Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Không phải Spotify, đây là app nghe nhạc phổ biến nhất tại Việt Nam

Bên cạnh Zing MP3 hay Spotify, các ứng dụng nghe nhạc phổ biến tại Việt Nam còn có YouTube và TikTok.

Ung dung nghe nhac Viet anh 1

Theo thống kê của Statista, doanh thu thị trường âm nhạc trực tuyến tại Việt Nam trong năm 2023 ước tính đạt 56,42 triệu USD. Trong số đó, hơn một nửa đến từ các dịch vụ nghe nhạc online.

Đến năm 2027, thị trường nhạc số tại Việt Nam ước tính đạt 72,36 triệu USD. Xu hướng chuyển đổi số, sự tiện lợi và cá nhân hóa trong dịch vụ nghe nhạc trực tuyến là những yếu tố tác động đáng kể đến thói quen nghe nhạc hàng ngày của người dùng.

Lợi thế của nền tảng nghe nhạc Việt

Theo khảo sát của Đại học RMIT Việt Nam, các nền tảng trực tuyến được sử dụng để nghe nhạc thường xuyên lần lượt là YouTube, TikTok, Zing MP3, NhacCuaTui và Spotify. Trong đó, 2 nền tảng của Việt Nam là Zing MP3 và NhacCuaTui đều phổ biến hơn những app nước ngoài như Spotify hay Apple Music.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, trưởng nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên ngành Truyền thông chuyên nghiệp, Đại học RMIT Việt Nam, liệt kê một số lợi thế cạnh tranh của các nền tảng nghe nhạc Việt Nam.

"Với hơn 98% bài hát có bản quyền, 80% nhạc Việt được phát hành độc quyền, các nền tảng âm nhạc nội địa vừa đảm bảo cung cấp nhiều thể loại nhạc Việt qua các kênh khác nhau, vừa đảm bảo nghệ sĩ và chủ sở hữu bản quyền nhận được thù lao xứng đáng với đóng góp của họ.

Ngoài ra, với giao diện dễ sử dụng, kho nhạc số tiếng Việt đa dạng, hệ sinh thái đi kèm giúp việc chia sẻ tốt hơn, các nền tảng nhạc số Việt Nam có lợi thế đáng kể so với đối thủ", TS Nguyễn Văn Thăng Long cho biết.

Ung dung nghe nhac Viet anh 2

Các nền tảng phổ biến và tiêu chí lựa chọn nền tảng nghe nhạc của người dùng Việt. Ảnh: Đại học RMIT Việt Nam.

Theo khảo sát, các tiêu chí quan trọng khi lựa chọn nền tảng nghe nhạc của người dùng Việt gồm kho nhạc lớn (lựa chọn bởi 94,03% người tham gia khảo sát), giao diện dễ dùng (93,53%), miễn phí hoặc giá rẻ (93,03%), không chèn quảng cáo quá mức (90,8%), đề xuất nhạc hợp gu (88,81%) và một số tiêu chí khác.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Trưởng bộ phận Knowledge & Insights tại Adtima, đơn vị phối hợp khảo sát cùng Đại học RMIT Việt Nam, nhận định lợi thế của các nền tảng nghe nhạc Việt còn đến từ sự hiểu biết sâu rộng về thị trường và văn hóa địa phương, giúp mang đến nội dung âm nhạc phù hợp với sở thích của người dùng trong nước.

Tiếp theo, các nền tảng Việt Nam có thể cung cấp những tính năng, dịch vụ phù hợp với người dùng trong nước, chẳng hạn như bảng xếp hạng, quảng bá sự kiện âm nhạc địa phương, giới thiệu nghệ sĩ nội địa...

"Các nền tảng nghe nhạc Việt còn có khả năng thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ với nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc nội địa, bên cạnh việc phát triển chính sách bản quyền linh hoạt, giúp hợp tác dễ dàng với nghệ sĩ và nhãn hàng nội địa mà không gặp những rắc rối pháp lý", bà Mai Anh nhấn mạnh.

Nhu cầu người dùng dần thay đổi

Điều thú vị khi trong khảo sát, các nền tảng kết hợp âm thanh với video (YouTube, TikTok) được sử dụng phổ biến nhất, xếp trước những nền tảng nghe nhạc thuần túy.

Trao đổi với Tri thức - Znews, bà Nguyễn Thị Mai Anh từ Adtima đưa ra một số yếu tố dẫn đến sự phổ biến của YouTube và TikTok. Đầu tiên, đây là các nền tảng miễn phí, người dùng có thể thoải mái tìm kiếm, thưởng thức và đăng tải nội dung mà họ mong muốn.

Thứ hai, YouTube và TikTok hỗ trợ đăng tải nhiều dạng nội dung khác nhau, đặc biệt là video ngắn (short-video).

Ung dung nghe nhac Viet anh 3

TikTok và YouTube đứng đầu các nền tảng phổ biến dùng để nghe nhạc tại Việt Nam. Ảnh: Reuters.

"Với xu hướng bận rộn của giới trẻ, việc thu thập thông tin một cách nhanh chóng dưới hình thức ngắn gọn, dễ hiểu bằng những hình ảnh gần gũi cuộc sống đời thường khiến video ngắn lan truyền nhanh chóng, phổ biến", bà Mai Anh chia sẻ.

Ngoài ra, TS Nguyễn Văn Thăng Long cho rằng thói quen người dùng Việt dần thay đổi, không chỉ nghe nhạc mà còn xem nhạc.

