Doanh nghiệp nhà nước 'đánh bạc' bằng tiền người khác
Theo Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa Fund tại Hong Kong, việc điều hành doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam chẳng khác gì đánh bạc mà không dùng tiền của mình.
Theo Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa Fund tại Hong Kong - TS Alan Phan, còn duy trì tập đoàn, tổng công ty thì Nhà nước sẽ còn phải tiếp tục “chạy theo trả nợ”. Thay vì tái cấu trúc, thu gọn hoạt động, rút bớt số lượng các doanh nghiệp này thì Việt Nam cần phải chấp nhận vận hành theo cơ chế thị trường – tức rút “gậy chống lưng” để các tập đoàn, tổng công ty kinh doanh như một doanh nghiệp bình thường.
Theo ông Alan Phan, đầu tư ngoài ngành không phải là nguyên nhân dẫn tới "cái chết" của các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước. |
- Khi quyết định thành lập các tập đoàn và tổng công ty, Việt Nam cũng mong muốn rằng đó sẽ là những Chaebol như của Hàn Quốc. Tuy nhiên, đến nay theo ông, tại sao mô hình này lại không thành công ở Việt Nam?
- Có 3 yếu tố có thể tóm tắt nên sự thành công của các Chaebol của Hàn Quốc bao gồm: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa.
Thứ nhất, thời điểm Chaebol ra đời thì trên thị trường thế giới chưa có một nền kinh tế mạnh như Trung Quốc của bây giờ. Nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư vốn vào Hàn Quốc để làm công xưởng sản xuất, do nước này có lợi thế là gần Nhật Bản, học được kỹ thuật chất lượng của Nhật trong khi các yếu tố khác khá rẻ so với Nhật Bản. Do vậy, mọi “ưu ái” của nhà đầu tư đã dồn về phía Hàn Quốc
Thứ hai là yếu tố địa lợi. Hàn Quốc lúc đó ngoài vị thế trên thị trường, còn lợi thế là đồng minh chiến lược của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Quốc gia này đã dành cho Hàn Quốc sự giúp đỡ mạnh mẽ bởi Mỹ với viện trợ tài chánh và kỹ thuật, cũng như mở cửa thị trường Mỹ cho sản phẩm Hàn Quốc.
Thứ ba là nhân hòa. Người dân Hàn Quốc lúc đó rất chịu khó học hỏi cầu tiến. Trong số du học sinh tại Mỹ thì số sinh viên Hàn Quốc chiếm lượng lớn nhất tại các trường đại học. Do vậy, người Hàn Quốc được đào tạo theo văn hóa phương Tây từ rất sớm.
Và một điểm cốt lõi là các Chaebol được điều hành bởi tập đoàn tư nhân. Chính phủ chỉ hỗ trợ về vốn, còn vấn đề điều hành do tư nhân hoàn toàn chịu trách nhiệm, tiền đầu tư được quản lý chặt bởi các gia đình tư nhân. Điều hành lối thị trường và quản lý bởi gia đình nên tham nhũng không phải là vấn nạn.
Trong khi ở Việt Nam, yếu tố "thiên thời" gần như không có do thời điểm hình thành các tập đoàn và tổng công ty nhà nước là lúc phần lớn ở các nước trên thế giới đã xóa bỏ mô hình này, nhất là sau thất bại kinh tế nặng nề của Liên Xô và Trung Quốc thời mới mở cửa.
Nhưng yếu điểm lớn nhất vẫn là việc quản trị hoạt động yếu kém, tiền của người khác thì mạnh anh nào anh nấy "rút ruột". Ngày nay, ngay cả các Chaebol ở Hàn Quốc cũng đã gặp rắc rối vì yếu kém quản trị không đem lại hiệu quả so với các đối thủ nhỏ và nhanh hơn.
- Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng đầu tư ngoài ngành mới chính là nguyên nhân dẫn đến “cái chết” của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ở Việt Nam, ông có nghĩ thế không?
