Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Quan hệ giữa Việt Nam và các nước nói chung luôn có rất nhiều dư địa. Với Nga, Trung Quốc chúng ta là đối tác chiến lược toàn diện nhưng vẫn còn nhiều dư địa hợp tác.
Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, luôn mong muốn tăng cường mối quan hệ đi vào thực chất, chiều sâu.
Việc Việt Nam xác lập khuôn khổ quan hệ với các nước, nhất là các nước quan trọng, điều đó khẳng định vai trò vị thế Việt Nam. Không nước lớn nào đi xây dựng khuôn khổ quan hệ với các nước mà không có vai trò chính trị, không có vai trò về kinh tế.
Hồi đầu tháng này, Phó Thủ tướng có chuyến thăm chính thức Mỹ, trong đó đáng chú ý là việc Mỹ thông báo gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. "Sự gỡ bỏ thể hiện quan hệ bình thường giữa hai nước. Nó cũng mang ý nghĩa quan hệ về mặt chiến lược", Phó Thủ tướng cho hay.
Ông cũng bình luận động thái từ phía Mỹ về gỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam là một "bước tiến" trong quan hệ "bình thường" giữa hai nước nhưng cũng phản ánh vẫn còn những "trở ngại". Vì thế, dư địa để hai nước tiếp tục đưa mối quan hệ phát triển sâu sắc, thực chất hơn nữa vẫn còn.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhu cầu mua sắm vũ khí của Việt Nam nói chung đều chỉ nhằm mục đích "phòng vệ" và Việt Nam có quyền mua vũ khí của bất cứ nước nào để phục vụ cho mục đích này, không chỉ dựa vào nguồn của Mỹ.
Đề cập tổng thể, ông nhấn mạnh dấu mốc hai nước chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ nay phát triển trên toàn diện các lĩnh vực, mà gần nhất là thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện.
"Hai nước thống nhất với nhau là sẽ tổ chức các sự kiện kỉ niệm, không chỉ kỉ niệm hình thức mà thực chất. Sẽ có những chuyến thăm cấp cao, các hoạt động trên lĩnh vực của hai nước".
TNS Mỹ John Mc Cain trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8 ngỏ ý kỳ vọng trong năm tới - tức khi hai nước tròn 20 năm bình thường hóa quan hệ, Mỹ và Việt Nam sẽ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Phó Thủ tướng suy nghĩ gì về kỳ vọng này, liệu dư địa này có thể sớm đạt được khi mà hai nước vừa xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện?
Trong chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, hai nước đã xác lập mối quan hệ đối tác toàn diện. Duy trì một mối quan hệ phải thực chất, không phải chỉ bề ngoài cái tên. Quan hệ Việt Nam và Mỹ đi vào khuôn khổ như đã thiết lập thể hiện mức độ quan hệ song phương toàn diện trên các lĩnh vực.
Hai nước hiện tập trung hướng phát triển hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học kĩ thuật, giáo dục đào tạo... và nhiều lĩnh vực còn có tiềm năng phát triển. Những lĩnh vực hợp tác trong quan hệ với Mỹ cũng góp phần giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu xây dựng một đất nước công nghiệp hóa. Tôi nghĩ mối quan hệ đối tác toàn diện phải đi vào triển khai cụ thể đã.
Trao đổi chuyến thăm quốc phòng
Liệu việc gỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương có tạo ra những kỳ vọng thúc đẩy hợp tác mạnh hơn giữa hai nước trong an ninh chính trị, an ninh quốc phòng giữa hai nước?
Quan hệ Việt-Mỹ theo khuôn khổ đối tác toàn diện có nghĩa quan hệ toàn diện trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có cả quốc phòng an ninh. Điều này thể hiện qua các chuyến thăm như vừa qua có chuyến thăm của Tổng tham mưu trưởng của Mỹ đến Việt Nam và trước đó Tổng tham mưu trưởng Việt Nam thăm Mỹ. Sắp tới đây hai bên sẽ tiếp tục trao đổi các chuyến thăm quốc phòng.