"Các nghệ sĩ không chỉ phô diễn tài năng ca hát, mà còn phải biết sáng tạo nội dung phong phú để tự quảng bá tác phẩm của mình, thông qua video phát hành trên YouTube và TikTok.

Ranh giới giữa âm thanh (audio) và hình ảnh (video) trong sản phẩm âm nhạc dần được thu hẹp, đồng nghĩa với việc để được yêu thích, nội dung cần đáp ứng cả 2 khía cạnh, ví dụ như bài hát kèm MV ấn tượng, hoặc video chèn những bản nhạc phù hợp", TS Nguyễn Văn Thăng Long nhấn mạnh.

Theo đại diện Đại học RMIT Việt Nam, nhiều người dùng cũng tự biến mình thành nghệ sĩ nhờ việc sáng tạo nội dung dựa trên sản phẩm gốc, khiến họ tiếp cận các ứng dụng cho phép đăng tải nội dung cá nhân.

"Hiện tại, sản phẩm âm nhạc có 2 loại: sản phẩm âm nhạc chính (bài hát gốc) và sản phẩm âm nhạc phái sinh (nội dung từ người nghe nhạc, fan hâm mộ, ca sĩ hát cover, meme, hậu trường...).

Hệ sinh thái nội dung do người dùng sáng tạo (User Generated Content - UGC) vận hành thuận lợi sẽ khuyến khích các sản phẩm âm nhạc chính thức và phái sinh được phát hành nhiều hơn, giúp bài hát lan tỏa tốt và giữ trend lâu hơn", TS Nguyễn Văn Thăng Long nói thêm.

Ung dung nghe nhac Viet anh 4

Thói quen sử dụng các nền tảng phát nhạc trực tuyến của người dùng Việt. Ảnh: Đại học RMIT Việt Nam.

Kết quả khảo sát cho thấy ứng dụng nghe nhạc trực tuyến nằm trong top 5 danh mục nền tảng được sử dụng thường xuyên, chiếm 42% người khảo sát thuộc thế hệ Z (Gen Z), 36% thuộc Gen Y và 31% thuộc Gen X.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, so với nhóm người dùng lớn tuổi, giới trẻ có xu hướng dành nhiều thời gian nghe nhạc hơn.

"Giới trẻ có xu hướng nghe các thể loại nhạc như rap, indie hay underground. Họ thường giải tỏa tâm trạng bằng cách nghe nhạc. So với nhóm lớn tuổi, người dùng trẻ cũng nghe nhạc trên nhiều nền tảng hơn", đại diện của Adtima nói thêm.

Vai trò của nền tảng nghe nhạc

Trong tương lai, nền tảng phát nhạc trực tuyến là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền âm nhạc kỹ thuật số tại Việt Nam.

“Các nền tảng phát nhạc trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá nghệ sĩ, giúp họ kiếm tiền từ âm nhạc trên quy mô lớn, góp phần hình thành thói quen nghe nhạc mới của khán thính giả trong thời đại kỹ thuật số”, báo cáo nêu rõ.

Hoạt động của nền tảng phát nhạc trực tuyến tại Việt Nam rất năng động, gồm các nền tảng nội địa (Zing MP3, NhacCuaTui) và những nền tảng toàn cầu (Spotify, Apple Music, YouTube...).

Mỗi nền tảng nghe nhạc có những điểm mạnh khác nhau. Ví dụ, Spotify sở hữu lượng nghệ sĩ hợp tác lớn, dẫn đầu trong thuật toán cá nhân hóa bằng AI. Trong khi đó, Zing MP3 có 28 triệu người dùng thường xuyên, sở hữu 85% bản quyền nhạc Việt, còn Apple Music liên kết chặt chẽ với hệ sinh thái của Táo khuyết.

Ung dung nghe nhac Viet anh 5

Giao diện của ứng dụng nghe nhạc Zing MP3.

Ông Roland Vongphasouk, Giám đốc Kinh doanh Zing MP3, cho rằng âm nhạc tại Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ trực tuyến. Do đó, tác động của app nghe nhạc như Zing MP3 là đưa âm nhạc đến nhiều đối tượng, sau đó cung cấp nền tảng để nghệ sĩ quảng bá âm nhạc, tiếp cận khán giả, tạo ra nhiều bản hit và trở thành ngôi sao.

Theo ông Vongphasouk, trong tương lai, các nền tảng nghe nhạc Việt cần theo dõi, dự đoán nhu cầu, mong muốn của khán giả trong nước, đồng thời theo dõi và thích ứng với xu hướng toàn cầu, áp dụng công nghệ mới nhằm cải thiện trải nghiệm khách hàng, từ chất lượng âm thanh, định dạng nhạc, giao diện người dùng...

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Chuyện gì đang xảy ra với Spotify?

Chỉ vài ngày trước, mọi người còn rộn ràng chia sẻ về Spotify Wrapped để tổng kết một năm nghe nhạc. Những nhân sự của công ty này thì không vui vẻ được như vậy.

Đi nghe ca nhạc, hỏng camera điện thoại vì ánh đèn sân khấu

Tia laser chiếu thẳng khiến camera trên điện thoại của một người tham dự buổi biểu diễn của ca sĩ Geolier tại Nhà hát Palapartenope ở Naples (Italy) bị hỏng nặng.

Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm