Hiện tại vẫn còn khoảng 15 triệu thuê bao di động tại Việt Nam sử dụng hạ tầng 2G, theo số liệu gần nhất của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin & Truyền thông. Đây là con số lớn, dẫn đến nhiều thách thức đối với các nhà mạng trong lộ trình tắt sóng 2G.
Đến tháng 9/2024, giấy phép tần số cấp cho doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng 2G sẽ hết hạn. Điều đó đồng nghĩa hàng triệu thuê bao có thể bị mất liên lạc, không hoạt động được nếu nhà mạng không kịp thời chuyển đổi sang 4G.
Nhà mạng còn chưa đầy một năm để giảm lượng thuê bao 2G
Tại tọa đàm “Tắt sóng 2G, đưa người dân lên môi trường số" do CLB Nhà báo Công nghệ thông tin tổ chức sáng 5/12, bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch Tần số, Cục Tần số vô tuyến điện làm rõ thêm hạn tháng 9/2024 dành cho các thuê bao 2G Only (thiết bị chỉ hoạt động được trên mạng 2G).
Sau hạn đó, Bộ TT&TT xem xét cấp lại giấy phép cho doanh nghiệp thêm 2 năm, đến tháng 9/2026 để phục vụ các thuê bao 4G non-VoLTE. Đây là các thiết bị vẫn sử dụng mạng 4G để truy cập dữ liệu, nhưng khi thực hiện cuộc gọi lại phải dùng 2G.
Sau thời điểm tháng 9/2026, băng tần 900 MHz sẽ được xem xét quy hoạch lại, đảm bảo việc phân chia phù hợp với sự phát triển của các công nghệ 4G, 5G. Tần số sau tháng 9/2026 sẽ được thu hồi, đấu giá và cấp phép cho các đơn vị phát triển công nghệ 4G, 5G, không còn công nghệ 2G trên băng tần 900 Mhz.
Đại diện Viettel cho biết hiện có khoảng 16% thuê bao dùng mạng 2G. Mục tiêu được nhà mạng đặt ra là đến tháng 9/2024 con số sẽ xuống dưới 5% để có thể tắt sóng. Trong khi đó, đại diện MobiFone và VNPT-Vinaphone đều cho biết lượng thuê bao 2G đang hoạt động khoảng 3 triệu với mỗi nhà mạng.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông cho rằng việc tắt sóng 2G sẽ giúp hạ tầng viễn thông nhà mạng dùng được 5G. Ảnh: TH. |
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông cho biết Bộ đã có nhiều giải pháp, chủ trương để tắt sóng 2G. Các nhà mạng cũng đồng thuận với chủ trương này từ năm 2020. Ông Nhã cho rằng về mặt kỹ thuật, một cột ăng-ten rất khó lắp đặt thiết bị của cả 4 công nghệ, do vậy nhà mạng không thể vận hành cùng lúc mạng 2G, 3G, 4G và 5G.
“Nếu tắt sóng 2G và 3G, trên mạng sẽ chỉ còn công nghệ 4G. Lúc đó hạ tầng viễn thông của nhà mạng sẽ được dùng 5G. Lúc đó, chúng ta sẽ có cơ hội để đến năm 2030 có thể khai thác 6G, khi công nghệ đã chín muồi”, ông Nhã cho biết.
Sau khi có chỉ đạo của Bộ TT&TT, các nhà mạng đều tích cực xây dựng kế hoạch tắt sóng 2G. Bộ cũng đã ban hành thông tư cấm nhập khẩu, lưu thông điện thoại chỉ có kết nối 2G, khiến tỷ lệ trên mạng lưới giảm dần.
Đại diện Cục Viễn thông cho rằng việc giảm thiểu thuê bao 2G, phát triển hạ tầng 4G cũng giúp cho hạ tầng 4G phát triển, tốc độ trung bình tăng lên trong 2 năm qua.
Nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi lên 4G
Ông Nhã cho biết quỹ viễn thông công ích sẽ dành 400.000 máy để hỗ trợ các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn chuyển đổi thiết bị đầu cuối 2G sang thiết bị thông minh. Một số tỉnh cũng muốn phổ cập điện thoại thông minh cho người sử dụng, thông qua chương trình hỗ trợ, triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến để người dân khai thác, sử dụng.
Về phía nhà mạng, đại diện các doanh nghiệp dẫn ra những chương trình cụ thể như trợ giá điện thoại 4G, hỗ trợ gói cước, miễn phí chuyển đổi SIM để người dùng nhanh chóng chuyển đổi.
Viettel cho rằng khó khăn lớn nhất của khách hàng là tiếp cận các loại điện thoại có 4G giá rẻ. Nhà mạng này đã triển khai các chương trình trợ giá, phối hợp với hãng điện thoại để phổ cập máy 4G, “xóa sổ” thiết bị 2G.
Lượng thuê bao 2G ở Việt Nam vẫn còn khá lớn, sẽ là áp lực đối với các nhà mạng với hạn cắt sóng 2G vào tháng 9/2024. Ảnh: Grain Central. |
VNPT cũng cho biết trong 2 năm qua đã chủ động tắt các trạm riêng lẻ vì gần như nhu cầu lưu lượng không có hoặc rất ít. Nhà mạng này cũng kết hợp hoạt động kỹ thuật với tuyên truyền cho thuê bao trong khu vực, tắt sóng khoảng 10% trạm riêng 2G.
Đại diện MobiFone cho biết ngoài giải pháp kỹ thuật và trợ giá, nhà mạng cũng chú trọng đến việc truyền thông, như nhắn tin, gọi điện, dùng nhân viên địa bàn chăm sóc, tránh sự phản cảm khi người dùng bật máy lên mới biết không có mạng.
Nhiều thiết bị dùng 2G khó thay thế
Việc dừng sử dụng hạ tầng mạng 2G trên thế giới cũng là một xu thế, nhất là tại các nước phát triển như Mỹ, Singapore. Ông Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc TrueIDC Việt Nam cho rằng với nhược điểm về tiêu hao năng lượng, việc duy trì 2G sẽ khiến chi phí năng lượng, tiêu chí quản trị bền vững của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, hạ tầng này vẫn được duy trì tại nhiều quốc gia bởi được sử dụng cho các thiết bị như máy thanh toán, công tơ đo điện, nước từ xa. Đây là lý do các quốc gia châu Âu vẫn níu kéo công nghệ 2G.
Nokia giới thiệu nhiều mẫu điện thoại cơ bản nhưng có 4G trong vài năm qua. Đây có thể là giải pháp cho những người không muốn hay chưa thành thạo sử dụng smartphone khi Việt Nam tắt sóng 2G. Ảnh: Cnet. |
Ông Hùng cho rằng Việt Nam không có nhiều thiết bị, dịch vụ IoT sử dụng mạng 2G như vậy, nên cần tắt sóng 2G càng sớm càng tốt bởi đây là tài nguyên viễn thông.
Ông Đoàn Quang Hoan - Tổng thư ký Hội vô tuyến điện tử nhận xét việc tắt các hạ tầng phát sóng cũ giúp giảm chi phí năng lượng, loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, cũng như giải phóng băng tần cho công nghệ mới.
Việc tắt sóng, ngừng công nghệ nào, theo ông Hoan, nên dựa vào nhu cầu của doanh nghiệp và khách hàng. Chuyên gia cho biết tại nhiều nước, công nghệ 3G đã bị ngừng trước 2G. Đó là bởi dịch vụ dữ liệu trên 4G đã thay thế hoàn toàn 3G, nhưng dịch vụ M2M (kết nối máy với máy) trên nền tảng 2G vẫn còn rất phổ biến, không dễ loại bỏ và thay thế.