Từ 6h ngày 21/9, Hà Nội bắt đầu dần nới lỏng giãn cách xã hội, trong đó các quán cafe được kinh doanh trở lại nhưng chỉ bán cho khách mang đi. Do vậy tại các hàng cà phê bên đường, chỉ có hình ảnh nhân viên hoặc bảo vệ ngồi trông coi, bàn ghế được thu dọn về một chỗ. |
Khi quán đóng cửa, bậc thềm bên ngoài ở một số quán trở thành chỗ ngồi của những người mua cà phê từ nơi khác đến. |
Còn lại ở các hàng cafe khác, cảnh vắng vẻ xuất hiện hầu như cả ngày. Từ Highland Coffee, Starbucks, Cộng Cà phê hay Coffee Beans... đều có doanh số không khả thi so với bán phục vụ tại chỗ. |
Phần lớn đơn được đặt qua các nền tảng đặt đồ ăn online. Theo chia sẻ của nhân viên bán hàng, doanh số tốt nhất là từ 9h - 11h, sau giờ ăn sáng. |
Tại một hàng cà phê Phúc Long ở quận Cầu Giấy, shipper xếp hàng chờ tới lượt thanh toán, số khác đợi ở ngoài cửa, khách lẻ đến mua mang đi không nhiều. |
Để đảm bảo an toàn phòng dịch, các shipper đến lấy đồ, phải xếp hàng đợi bên ngoài, khi đến lượt mới được vào trong. |
Tiệm này sử dụng ròng rọc khi nhận đơn, giao hàng và trả tiền thừa để đảm bảo an toàn, đồng thời nhân viên phục vụ giữ được khoảng cách với người mua. Được biết, giá thành không thay đổi so với trước khi đại dịch bùng phát hồi đầu tháng 5. |
Tại quán Highlands, theo chia sẻ của nhân viên, số lượng đơn hàng tương đối ổn nhưng không thể bằng những ngày được tiếp khách tại chỗ. |
Anh Tuấn, một shipper vừa được trở lại với công việc sau thời gian dài nghỉ ở nhà tránh dịch. Trong một buổi sáng anh nhận được tổng cộng 14 đơn hàng, trong đó có 5 đơn mua cà phê tại nhiều tiệm khác nhau. |
Cộng cà phê là một trong những quán ở Hà Nội có lượng khách rất vắng. Tại một hàng ở phố Trung Hòa (quận Cầu Giấy), nhân viên cho biết chỉ có khoảng gần 30 đơn trong một ngày và chủ yếu bán cho khách quen đến mua mang về. Trong khi với ngày bình thường, chỉ 1 giờ đồng hồ, họ có thể bán được bằng con số này. |
Do ảnh hưởng của đại dịch, anh Nguyễn Phú (ở quận Nam Từ Liêm) bị thất nghiệp. từ một kỹ sư cơ điện, anh phải chuyển sang hành nghề giao hàng. "Từ trưa đến giờ tôi mới chỉ có 5 đơn cà phê, chủ yếu là người làm ở văn phòng đặt mua qua ứng dụng", anh nói. |
Anh Tuấn Anh ở Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) cùng vợ con đi mua cà phê mang về. "Đợt dịch vừa rồi không ra ngoài được, tôi lại ở trong khu khoanh vùng nên không được uống cà phê hàng tháng trời. Nay có việc tiện đường đi qua tôi mới có thể vào mua về thưởng thức. Tôi chỉ ra đường khi thực sự cần thiết thôi”, anh chia sẻ. |
Ngoài các chuỗi cà phê thương hiệu, các cửa hàng nhỏ cũng mở cửa trở lại. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một chủ quán, đặc thù của kinh doanh cafe là tiếp khách tại chỗ, mọi người thường có thú vui hẹn hò, ngồi hàn huyên hoặc bàn chuyện công việc. Nay các tiệm chỉ bán mang về khách không đến. |
Một tiệm cà phê, sinh tố đưa ra phương án miễn phí ship nhằm thu hút khách, nâng cao doanh số nhưng không nhiều tín đồ cafe mặn mà. |
Tại quán cà phê Giảng trên phố Nguyễn Hữu Huân (quận Hoàn Kiếm), ông Nguyễn Chí Hòa (chủ quán) chia sẻ: "Mở bán mang về từ 7h -19h nhưng rất vắng khách tới mua. Cả ngày hôm nay tôi chỉ đón khoảng 10 lượt người, chủ yếu là khách quen". |
"Doanh thu sụt giảm mạnh so với trước dịch. Đây là khó khăn chung của cả nước, của mọi cửa hàng kinh doanh, không riêng gì mình. Mong sao tình hình dịch nhanh chóng ổn định để chúng tôi có thể trở lại buôn bán bình thường”, ông Hòa nói. |