Tiến trình quan hệ "toàn diện" của Việt Nam với Mỹ trên các lĩnh vực có khá nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên sự chờ đợi rất lớn về hợp tác kinh tế - một trụ cột rất mạnh trong quan hệ song phương - nhưng dường như đang lâm vào bế tắc, đó là câu chuyện đàm phán TPP. Trong các cuộc trao đổi của ông với quan chức Mỹ, vấn đề này được kỳ vọng tháo nút ra sao?
Với 12 nước tham gia vào TPP thì quyết định quan trọng nào liên quan đến hiệp định này không thể chỉ từ của một nước, nó phụ thuộc vào những kết quả đàm phán đa phương. Quan trọng đó là TPP được nhận diện sẽ mở ra một thị trường rộng lớn, sự tiếp cận thị trường hàng hóa Việt Nam với bên ngoài. Ngược lại, Việt Nam phải có những cam kết về một số các lĩnh vực giống như các nước thành viên khác.
Tham gia vào TPP là có những tiêu chuẩn rất cao. Các nước hiện nay vẫn đang tiếp tục thương lượng và cam kết chính trị của các nước kể cả Mỹ là muốn là TPP sẽ đạt được giải pháp sớm, kể cả cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Đấy là mong muốn của các nước. Đương nhiên việc này không chỉ của giữa Việt Nam với Mỹ mà giữa Mỹ với Nhật, giữa Mỹ với các nước khác, giữa các nước với Việt Nam cần có sự tiến triển đột phá trong đàm phán.
Tất nhiên chúng ta mong muốn đàm phán TPP kết thúc. Nhưng Việt Nam có trình độ phát triển chưa như các nước trong TPP. Việt Nam mong muốn là Mỹ và các nước khác tạo một giai đoạn chuyển tiếp cho Việt Nam. Cũng như khi Việt Nam gia nhập vào WTO hay các hiệp định thương mại thì cần có giai đoạn chuyển tiếp vì trình độ phát triển khác nhau.
Phải đảm bảo được sự tiếp cận thị trường của hàng hóa Việt Nam, một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông phẩm, dệt may, giày dép. Hiện nay đang trong quá trình thương lượng, mà thương lượng thì còn nhiều vấn đề.
Giữ nguyên trạng
Trong các trao đổi gần đây giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, trong đó có Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông, các bên đều nỗ lực đưa ra những sáng kiến duy trì giữ nguyên hiện trạng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Ông đánh giá thế nào về các sáng kiến, đề xuất của Mỹ gần đây trong nỗ lực tìm sự cộng hưởng với các nước trong khu vực về duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông?
Một trong những điều quan trọng mà các bên liên quan, các nước quan tâm đến duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông luôn nhấn mạnh, đó là làm sao thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC, nhất là trong bối cảnh vừa qua Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa Việt Nam, rồi một loạt các hành động.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cụ thể hóa, thực hiện Tuyên bố trên, trong đó quan trọng nhất là thực hiện nghiêm chỉnh điều 5. Việt Nam đã nêu rất mạnh điều này tại các hội nghị của ASEAN vừa qua.
Đề xuất "Đông kết" của Mỹ cũng nhằm việc không được mở rộng các căng thẳng, không phá nguyên trạng, như điều 5 của DOC. Kể cả sáng kiến ba bước của Philippines cũng có nội hàm tinh thần tương tự như vậy...
Rõ ràng, các sáng kiến, vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện điều 5 chúng ta đều hoan nghênh. Đó là không được mở rộng các chiếm đóng, không được xây dựng thêm các căn cứ, các đảo mà không người trở thành có người.
Nội hàm thực hiện điều 5 của DOC là không làm phức tạp hóa tình hình hay nói giữ nguyên trạng. Bây giờ phải thực hiện nghiêm túc điều đó mới đảm bảo không gây căng thẳng trong khu vực.