Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch VCCI: 'Nhiều doanh nghiệp không đáng chết'

Theo Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc, một bộ phận doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, quản trị tốt, "không đáng chết" trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Chủ tịch VCCI: 'Nhiều doanh nghiệp không đáng chết'

Theo Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc, một bộ phận doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, quản trị tốt, "không đáng chết" trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

- Chúng ta đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gần một năm nay, nhưng doanh nhân vẫn khó khăn vậy. Tâm tư doanh nhân dịp 13/10 năm nay chắc rất nhiều?

- Đúng vậy. Chính sách hỗ trợ thời gian qua có tác dụng, nhưng còn hạn chế, vẫn dàn đều theo lĩnh vực, quy mô. Chẳng hạn hỗ trợ tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may... Do không chọn lựa nên doanh nghiệp năng lực yếu, đầu cơ cũng được hỗ trợ như doanh nghiệp làm ăn bài bản, nhiều tiềm năng.

Đến nay tình hình vẫn quá khó khăn nên có doanh nhân đã chia sẻ với tôi nếu được bắt đầu lại, họ sẽ không chọn con đường trở thành doanh nhân. Thậm chí có người hối tiếc trước kia sao không ở lại cơ quan nhà nước để làm quan chức... Có người mong được trở lại điểm xuất phát, chỉ cần không phải nợ nần...

Tuy nhiên, đại đa số doanh nhân đều quyết tâm không từ bỏ kinh doanh. Nhiều người chấp nhận lỗ để duy trì sản xuất, giữ công nhân và mong được tiếp tục kinh doanh lại theo con đường bền vững, bài bản. Họ mong có môi trường vĩ mô tốt hơn, chính sách hỗ trợ thiết thực hơn để vượt khó.

Chủ tịch VCCI cho rằng Nhà nước cần giúp những doanh nghiệp "không đáng chết" tiếp tục sống

- Nhiều doanh nghiệp đang kêu giá thuê đất cao. Ông có thấy chính sách nhà nước cần thay đổi?

- Giá thuê đất vừa qua đã có chủ trương giảm 50% cho doanh nghiệp. Nhưng trên thực tế doanh nghiệp vẫn cho rằng mức giảm đó chưa đủ, bởi vấn đề là giá đất luôn được điều chỉnh tăng theo từng năm. Giá đất ở có thể tăng, nhưng giá đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh cần ổn định, cứ tăng liên tục hằng năm như vậy thì doanh nghiệp chết.

Chúng tôi đề nghị nên tách biệt, giá đất kinh doanh năm năm mới điều chỉnh. Giá thuê đất trong bối cảnh hiện nay nên giữ bằng mức năm 2010 để doanh nghiệp có thể giảm chi phí, tiếp tục gắng gượng duy trì sản xuất, giữ việc làm cho người lao động. Ngoài ra, vấn đề tăng lương tối thiểu cho người lao động, Nhà nước cần có lộ trình rõ ràng để doanh nghiệp lường trước. Có thể quy định việc tăng lương định kỳ hằng năm với tỉ lệ tăng tương ứng với mức lạm phát cộng tăng trưởng GDP.

Cần tránh những quyết định hành chính bất ngờ, như một năm tự nhiên quyết tăng lương hai lần, doanh nghiệp rất khó điều chỉnh kịp.

- Thuế thu nhập doanh nghiệp đã có định hướng giảm, ông có cho rằng trong khó khăn hiện nay cần giảm nhanh hơn lộ trình?

- Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần điều này. Thái Lan đang thuế thu nhập doanh nghiệp 30% đã giảm mạnh xuống còn 23%. Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan... thuế thu nhập áp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chỉ 17%. Thuế thu nhập doanh nghiệp của VN đang cao so với tương quan chung, cần giảm xuống nhanh để thể hiện sự chia sẻ của Chính phủ.

Nhiều doanh nghiệp gắng gượng vì họ còn tích lũy mấy năm trước. Nhưng họ có thể còn khó khăn trong năm 2013, thậm chí đến 2015. Nếu chúng ta không chia sẻ thật sự có ý nghĩa thì doanh nghiệp không thể qua khó khăn được.

