Sáng 13/1, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Quán triệt một số nội dung quan trọng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn (Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia) lưu ý nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam các cấp trong 5 tháng tới rất nặng nề. Các cán bộ cần sẵn sàng đi sớm về muộn, làm việc không kể ngày lễ, ngày Tết để hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Mẫn nhắc nhở cán bộ mặt trận nắm chắc hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia để thực hiện đúng quy định và trả lời cho bộ, ngành, địa phương.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn lưu ý trong công tác bầu cử, không để tình riêng xen vào việc chung. Ảnh: Minh Quân. |
Trong định hướng tuyên truyền, ông Mẫn nhấn mạnh tính chính xác, khách quan của thông tin.
“Tuyệt đối không dùng báo chí để đánh bóng tên tuổi hay viết về người này, người khác”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh và khẳng định trong thực tế bầu cử là có việc này.
Cho rằng trong quá trình bầu cử sẽ có rất nhiều việc phát sinh, ông Mẫn yêu cầu cán bộ có trách nhiệm phải thực hiện theo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ. Có vướng mắc phải báo cáo ngay để xin ý kiến hội đồng, không đợi đến hôm sau.
Đặc biệt, ông đề nghị tuyệt đối đảm bảo nguyên tắc về bảo mật thông tin, cẩn trọng trong phỏng vấn, phát ngôn, bình luận, nhất là trên mạng xã hội.
“Tất cả nhân sự trong danh sách ứng viên bầu cử trong quá trình hiệp thương phải đóng dấu mật. Ai lộ lọt phải chịu trách nhiệm”, ông Mẫn lưu ý.
Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc đăng thông tin liên quan đến bầu cử trên mạng xã hội nếu không đúng sự thật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Trần Thanh Mẫn nêu thực tế trước Đại hội XIII có nhiều thế lực phá hoại ở trong nước, ngoài nước và khẳng định trong nước cần quản lý chặt các phát ngôn, bình luận trên mạng xã hội.
Một lưu ý khác được Chủ tịch MTTQ Việt Nam nhấn mạnh là không để tình riêng xen vào việc chung. "Trong bầu cử có cái đó, không nên giới thiệu, hứa hẹn giúp đỡ, gặp gỡ, điện thoại, nhắn tin qua lại để làm việc này việc khác”, ông Mẫn nhấn mạnh.
Theo nguyên tắc, Hội nghị hiệp thương là hội nghị giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên được tiến hành ở Trung ương và địa phương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp được thực hiện sau khi hiệp thương.
Hội nghị hiệp thương ở Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triệu tập và chủ trì. Hội nghị hiệp thương ở địa phương do ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp triệu tập và chủ trì để thực hiện công việc của hội nghị hiệp thương ở cấp mình. Để bảo đảm dân chủ và lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành ba lần.
Mốc thời gian chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026:
- Ngày 5/2: Hiệp thương lần 1
- Ngày 19/3: Hiệp thương lần 2
- Ngày 18/4: Hiệp thương lần 3
- Ngày 23/4: Gửi danh sách ứng cử tới Hội đồng bầu cử quốc gia
- Ngày 28/4: Hội đồng bầu cử quốc gia công bố danh sách chính thức
- Ngày 23/5: Bầu cử toàn quốc
- Ngày 7/6: Hội đồng bầu cử quốc gia gửi Biên bản tổng kết cuộc bầu cử tới Mặt trận Trung ương và trình Quốc hội khóa mới
- Ngày 12/6: Hội đồng bầu cử quốc gia công bố danh sách đại biểu Quốc hội khóa XV.