- Không, tôi không nghĩ thế. Kinh doanh mà không phải dùng tiền của mình thì chắc chắn sẽ không bao giờ có hiệu quả. Giống như việc đi đánh bạc mà không đánh bằng tiền của mình, sinh lời thì mình hưởng, còn thua lỗ thì người khác lãnh hộ. Nghiêm trọng hơn là, cho phép thành lập các doanh nghiệp này nhưng lại thiếu các cơ chế để quy trách nhiệm cá nhân.
Các Chaebol của Hàn Quốc nếu hoạt động không hiệu quả thì người điều hành bị sa thải ngay lập tức dựa trên các chỉ số tài chánh, ngắn và dài hạn. Còn ở Việt Nam, với tư tưởng nhiệm kỳ, có 5 năm, tôi sẽ cố gắng làm thật nhiều dự án mới, không phải vì mục tiêu lợi nhuận chung hay xây thương hiệu công ty mà để thu lợi cá nhân qua tiền bạc hay quyền lực.
Còn việc đầu tư một ngành hay đa ngành bản chất không khác nhau. Khi muốn điều hành doanh nghiệp phải coi việc quản lý hiệu quả là vấn đề quan trọng hàng đầu.
- Vậy ý ông là việc hạn chế đầu tư đa ngành của các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước không phải là vấn đề cốt lõi, mà cần phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn bằng cách minh bạch và giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân?
- Rất khó có thể nói cái gọi là "nâng cao hiệu quả sử dụng đồng tiền" khi mà mỗi ngày, một cá nhân đại diện phải quyết định cả triệu USD nhưng không phải tiền của mình, không đủ kỹ năng quản trị, không có thì giờ giám sát, sử dụng người theo giới thiệu của bà con bạn bè …
- Chính phủ dự kiến sẽ rút xuống chỉ còn 5 -7 tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong những lĩnh vực thiết yếu, ông có cho rằng điều này sẽ giúp Việt Nam quản lý tốt hơn hoạt động của các doanh nghiệp này không?
- Theo tôi, nếu đứng trên góc độ kinh tế thuần túy, bỏ qua những mục tiêu chính trị, xã hội thì việc duy trì các tập đoàn, tổng công ty dưới sự bảo hộ của Nhà nước sẽ có hiệu quả tốt hơn vì mất ít tiền hơn. Chính phủ đã “dám” cắt xuống còn 5 -7 tập đoàn, tổng công ty tại sao không “dám” cắt hẳn sự bảo hộ đối với các đơn vị này?
- Nếu biện hộ đó là những lĩnh vực thiết yếu, Chính phủ phải phụ trách thì ai sẽ là người quyết định rằng mô hình kinh doanh này quá quan trọng không thể thay thế nhà nước?
- Đơn cử như điện lực của Mỹ, nơi tôi ở, cả trăm năm nay đều do tư nhân điều hành, 20 - 30 năm mới cắt điện một lần và người chủ doanh nghiệp điện phải đi xin lỗi từng gia đình do sự cố thiên tai; trong khi tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng - nơi tôi đang sinh sống, cũng được đánh giá là khu đô thị hạng sang bậc nhất ở Việt Nam, thì việc cắt điện mỗi tuần được coi là việc bình thường.
- Là một trong những người giúp kết nối các nhà đầu tư, ông thấy các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn gì trong việc cải cách khối doanh nghiệp Nhà nước hiện nay của Việt Nam?
- Tôi cho rằng muốn thu hút được đầu tư nước ngoài, bản thân môi trường kinh doanh của chúng ta phải tự hoàn thiện trước khi họ có ý kiến. Phần lớn đang “wait and see” (đợi xem). Các nhà đầu tư luôn đặt mục tiêu lợi nhuận và hiệu quả dự án lên hàng đầu. Họ chỉ chọn Việt Nam nếu ở đây thỏa mãn các nhu cầu họ. Còn nếu không, có vài trăm cơ hội đầu tư vào các nước khác đang “mở cửa đón chào”.
Theo Cafef/TTVN