Trên bảng tỷ số, không có nhiều thông tin về một quả phạt đền được thực hiện ngoài thành công hoặc thất bại. Tuy nhiên, không phải là không có gì để phân tích ở một quả phạt từ chấm 11 m.
Dưới góc độ khoa học và công nghệ dữ liệu, các đội bóng hoàn toàn có thể cải thiện rõ rệt tỷ lệ chiến thắng trên chấm 11 m nhờ khâu chuẩn bị.
Quả phạt đền hoàn hảo
Theo Wired, tỷ lệ một quả phạt đền thành công là khoảng 70%. Tại World Cup 2022, 22/29 cú sút luân lưu được thực hiện thành công, đạt tỷ lệ 76%.
Tính đến đầu EURO 2024, 88 quả phạt đền đã được thực hiện trong giải đấu này, với tỷ lệ thành công là 70% (62 cú sút thành bàn).
Các loạt sút luân lưu, vốn được đưa vào EURO từ năm 1976 và World Cup năm 1978, cũng có tỷ lệ chuyển hóa gần như tương tự.
Thống kê chi tiết về các loạt sút phạt đền ở World Cup và EURO từ năm 1976-2016. Ảnh: The Economist. |
Xét trên toàn bộ lịch sử giải đấu, trong những loạt "đấu súng" ở World Cup, 222/320 quả phạt đền được thực hiện thành công ( tỷ lệ 69%). Tại Euro, tỷ lệ chuyển đổi cao hơn một chút, với 178/232 cú sút đưa bóng vào lưới (77%).
Có hai yếu tố then chốt để thực hiện một quả phạt đền hoàn hảo là tốc độ và hướng đi của trái bóng. Theo tác giả John Wesson trong cuốn The Science of Soccer, nếu tính đến lực cản của không khí, một quả bóng đi với vận tốc khoảng 35,7 m/s, hướng vào góc cao của khung thành, về lý thuyết có thể đánh bại thủ môn từ cự ly 32 m.
Càng di chuyển tới gần khung thành, khả năng thành công sẽ tăng dần và ở khoảng cách tầm 3 m, tỷ lệ sẽ đạt gần như là 100%.
Khi bóng đi với tốc độ 35,7 m/s, thủ môn sẽ chỉ có khoảng 1/3 giây để cản phá. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có duy nhất một cách để "người gác đền" cứu thua, đó là phải đoán đúng hướng trước khi đổ người.
Đây là lúc mà nghiên cứu về vị trí sút bóng lên tiếng. Nghiên cứu do Đại học Bath thực hiện vào năm 2012 đã tìm ra một “khu vực” mà bất kỳ thủ môn nào cũng không thể chạm đến dù họ có nỗ lực đến đâu.
Cụ thể, theo tiến sĩ Ken Bray, nghiên cứu của ông đã chỉ ra rằng nếu nhắm vào khu vực "không thể cứu thua" - tức hai góc cầu môn, cầu thủ thực hiện quả phạt đền có tới 80% thành công.
Số liệu thống kê tại Ngoại hạng Anh từ Opta cũng chứng minh điều tương tự. Việc sút vào góc thấp bên trái có tỷ lệ thành công là 77,2%, còn bên phải là 80%. Trong khi đó, những cú sút nhắm vào trung tâm và hướng đến góc cao có tỷ lệ thành công là 97,8%.
Vùng đổ người và hai khu vực mà các thủ môn không thể chạm đến. Ảnh: University of Bath. |
Alan Shearer, cựu danh thủ người Anh và cũng là một chuyên gia sút phạt đền với 56 lần thực hiện thành công ở Ngoại hạng Anh cũng ưa thích cách đá này.
"Góc sút ưa thích của tôi là nóc lưới bên phải thủ môn. Tôi luôn tin rằng nếu mình nhắm vào đó, với tốc độ như mong muốn thì thủ môn sẽ không bao giờ cản phá được”, Shearer nói với The Athletic.
