho thiếu nhi và tạo điều kiện cho tác giả nhí phát triển.

Vun bồi tài năng sáng tác nhí là trăn trở của nhiều nhà văn, nhà thơ thế hệ đi trước. Là người nhiều năm gắn bó với các tờ báo gắn với lứa tuổi thiếu nhi như Nhi đồng, Khăn quàng đỏ, Rùa vàng, nhà báo, nhà văn Trần Gia Bảo chia sẻ rằng bản thân bà cũng được báo Nhi đồng phát hiện và dẫn lối vào con đường chữ nghĩa.

tac gia nhi anh 2

Nhà văn Gia Bảo. Ảnh: Phong Khang.

Do đó, sau này khi công tác tại các tờ báo trên, Gia Bảo cùng đồng nghiệp nỗ lực duy trì các cuộc thi vận động sáng tác, câu lạc bộ viết. Các tờ báo này cùng Mực tím, Hoa học trò là nơi ươm mầm và nuôi dưỡng nhiều thế hệ sáng tác của văn-thơ Việt Nam nhiều thập kỷ qua.

Nhà thơ Lê Minh Quốc đánh giá cao nỗ lực này. Đồng thời, đáp lại thắc mắc của nhiều người rằng vì sao ngày nay chúng ta không có thế hệ thần đồng thơ như Trần Đăng Khoa, Khánh Chi... 50 năm về trước, ông cho rằng những thiên tài sáng tác vẫn có ở đâu đó chờ được phát hiện.

Người lớn phải "dọn lòng" mới sáng tác được cho thiếu nhi

Ông cũng chia sẻ cái khó của việc người lớn làm thơ thiếu nhi là người viết phải "dọn lòng", không còn là con người vốn có, mà phải là con người giáo dục. Viết thơ thiếu nhi, theo ông, "không có quyền cay cú, mà cái nhìn phải trong trẻo, hòa với thiên nhiên".

tac gia nhi anh 3

Từ trái qua: nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà thơ Khánh Chi, nhà thơ Thục Linh, nhà văn Phương Huyền tại sự kiện. Ảnh: Phong Khang.

Chia sẻ với nhận định trên, nhà thơ Thục Linh, một người "làm thơ thiếu nhi khi đã là người lớn" cho biết khi sáng tác cho trẻ nhỏ thì phải "đặt rất nhiều bộ kiểm duyệt trong mình... nhà thơ phải đồng hoá mình với cách suy nghĩ của trẻ con, chứ không nên để lời thơ mang tính dạy dỗ cho trẻ con biết về thế giới".

Anh so sánh "làm thơ thiếu nhi là một cách thiền", vì tâm hồn người viết được tĩnh tại, gột rửa. Tương tự, "thần đồng thơ nhí" Khánh Chi tâm sự rằng quãng thời gian làm thơ thiếu nhi bà được rèn giũa cách nhìn ngắm, thâu nhận thế giới để nhìn thấy cái đẹp trong mọi điều xung quanh.

Tập thơ Sài Gòn của em tuyển chọn hơn 100 bài thiếu nhi trong giai đoạn 1975-2025 của 50 nhà thơ gắn bó với TP.HCM. Góp chữ trong tập thơ gồm nhiều tên tuổi các nhà thơ có tác phẩm in sách giáo khoa đã quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả như Chế Lan Viên, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Duy... đến các nhà thơ trẻ như Lê Luynh, Phong Việt...

Nhiều bài thơ được phổ nhạc như Tia nắng hạt mưa (Lệ Bình), Mùa lúa chín (Nguyễn Khoa Đăng), Vì sao mèo rửa mặt (Khánh Chi)... đến nay vẫn là những câu từ quen thuộc của nhiều bạn nhỏ.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Phong Khang

Bạn có thể quan tâm