Số liệu mới nhất, tính đến ngày 20/9, trong số 675.000 doanh nghiệp đã thành lập, còn 471.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nghĩa là khoảng 200.000 doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường. Riêng năm nay, có 51.000 doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động đã trên 40.000. Như vậy, số doanh nghiệp phá sản đã gần lại hơn số thành lập mới.

Trong số doanh nghiệp đang hoạt động, số thua lỗ rất lớn. Trong số này đúng là có doanh nghiệp hoạt động hiệu quả kém, quản trị yếu, đầu cơ... Nhưng có một bộ phận doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, quản trị tốt, do doanh nghiệp khác phá sản khiến họ không đòi được nợ, hoặc do thị trường ảm đạm nên lâm vào khó khăn tạm thời. Tôi cho rằng nhiệm vụ của Nhà nước là phải giúp đối tượng này vượt lên, bởi họ chỉ gặp vấn đề về dòng tiền tạm thời gián đoạn, họ không đáng “chết”.

Ổn định tâm lý người tiêu dùng mới bán được hàng

Năm qua là một năm đầy biến động và khó khăn của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng khi chứng kiến sức mua giảm sút liên tục. Từ cuối năm ngoái đến nay sản phẩm của chúng tôi không thể tăng giá cho dù chi phí sản xuất đầu vào điều chỉnh tăng do chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Kết thúc năm nay, ở mảng thị trường nội địa, doanh nghiệp chấp nhận kinh doanh không hiệu quả.

Tôi cho rằng quan trọng nhất, doanh nghiệp mong chờ những chính sách kịp thời từ phía cơ quan quản lý để ổn định tâm lý người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể có tiền nhưng không dám chi tiêu vì họ không biết kinh tế ngày mai sẽ thế nào. Đây là vấn đề làm đau đầu các doanh nghiệp. Chúng tôi sản xuất nhưng không có ai mua, hàng tồn kho tăng, vốn ứ đọng. Không chỉ vậy, điều làm doanh nghiệp bận tâm nữa là sự cạnh tranh hàng hóa thiếu lành mạnh.

Sức mua yếu, nhiều doanh nghiệp chấp nhận giảm chất lượng, thậm chí bán hàng kém chất lượng với giá thấp để thu hút khách khiến những doanh nghiệp làm ăn chân chính lao đao. Nếu có sự kiểm soát chất lượng chặt chẽ tốt hơn từ cơ quan chức năng như trong việc công bố chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thì thị trường sẽ bớt rối hơn.

Sắp tới VN mở cửa thị trường rộng và sâu hơn, một loạt thách thức chờ đón doanh nghiệp: hàng hóa các nước trong khu vực tràn vào, tâm lý người tiêu dùng vẫn còn hướng ngoại trong khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp VN rất thấp. Đơn cử như chúng tôi đã phải hủy kế hoạch tung ra một số sản phẩm mới trong năm nay do không thể cạnh tranh được về giá đối với các sản phẩm gia vị, thực phẩm nhập khẩu cùng loại của các công ty đa quốc gia. Những công ty này không chỉ nắm bắt được khẩu vị của người Việt mà họ làm ăn bài bản đến mức bao bì, nhãn hiệu đều ghi tiếng Việt trong khi giá lại thấp hơn.

Cũng dễ hiểu thôi khi các doanh nghiệp VN đang phải vay lãi suất cao ngất ngưởng so với khu vực, chi phí sản xuất cao thì làm sao có giá tốt cho người tiêu dùng. Năm qua, doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không dám đầu tư mở rộng sản xuất vì quá rủi ro.

Vừa rồi, chúng tôi có đi đăng ký chất lượng cho một sản phẩm mới, hơn một tháng rồi mà hồ sơ đi lòng vòng, nơi này chỉ nơi kia, sản phẩm đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Trong khó khăn, hơn ai hết doanh nghiệp cũng cần được chia sẻ từ phía cơ quan quản lý, Nhà nước để có thể an tâm sản xuất, phát triển.

Lê Thị Thanh Tâm- Phó tổng giám đốc Saigon Food

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm