Tái cấu trúc, Nhà nước phải thôi 'đá lộn sân'
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công chương trình kinh tế Fulbright cho rằng, để tái cấu trúc thành công nền kinh tế, Nhà nước cần phải đứng ra điều tiết, can thiệp vào những vấn đề sai lệch, độc quyền dù đó của Nhà nước hay tư nhân.
- Ngân hàng yếu kém thì sáp nhập, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đầu tư kém hiệu quả thì cắt vốn; đầu tư công dàn trải thì "siết" lại, cách tái cơ cấu kinh tế của ta vẫn nặng về "sai đâu, sửa đó" mà chưa chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của các vấn đề này. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới các bất ổn kinh tế hiện nay?
- Tôi cho rằng đó là sự thiếu rõ ràng vai trò của Nhà nước trong cả 3 mảng điều hành, can thiệp và tham gia làm kinh tế thị trường. Chúng ta vẫn hay nói một cách chung chung "Nhà nước đóng vai trò chủ đạo" nhưng vai trò của Nhà nước trong cả ba mảng này đều rất mông lung. Chính vì sự mông lung đó nên mạnh ai nấy làm, không cần biết chức năng của cơ quan ấy là gì, có phù hợp hay không và không có sự phối hợp giữa các cơ quan. Từ đó gây ra lãng phí, thiếu hiệu quả và thất thoát vốn ngân sách.
- Ông có thể phân tích cụ thể hơn về sự "thiếu rõ ràng" này?
- Chúng ta đều biết, vai trò của Nhà nước là điều tiết nhưng ở rất nhiều trường hợp, thay vì điều tiết Nhà nước lại đứng ra tự làm. Mà nếu đã làm, thì không thể điều tiết được. Ví dụ như vụ Vinalines, Bộ Giao thông vận tải vừa là người điều tiết, vừa là chủ sở hữu thì làm sao có thể điều tiết được? Hay chuyện giá điện, EVN là cơ quan đề xuất giá điện thì Cục Điều tiết điện lực phải là cơ quan độc lập. Nhưng cả hai cơ quan này đều thuộc Bộ Công thương... Nếu "vừa đá bóng, vừa thổi còi", ngay cả khi anh làm đúng, xã hội cũng không tin.
Vì không xác định rõ ràng vai trò của mình nên trong rất nhiều chuyện, Nhà nước thậm chí đứng ra cạnh tranh với tư nhân. Ví dụ ở cảng Thị Vải - Cái Mép, chúng ta đã thành công khi thu hút được vốn đầu tư cảng rất hiện đại để đón tàu có trọng tải lớn. Tất cả là vốn nước ngoài và liên doanh. Nhưng ngay sau đó, Nhà nước lại đầu tư 2 dự án xây dựng cảng ở đây. Vấn đề đặt ra là, nếu các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty liên doanh đã nhìn thấy được tiềm năng của việc xây cảng và bỏ vốn vào đây thì không việc gì Nhà nước (PMU 85 thuộc Bộ Giao thông vận tải) lại phải bỏ vốn vào làm 2 cảng để cạnh tranh. Lẽ ra tiền đó phải dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đường lên cảng...
Ngược lại trong lĩnh vực y tế - giáo dục, chúng ta lại muốn xã hội hóa hoàn toàn. Nếu xã hội hóa hoàn toàn, ta sẽ khiến một bộ phận dân chúng không tiếp cận được với dịch vụ giáo dục và y tế. Lĩnh vực này là nhiệm vụ của Nhà nước phải làm, các nước đều làm thế thì ta lại chuyển gánh nặng sang cho khu vực tư nhân...
Nhà nước cần đứng ra điều tiết các vấn đề độc quyền, bất ổn thay vì đứng ra tự làm. |
- Nghĩa là cái cần phải "tái cấu trúc" trước tiên chính là vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước?
- Đúng vậy, phải xác định rõ vai trò thực sự của Nhà nước. "Tái" vai trò này về đúng chức năng, nhiệm vụ của mình chứ không "lấn sân" hay "đá lộn sân" như lâu nay. Ví dụ như giá điện, khi có độc quyền, gây tổn hại cho xã hội thì Nhà nước phải đứng ra điều tiết cho dù độc quyền đó là của nhà nước hay tư nhân. Những vấn đề thị trường không làm được, không muốn làm hay làm sai lệch thì Nhà nước phải làm hoặc phải can thiệp...
