Chi phí để duy trì hoạt động kinh doanh quá lớn đang giết chết Spotify từng ngày. Ảnh: Bloomberg. |
Hôm 4/12, Spotify tuyên bố sa thải 1.500 người, tức 17% nhân sự. Đây đã là lần thứ 3 gã khổng lồ streaming quyết định cắt giảm nhân sự trong năm nay. Tin tức này xuất hiện ngay sau khi Spotify công bố báo cáo tài chính quý III/2023 - quý đầu tiên báo lãi kể từ 2021.
Trong thông báo gửi đến nhân viên, CEO Daniel Ek cho biết công ty đã mở rộng nhân sự và chế độ đãi ngộ quá đà trong giai đoạn 2020-2021 do chi phí vận hành thấp. Nhưng hiện tại, Spotify đã rơi vào vấn nạn chung như bao start-up trên toàn thế giới, đó là chi phí lớn giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc.
Con số cắt giảm nghe có vẻ lớn nếu so sánh với kết quả tài chính rất tích cực trong quý vừa rồi. Theo Wired, nguyên nhân khiến Spotify phải có những quyết định thận trọng như vậy là bởi khoảng cách giữa mục tiêu tài chính và chi phí hoạt động đang ngày càng bị kéo dãn.
Spotify gặp khó dù báo lãi. Ảnh: Bloomberg. |
Dù chiếm hơn 30% thị trường nghe nhạc tính đến cuối năm 2022, Spotify rất chật vật để duy trì lợi nhuận. Trước khi sa thải 1.500 nhân viên vào tháng cuối năm, hãng đã cắt giảm 6% hồi tháng 1 và 2% hồi tháng 6 do thu hẹp mảng podcast. Theo Wired, với vị thế đứng đầu thị trường stream nhạc, Spotify vẫn là một mô hình kinh doanh kém ổn định khi các hãng đĩa bắt đầu ngừng hợp tác, nghệ sĩ khó kiếm tiền để duy trì.
Trên thực tế, Spotify không phải là trường hợp duy nhất. “Nhiều nhà đầu tư dần mất kiên nhẫn khi phải đợi các hãng công nghệ tạo lợi nhuận trong năm nay”, Phil Bird tại công ty phát triển phần mềm Vistex nhận định. Do đó, nhiều ông lớn công nghệ liên tục cắt giảm quy mô, 250.000 nhân sự toàn cầu mất việc trong năm 2023.
Tuyển dụng quá mức trong đại dịch là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Việc của các công ty là đưa con số nhân viên trở về đúng quy mô của nó. Với Spotify, họ còn gặp khó khi chi phí mua bản quyền âm nhạc quá cao. “Chi phí để duy trì hoạt động kinh doanh quá lớn đối với các công ty phát nhạc trực tuyến như Spotify”, Phil Bird nhận định.
Bài toán khó của nền tảng streaming nhạc này là làm thế nào để có thêm lợi nhuận mà không mất người dùng. Ảnh: Bloomberg. |
Trước đó, quý III là giai đoạn tăng trưởng của Spotify khi lợi nhuận trước thuế đạt 34,6 triệu USD. Nền tảng còn sở hữu 226 triệu người đăng ký gói dịch vụ và 574 triệu người dùng hàng tháng. “Nhìn bên ngoài, tình hình có vẻ tích cực. Nhưng những chi phí vận hành đang ép họ từng ngày”, nhà phân tích Simon Dyson tại hãng tư vấn Omdia chia sẻ.
Những đối thủ khác của Spotify có thể kể đến là Apple Music và Amazon Music. Lợi thế của hai tên tuổi này là có hậu thuẫn từ nguồn doanh thu khổng lồ từ tập đoàn mẹ thay vì chỉ có đúng một mô hình như Spotify. Do đó, nền tảng streaming nhạc hàng đầu này đành phải tìm ra những ngách nội dung mới để lôi kéo người dùng. Họ đã chi hơn 1 tỷ USD để xây dựng đế chế podcast, thâu tóm những thương vụ độc quyền như The Joe Rogan Experience.
Song, vấn đề nằm ở việc họ đầu tư quá nhiều nhưng rất khó để thu thêm tiền từ người dùng. Nếu Spotify tăng giá dịch vụ, khách hàng có thể sẽ bỏ đi, sang các đối thủ khác. “Spotify quá rẻ. Để nghe mọi bản nhạc với giá 10 USD/tháng là quá hời”, nhà phân tích Simon Dyson nhận định.
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.
Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.