Ít người đến dự buổi lễ ngày Chủ nhật tại nhà thờ ở Monrovia từ khi dịch Ebola hoành hoành. Ảnh: AP |
Trước khi đại dịch bùng phát, người dân Liberia quan niệm hôn lên má nhau, dù là người mới gặp, bạn bè hay họ hàng, là kiểu chào hỏi phổ biến. Họ nắm chặt tay nhau trong khi hát thánh ca trong nhà thờ, sau đó hôn chào tạm biệt.
Tuy nhiên, khi trở thành "tử địa" của dịch Ebola, câu hỏi nên động vào người lạ hay không chỉ có duy nhất một đáp án: Không bao giờ. Nhưng người dân Liberia bắt đầu e ngại ngay cả với những mối quan hệ thân cận nhất, như gia đình, bạn bè thân thiết. Động chạm trực tiếp nhau trở thành hành động cấm kị ở Liberia, do virus có thể lây nhiễm qua các dịch truyền như hỗn hợp mà người bệnh ói ra, máu bệnh nhân, mồ hôi hoặc nước bọt.
Cô Clara K. Mallah, 27 tuổi, thường xuyên mặc một chiếc áo dài tay từ khi dịch Ebola bùng phát. Mallah kéo tay áo che kín cánh tay khi người cháu gái 3 tuổi chạy đến chào cô.
Một trường hợp ngoại lệ duy nhất mà Mallah không ngại tiếp xúc trực tiếp chính là người mẹ 52 tuổi của cô. Bà bị mất chân nên không bao giờ ra khỏi nhà.
"Nếu mẹ tôi có thể đi lại khắp nơi, chắc tôi sẽ không dám đụng vào bà mất", nữ phiên dịch viên cho một tổ chức quốc tế nói.
Mallah là một trong số rất nhiều người dân Liberia đã không chạm vào da thịt ấm áp của con người trong nhiều tháng qua. Họ không còn bắt tay, không còn hôn nhau.
Người dân bắt tay chào nhau trong buổi lễ ở nhà thờ Dominion, sau khi khu vực được dỡ bỏ lệnh cách ly vào tháng 8/2014. Ảnh: NYT |
Nhưng ai có thể chắc chắn không động tới đứa con gái 2 tuổi khi bé phát sốt, nôn ra máu và đau đớn vì nhiễm bệnh? Cô Precious Diggs, nhân viên một công ty cao su, thì không làm được như vậy.
Những tháng gần đây, Diggs liên tục nghe và trông thấy cảnh báo của nhà nước về phòng chống nhiễm Ebola. Tuy nhiên, khi con gái Rebbeca bắt đầu có triệu chứng đi ngoài liên tục và nôn mửa, người mẹ không thể nào dửng dưng mà không ôm lấy con mình. “Ngoan nào, con yêu, mẹ xin con đấy”, Diggs vỗ về con gái.
Tuy nhiên, Rebbeca không thể chống chọi lại căn bệnh và cô bé qua đời vài ngày sau. Bé đã lây virus Ebola sang người mẹ.
Cũng như Diggs, anh Ephraim Dunbar, 37 tuổi, từng phải lựa chọn giữa sự an toàn cho mình với tình cảm dành cho mẹ.
Một ngày cuối tháng 8/2014, anh nhận cuộc gọi từ người nhà rằng mẹ của anh đang ốm nặng. Anh chạy ngay về nhà ở thị trấn Dolos, gần với Harbel là nơi có hàng chục bệnh nhân Ebola. Mẹ của Dunbar nằm mệt mỏi trên giường, sau đó nôn ra máu. Dunbar ngay lập tức ý thức phải hết sức đề phòng nhiễm virus. Anh cố gắng hết sức để không phải đụng vào mẹ.
Tuy nhiên, khi bệnh tình bà xấu đi, Dunbar không còn để ý gì nữa và anh cuống cuồng chăm sóc mẹ, đút từng muỗng sữa và xoa bóp cho mẹ. Da thịt hai mẹ con đã chạm vào nhau.
Mẹ của Dunbar qua đời vào ngày hôm sau.
Sau khi tổ chức tang lễ cho mẹ, Dunbar bắt đầu phát sốt. Anh phải điều trị tại bệnh viện John F. Kennedy tại Monrovia hơn 2 tuần. Anh may mắn chiến thắng virus Ebola. Tuy nhiên, sau khi về nhà, Dunbar phát hiện 4 anh chị, em, bố, dì, chú và hai cháu trai đều đã qua đời. Virus Ebola đã cướp đi cả gia đình anh chỉ trong vài ngày.
Khi nhớ về những ngày chăm sóc mẹ, Dunbar khẳng định anh sẽ không làm khác đi, không thể không ôm mẹ. "Đó là mẹ của tôi. Bà đã sinh ra tôi".