Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không còn Uber, Grab đội giá, hủy cuốc vô tội vạ

Cùng một đoạn đường và thời điểm, cước Grab cao gấp 3 lần hãng khác; dùng cùng lúc 3 điện thoại gọi xe đều bị tài xế hủy cuốc là những phàn nàn của khách về Gab gần đây.

Sau khi Uber rút khỏi Việt Nam, theo điều tra sơ bộ của Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công Thương, thị phần kết hợp mà Grab sở hữu vượt ngưỡng 50%. Trong khi nhà chức trách điều tra chính thức thương vụ, khách hàng sử dụng dịch vụ của Grab liên tục tố hãng này tăng giá vô tội vạ, thậm chí đắt hơn gấp 3 lần bình thường và thời gian chờ xe rất dài.

Cùng đoạn đường, Grab đắt hơn gấp 3 lần

Vì tính chất công việc, anh Ngọc ở quận 7 thường lựa chọn xe công nghệ thay vì tự lái xe đến cơ quan. Trước đây, anh thường xuyên sử dụng Uber nhưng từ khi hãng này rời khỏi Việt Nam, anh buộc chuyển sang đi Grab.

Anh cho biết không chỉ anh mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp dường như đang bị phụ thuộc quá nhiều vào hãng xe công nghệ này bởi thị trường hiện tại dường như đang là cuộc chơi của Grab, taxi truyền thống và các hãng mới ra không thể cạnh tranh lại.

Thương vụ sáp nhập Uber - Grab qua các con số Theo dõi phản ứng của người dùng mạng xã hội, đa phần cả khách hàng và lái xe đều có những phản ứng tiêu cực với thông tin Uber rời khỏi thị trường.

Các cuốc xe mà anh đặt từ Grab có dấu hiệu tăng giá, thậm chí là tăng mạnh hơn so với trước. Trong khi đó, với cùng đoạn đường, cùng thời điểm đặt xe nhưng một hãng xe công nghệ khác có giá chưa đến phân nửa.

“Cùng chặng đường từ quận 1 về quận 7, Grab báo giá 104.000 đồng nhưng tôi chờ mòn mỏi vẫn không thấy tài xế rước, dù cho anh ấy nhắn tin bảo đang đến. Không thể đợi được nữa, tôi phải mở ứng dụng khác thì được báo giá 47.000 đồng, chỉ ít phút sau là có tài xế đến đón”, anh phàn nàn.

Anh Ngọc cho biết thêm, trường hợp Grab âm thầm tăng giá, đôi khi đắt gấp đôi so với các hãng khác không phải là chuyện đầu tiên anh gặp phải. Sau những trải nghiệm không tốt gần đây, anh quyết định chia tay hãng công nghệ có trụ sở ở Singapore này.

Tương tự, chị Ái Như (quận 2) cho biết, vì giá Grab chênh lệch rất cao so với một số hãng khác nên điện thoại chị lúc nào cũng có sẵn vài ứng dụng bắt xe để so sánh giá. Theo chị, đây là kinh nghiệm mà những ai thường sử dụng xe công nghệ nên lưu ý để không bị “tự nhiên” mất tiền.

“Có lần tôi đặt xe 4 chỗ từ đường Lê Duẩn (quận 1) về nhà ở quận 2, đoạn đường không hề xa nhưng Grab báo giá 250.000 đồng, trong khi đó ứng dụng mới ra  chỉ 80.000 đồng. Rõ ràng, Grab gấp 3 lần thì tôi dại gì phải đi, trong khi thời gian gần đây, chất lượng hãng xe này ngày càng giảm”, chị nói.

Không chỉ anh Ngọc, chị Như, hiện có rất nhiều khách hàng bức xúc về việc Grab tăng giá vô tội vạ sau khi đánh bật Uber. Cụ thể, nhiều người “tố” rằng, mặc dù không vào giờ cao điểm nhưng giá của hãng xe vẫn ở mức cao hơn từ 20-25% so với trước đây.

Ngọc Anh, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, thường đi GrabBike đến trường thay vì xe buýt. Nữ sinh viên cho biết trước đây, đoạn đường từ nhà đến trường chỉ 20.000 đồng, nhưng hơn một tháng nay, giá luôn neo ở mức 25.000 đồng, tức tăng 20% mỗi cuốc.

“Do đi cuốc ngắn nên số tiền chênh lệch này không quá cao. Đồng thời, tôi cũng dùng thử ứng dụng khác, giá có thấp hơn thật nhưng nhiều lúc không có tài xế đón nên cũng rất bất tiện”, Ngọc Anh nói.

Grab báo đợi 8 phút, thực tế 45 phút mới có xe

Ngoài  phàn nàn về giá cước tăng chóng mặt, nhiều khách hàng cùng lên tiếng về chất lượng dịch vụ của Grab, nhất là “điệp khúc” chờ - hủy.

Đặt một cuốc Grab từ nhà ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) sang một rạp chiếu phim ở đường Quốc Hương (quận 2), chị Quỳnh Như phải trả gần 130.000 đồng cho một quãng đường chưa tới 5 km. Đáng nói hơn, chị Như phải đặt đến lần thứ 3 mới có chuyến, vì 2 lần đặt trước đó đều bị huỷ không lý do.

Phi Grab cao gap 3 lan hang khac,  Phi Grab tang tai xe tu huy cuoc, anh 1
Nhiều khách hàng nghi ngờ việc độc quyền trên thị trường khiến Grab tăng giá trong khi chất lượng dịch vụ có phần giảm. Ảnh: Quỳnh Trang.

