Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp 'chết oan' vì chính sách giật cục

Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, hơn 40.000 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, chiếm 1/4 tổng số doanh nghiệp “chết” trong 20 năm gần đây.

Doanh nghiệp 'chết oan' vì chính sách giật cục

Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, hơn 40.000 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, chiếm 1/4 tổng số doanh nghiệp “chết” trong 20 năm gần đây.

Thông tin về kết quả khảo sát quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) từ nay đến cuối năm 2012 vừa được VCCI hoàn tất. TS Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), cho biết trong quý 3, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của DN như lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm, tổng doanh số, hàng tồn kho đều xấu đi. Các DN đều chung dự báo rất chắc chắn về tình hình kinh doanh của đơn vị mình là quý 4 còn khó khăn hơn quý 3. “Cục máu đông” giờ không chỉ là nợ xấu mà còn là lượng hàng tồn kho khiến cả cộng đồng DN khốn khổ.

Hầu hết DN chưa có giải pháp khả thi để xử lý nợ xấu. Còn để giải phóng hàng tồn, bà Hằng nhấn mạnh nhiều DN cho biết cần phải tìm thị trường mới, tuy nhiên đây là điều hết sức khó khăn khi bức tranh kinh tế chung đang nhiều gam xám. Do vậy, đa số DN buộc phải giảm giá bán từ 10-30% so với giá trước đây.

 Các chuyên gia cho rằng, để cứu DN cần có những biện pháp căn cơ về chính sách như giảm thuế, xử lý nợ xấu... thay vì cho DN ngậm sâm chạy theo thành tích.

Bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thuận Thảo (Phú Yên) - tâm sự hai năm nay không chủ DN nào không suy nghĩ tìm kế để giữ “mạng sống” cho DN của mình. Thế nhưng giữ trong tình trạng mà chính sách thiếu ổn định thì cũng rất khó, như chính sách tiền tệ, năm thì nới lỏng, còn năm nay thì thắt chặt đến mức nhiều DN đã bị chết oan.

Đồng tình, ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Sơn - cho rằng khó khăn của các DN trong năm nay có một phần của DN là đầu tư dàn trải, chưa đúng nguồn lực của mình, nhưng cũng có một phần rất lớn từ cơ chế chính sách. Cụ thể là lãi suất cho vay có những thời điểm lên đến 22-24%/năm. Còn đến thời điểm này, nếu lãi suất vẫn cao trên 10%/năm thì không có DN làm ăn chân chính nào trụ nổi.

Không được "hà hơi thổi ngạt", cho DN ngậm sâm

Ông Trần Văn Tá - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định Nhà nước phải có trách nhiệm với cộng đồng DN, với chính những khó khăn mà DN đang gặp phải. Nếu không tạo điều kiện thuận lợi cho DN thì đừng nên làm khó cho DN. Những chính sách giật cục đã làm DN trở tay không kịp. Ông Tá đơn cử như chính sách về tiền thuê đất thay đổi khiến có DN đang nộp với mức 600 triệu đồng/năm nay tăng lên 9 tỷ đồng. Cơ quan quản lý giải thích là do tiền thuê đất để quá lâu nên giờ phải tăng. Thế nhưng, chúng ta điều chỉnh trong bối cảnh kinh tế đang hết sức khó khăn là hoàn toàn bất hợp lý.

Ông Tá cũng nói thêm về chính sách thuế, vừa rồi Chính phủ đưa ra một loạt giải pháp về thuế với gói hỗ trợ là 29.000 tỷ đồng. Song đây chỉ là một phần rất nhỏ, chưa thấm vào đâu so với những thách thức mà DN đã và đang đối mặt. Chính phủ và Quốc hội cần xem xét để sớm có các giải pháp mạnh hơn, đặc biệt là về thuế. Như Thái Lan chẳng hạn, năm qua do bị ảnh hưởng nặng nề trận lụt lịch sử mà Chính phủ Thái Lan đã quyết định không thu thuế các loại cho người dân và DN trong vùng lụt.

Còn về việc xử lý nợ xấu, ông Tá đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải làm việc này chứ không thể để các ngân hàng thương mại và DN thương thảo. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước phải có cơ chế để khoanh lại các khoản nợ được xếp vào diện khó đòi, sau đó sẽ xử lý sau. Còn các ngân hàng thương mại phải chia sẻ với DN, trước kia cho vay dưới chuẩn, lãi khủng rồi thì nay phải bù vào. Còn các khoản vay mới thì phải thẩm định kỹ càng theo từng dự án và trích lập dự phòng rủi ro theo đúng tiêu chuẩn quy định. Phía DN chỉ có thể trả nợ khi còn sống, do vậy nên mở cho một lối nhỏ.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng cuộc sống của các DN cần phải được nhìn ở một khía cạnh sâu sắc hơn nữa bởi họ là lực lượng quan trọng của một nền kinh tế. Những khó khăn mà các DN đang gặp phải đã được tích tụ từ lâu. Do đó để cứu DN, các chính sách phải đi sâu vào căn nguyên chứ không nên chỉ vì thành tích ngắn hạn mà thực hiện các giải pháp mang tính “hà hơi”, “thổi ngạt”, cho họ ngậm sâm.

Dứt khoát không thể tăng giá xăng, dầu, điện

Từ nay đến cuối năm, dứt khoát không thể tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu. Lúc khó khăn thế này đừng bắt người dân và DN phải chịu.

Còn riêng về mặt hàng xăng dầu, cơ chế điều hành là trao quyền định giá cho các DN là hoàn toàn sai lầm. Bởi ở nước nào cũng vậy, khi thị trường còn độc quyền thì nhà nước phải định giá, kiểm soát chặt chẽ. Thực tế ở ta, Tập đoàn Xăng dầu VN chiếm gần 60% thị phần mà trao quyền cho các DN đầu mối nhập khẩu định giá xăng dầu là làm hư họ.

Tôi nói bây giờ có thể khác với lúc tôi đang công tác ở Bộ Tài chính. Nhưng tôi nói vì lợi ích của quốc gia, trong đó có lợi ích của người dân và DN.

Ông Trần Văn Tá - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm