Không doanh thu, nhiều doanh nghiệp 'chết lâm sàng'
Chỉ còn trông vào nguồn tiền dữ trữ từ các kỳ trước trong khi doanh thu quý III chỉ xấp xỉ 1 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp niêm yết hiện lâm vào tình trạng đình trệ và chờ "chết".
Thua lỗ là tình trạng khá phổ biến với các doanh nghiệp niêm yết từ một vài năm nay. Nhưng hiện tượng doanh nghiệp hầu như không có doanh thu trong quý III/2012, thậm chí từ một số quý trước đó đang cho thấy một tình trạng đáng báo động, đó là sự đình trệ của không ít doanh nghiệp.
Doanh thu không có
Thống kê báo cáo tài chính quý III/2012 của 200 doanh nghiệp niêm yết cho thấy, có tới 20 doanh nghiệp có doanh thu quý III dưới 10 tỷ đồng. Trong số đó, có 8 doanh nghiệp chỉ có doanh thu dưới 1 tỷ đồng là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí – IDICO (PXL), Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Bắc Giang (BGM), Công ty Chứng khoán Tràng An (TAS), Công ty Cổ phần Tư vấn Điện lực Dầu khí Việt Nam (PPE), Công ty Cổ phần Đầu tư PV2 (PV2), Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng (CID), Công ty Cổ phần Đầu tư Điện Tây Nguyên (TIC), Công ty Cổ phần Xây dựng sông Hồng (ICG).
Nhiều doanh nghiệp niêm yết hầu như không phát sinh doanh thu trong quý III. |
Với PXL, công ty này chỉ đạt doanh thu thuần vỏn vẹn 38 triệu đồng. Con số này quá nhỏ so với chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ là hơn 2,2 tỷ đồng. Nhờ vào khoản doanh thu hoạt động tài chính 3,87 tỷ đồng (từ lãi tiền gửi/cho vay), PXL vẫn có lãi gần 55 triệu đồng trong quý. Trong kỳ, công ty thu được 80,56 tỷ đồng tiền bán hàng, cung cấp dịch vụ. Số tiền này sau khi chi trả 76,43 tỷ đồng cho người bán hàng/cung cấp dịch vụ, đã bù đắp được một phần nhu cầu đầu tư của PXL trong kỳ, giúp công ty này duy trì được số dư tiền mặt hơn 4 tỷ đồng vào cuối kỳ.
Còn tại BGM, sau 2 quý không có doanh thu, công ty cũng có khoản doanh thu 42 triệu đồng trong quý III. Số tiền thu về chỉ tương đương 50% giá vốn hàng bán, nên không bù đắp được các chi phí khác phát sinh trong kỳ, vì thế, BGM lỗ gần 620 triệu đồng. Báo cáo tài chính cho thấy, dù không có doanh thu, nhưng số dư hàng tồn kho chỉ tăng nhẹ từ 4 tỷ đồng đầu năm 2012 lên 11,92 tỷ đồng vào cuối quý III.
Trong giải trình chênh lệch lợi nhuận quý III/2012 so với cùng kỳ năm 2011, PPE cho biết, lợi nhuận trước thuế giảm so với năm 2011 do nhiều nguyên nhân, trong đó, chủ yếu là do khó khăn của kinh tế vĩ mô và khó khăn về vốn khiến chủ đầu tư hạn chế thực hiện dự án mới. Các dự án đang thực hiện cũng bị giảm tiến độ đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty. Trong kỳ, công ty chỉ đạt doanh thu 453 triệu đồng, lũy kế 9 tháng chỉ đạt 1,65 tỷ đồng. Doanh thu gần như không có, hoạt động của PVL chủ yếu trông chờ vào nguồn tiền sẵn có. Cuối quý III/2012, số dư tiền mặt của công ty này đã giảm về hơn 3,4 tỷ đồng, từ mức 7,09 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm.
Doanh nghiệp sống bằng gì?
Số doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ đồng trong quý có thể chưa dừng lại ở con số 8 như đã tổng kết ở trên. Bởi đây chỉ là số liệu rút ra từ 200 đơn vị đã có báo cáo tài chính quý III/2012 trên tổng số hơn 600 doanh nghiệp niêm yết. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp có “tiền sử đứng im” vẫn chưa nộp báo cáo tài chính. Tình trạng đứng im, hoặc doanh thu có nhưng sụt giảm mạnh… diễn ra ở đa số doanh nghiệp nằm trong chuỗi giá trị của ngành bất động sản và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, cung cấp dịch vụ khác.
Thuyết minh lưu chuyển tiền tệ của một số doanh nghiệp cũng cho thấy, trong 9 tháng vừa qua, không ít đơn vị đã được cứu thanh khoản nhờ các nguồn tiền vay mượn, chứ không phải nhờ đẩy mạnh thu tiền từ khách hàng. Khi kinh doanh đình trệ, mọi nhu cầu chi trả hàng ngày đều phụ thuộc vào nguồn vốn vay bên ngoài, thì nguy cơ phá sản là điều có thể dự báo.
Theo Đầu tư Chứng khoán