Then chốt cho một loạt sút phạt đền
Theo ông Ken Bray, tỷ lệ thành công trong loạt luân lưu là điều mà các đội bóng hoàn toàn có thể cải thiện. Theo đó, có 3 điểm mấu chốt để thực hiện một quả phạt đền hoàn hảo.
“Đầu tiên, HLV phải chọn ra một nhóm cầu thủ tốt nhất khi loạt luân lưu diễn ra. Thứ hai, các cầu thủ phải đảm bảo sử dụng kỹ thuật sút và chọn góc sút tốt. Cuối cùng, đội bóng cần phải chuẩn bị tinh thần cho các cầu thủ trong loạt sút luân lưu”, tiến sĩ Bray nhận định.
Wired cho rằng đối với những chuyên gia sút phạt đền, việc có được tỷ lệ thành công cao đơn thuần chỉ là nhờ sự chuẩn bị.
Harry Kane sở hữu tỷ lệ sút phạt đền thành công là 87% nhờ luôn chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Ảnh: Alamy. |
Điển hình cho điều này là chân sút Harry Kane của tuyển Anh, người đã thực hiện thành công 74/85 quả phạt đền, tức tỷ lệ thành công là 87%.
“Tôi cố gắng luyện tập trong mọi tình huống khác nhau và đảm bảo rằng mình sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra", tiền đạo thuộc biên chế Bayern Munich chia sẻ.
Khi thời cơ đến, Kane luôn có sẵn kế hoạch về cách thực hiện một quả phạt đền. Sự tỉnh táo đó, kết hợp với kỹ thuật tuyệt vời, đã làm gia tăng đáng kể cơ hội ghi bàn của chân sút này.
Không cần phải quá chỉn chu, thực tế cách tiếp cận quả bóng càng đơn giản, xác suất thành công càng cao khi đá luân lưu.
Một ví dụ về kỹ năng sút phạt đền hoàn hảo có thể kể đến Mile Jedinak của tuyển Australia với tỷ lệ sút phạt đền thành công tuyệt đối trong sự nghiệp (16/16 quả), trong đó có 3 bàn tại các trận đấu ở World Cup.
Jedinak thường chạy đà ngắn và xác định sẵn góc sút trước khi vung chân. Đặc biệt, điều làm nên một chuyên gia sút phạt đền như Jedinak là khả năng sút bóng mạnh và cực kỳ chuẩn xác về cả hai phía của khung thành.
Điều này khiến các thủ môn cực kỳ khó "đọc" Jedinak khi đưa ra quyết định đổ người cản phá.
Mặc dù mỗi cầu thủ thường có phong cách riêng khi sút phạt đền, The Athletic nhận định rằng việc không nhất quán với hướng đá ban đầu, cố gắng thêm vào quá nhiều sự tinh tế hoặc chuyển động trong quá trình chạy đà thường khiến cầu thủ có khả năng đá hỏng cao.
Cách tiếp cận quả bóng càng đơn giản, xác suất thành công càng cao khi đá luân lưu. Ảnh: Alamy. |
Ví dụ điển hình nhất chính là thảm họa sút phạt đền của tiền đạo Simone Zaza tại tứ kết Euro 2016. Cầu thủ Italy tốn quá nhiều thời gian cho việc chạy đà, trước khi vung chân quá lực khiến bóng bay vọt xà.
Bên cạnh đó, tâm lý cũng đóng vai trò then chốt khi bước lên chấm 11 m. Một chuyên gia sút phạt đền sẽ biết mình phải sút vào đâu và không bị sao nhãng cho đến khi bóng rời chân.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng một cầu thủ thực hiện quả phạt đền cần ngẩng đầu lên để theo dõi chuyển động của thủ môn và đánh lừa. Thực tế, những chuyên gia sút phạt đền như Jedinak hay Ronaldo không cần phải làm điều phức tạp ấy.
Thay vào đó, những cầu thủ này sẽ cúi mặt xuống đất và giữ sự tập trung tuyệt đối vào quả bóng. Điều này phần nào giúp người đá phạt đền giữ nguyên hướng đá ban đầu của mình.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.