- Nhưng thực tế vẫn có các nhóm lợi ích chi phối những quyết định quan trọng trong nền kinh tế. Nghĩa là ngay cả khi Nhà nước đứng vào đúng vị trí của mình, nếu không loại bỏ được các nhóm lợi ích này thì tình trạng đầu tư dàn trải, phá vỡ quy hoạch, lãng phí vốn ngân sách sẽ vẫn còn tiếp diễn, thưa ông?
Tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân đều hoạt động theo lợi ích cục bộ là một thực tế không thể phủ nhận. Điều này thể hiện rõ nhất ở mối quan hệ "tam giác" trong đầu tư công. Ví dụ, chính quyền địa phương muốn xin làm một dự án sân bay, người thực hiện là DNNN và cơ quan trung ương là người phê duyệt. Mặc dù biết rõ là sân bay này không cần thiết vì tỉnh bên, chỉ cách chưa đầy 100 km đã có một sân bay, trong quy hoạch cũng không có... nhưng sân bay vẫn được duyệt vì cơ quan trung ương không quan tâm đến lợi ích chung của cả vùng đó.
Ừ thì địa phương bên cạnh có sân bay nhưng là chuyện của tỉnh đó. Tỉnh đó có hậu thuẫn chính trị riêng của tỉnh đó. Còn tỉnh này sẽ có hậu thuẫn cho mình nên đồng ý đưa vào quy hoạch. Nếu không có tiền, địa phương làm thì bố trí vốn trái phiếu, doanh nghiệp làm thì chỉ đạo cho vay... Điều này dẫn tới tình trạng tỉnh nào cũng có sân bay, cảng, khu kinh tế... bất chấp nhu cầu thị trường không có, quy hoạch không có.
- Theo phân tích của ông và dựa trên thực trạng đầu tư dàn trải, lãng phí... thì nhóm “lợi ích cục bộ” xuất hiện ngày càng nhiều. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
- Đây là hậu quả của sự chia cắt, phân mảng trong thể chế kinh tế. Nỗ lực của ta là xây dựng thể chế kinh tế mới, luật pháp mới, bộ máy mới... nhưng tất cả cái mới đó đều bị phân mảng, chia cắt. Sự chia cắt đó khiến bản thân thể chế kinh tế mới lại tạo thành các nhóm lợi ích riêng. Đáng lẽ anh tạo ra thể chế kinh tế mới để điều tiết, chi phối và điều chỉnh lại hành vi của các nhóm lợi ích. Để nhóm lợi ích phải đi theo mục tiêu của xã hội nhưng cuối cùng ta lại để sự chia cắt hình thành nên các nhóm lợi ích mới.
- Vậy để tái cơ cấu kinh tế hiệu quả, phải xác định vai trò của nhà nước hay khắc phục tình trạng chia cắt của các thể chế kinh tế, thưa ông?
- Phải sửa cả hai, phải xác định vai trò của Nhà nước và hoàn thiện thể chế kinh tế mới không bị phân mảng như hiện nay. Bởi khi Nhà nước thực hiện đúng vai trò của mình sẽ phải dùng thể chế kinh tế để điều tiết lại. Vì luôn luôn có tình trạng các nhóm lợi ích tạo áp lực để vô hiệu hóa chuyện kiểm soát. Tình trạng các dự án không hiệu quả nhưng vẫn được phê duyệt như nói trên là một minh chứng điển hình.
Với một thể chế kinh tế tốt, nếu vì áp lực chính trị anh phải phê duyệt thì sau đó, anh sẽ sử dụng thể chế tài chính để kiểm soát lại. Nói nôm na là, tôi thất bại trong việc kiểm soát cấp phép thì giờ không cấp tiền. Các ngân hàng tự đánh giá kiểm định, nếu thấy sân bay, cảng hay khu kinh tế này hiệu quả... thì họ sẽ tài trợ. Khi họ đồng ý tài trợ mà không có áp lực chính trị, thậm chí lúc đó, có thể Nhà nước sẽ bỏ tiền ngân sách bổ sung thêm. Khi có tín hiệu thị trường, có nhu cầu cơ sở, thì Nhà nước sẽ làm.
Trong quản lý các DNNN, Trung Quốc cũng sử dụng các thể chế kinh tế bên ngoài để kiểm soát. Họ bắt các tập đoàn phải niêm yết ở Hồng Kông, Singapore... Như vậy, "tôi" không kiểm soát anh nhưng các nguyên tắc kinh tế của thế giới sẽ kiểm soát anh. Các thể chế bên ngoài ấy sẽ phát hiện anh nếu anh có vấn đề và cơ quan nhà nước kiểm soát thông qua các thể chế này.
Theo Thanh Niên