Đợi xe nửa tiếng, trong khi app báo chỉ 8 phút, chị Như càng sốt ruột hơn khi suất phim mình đặt sắp sửa chiếu. “Tôi phải chờ thêm 15 phút nữa vì anh tài xế không biết đường. May là mới bỏ lỡ 20 phút phim, nếu sau này có việc gì quan trọng bắt Grab kiểu này chắc tôi chào thua”, chị lắc đầu.

Vẫn là chuyện hủy chuyến, anh Hải (quận 3) cho biết dù phải “huy động” cùng lúc 3 điện thoại để đặt 3 chuyến GrabCar cho đại gia đình gồm 12 người đi ăn tối nhưng cả 3 xe đều hủy không đón. 

“Hai tài xế không hề phản hồi với chúng tôi, một người hủy chuyến vì thời tiết. Dẫu biết Sài Gòn đang vào mùa mưa, nhưng với kiểu buồn vui thất thường thế này, tôi không thể hài lòng được. Nếu có một hãng khác, tôi sẵn sàng đi thay thế Grab”, anh bức xúc.

Trong khi đó, chị Bích Trâm (nhân viên văn phòng, quận 5) lại nhiều lần đối mặt với tình trạng tài xế nhận cuốc từ mình nhưng… rước người khác. Chị kể, có một lần, sau khi được báo nhận chuyến, chị phải chờ hơn 20 phút sau xe mới đến với lý do chờ… trả khách cũ.

“Một lần khác, khi tài xế báo nhận thì tôi theo dõi trên ứng dụng thấy đã khá gần mình rồi. Chỉ ít lâu sau, thấy xe đi đâu xa lắc luôn. Thật mất thời gian với những cuốc như vậy. Tôi từng rất hài lòng về Grab nhưng dạo gần đây phải nghi ngờ về chất lượng của hãng này”, chị bày tỏ.

Chị Trâm cho rằng Grab đang độc quyền trên thị trường ở mảng hoạt động này khiến chất lượng dịch vụ có phần đi xuống gần đây. Trong khi đó, một số ứng dụng khác ra đời với giá rẻ hơn nhiều nhưng số lượng tài xế chưa đủ đáp ứng.

Tương tự, anh Thịnh (nhân viên văn phòng, quận 1) bày tỏ: “Ứng dụng Uber tôi đã xóa rồi, nay xóa luôn Grab thì biết chọn gì đây? Vato mới đi vào hoạt động, lúc được lúc không. Tôi không “quay lưng” với Grab nhưng nếu không hài lòng về chất lượng tôi phải lên tiếng. Quan trọng là các hãng có lắng nghe ý kiến người tiêu dùng không”.

Grab nói gì?

Trong buổi gặp mặt báo chí vào đầu tháng 5 năm nay, Giám đốc Grab Việt Nam Jerry Lim cho biết mức phí của Grab đã tăng nhẹ so với trước đây, và nói thông tin tăng giá này đã được gửi đến email của từng khách hàng từ năm 2017.

"Năm 2017, giá xăng đã tăng 6 lần. Chúng tôi tăng cước là để công bằng với các đối tác. Bởi tài xế than phiền giá xăng tăng nhưng cước vẫn không thay đổi", ông giải thích.

Phi Grab cao gap 3 lan hang khac,  Phi Grab tang tai xe tu huy cuoc, anh 2
Trước đó, cuối tháng 3, sự ra đi của Uber tại thị phần Việt Nam khiến nhiều khách hàng tiếc nuối. Ảnh: Phúc Minh.

Ông Jerry cũng cho biết thêm, mức giá hãng đưa ra chỉ cao hơn vào giờ cao điểm khi cùng lúc có nhiều khách hàng lựa chọn dịch vụ. Ngược lại, vào các thời điểm khác trong ngày, giá vẫn ổn định như bình thường.

Về những phàn nàn của khách hàng liên quan chất lượng dịch vụ, nhất là thái độ, tác phong không tốt của tài xế cũng như việc hủy cuốc, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết, theo kết quả khảo sát, đa phần tài xế đều ngại rước khách vào mùa mưa.

Theo ông, nguyên nhân của việc này là do nhiều tuyến đường ở TP.HCM hay ngập nước vào mùa mưa, thậm chí chỉ là các cơn mưa nhỏ. Vì vậy, tài xế khá “ngán” những cuốc xe trong tình hình thời tiết thế này bởi xe có thể bị hỏng, tốn nhiều chi phí sửa chữa.

"Tôi cảm thông với khách hàng về vấn đề này. Grab đang cố gắng tăng cường chất lượng nền tảng của công ty ở cả 2 mặt, là tài xế lẫn khách hàng. Theo đó, các tài xế nếu hủy chuyến mà không có lý do chính đáng, hoặc có quy tắc ứng xử không phù hợp sẽ bị treo app, buộc học lại các quy định", ông Jerry Lim nói.

Ông cũng cho biết không chỉ khách hàng phàn nàn về sự đi xuống của chất lượng tài xế mà chính các tài xế cũng có các phàn nàn khi thường xuyên bị hủy cuốc. 

Trước đó, cuối tháng 3, Grab công bố mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trước thương vụ này, nhiều người dùng nghi ngại việc Grab sẽ độc chiếm thị trường “xe ôm, taxi công nghệ” trong nước bởi các hãng taxi truyền thống, ứng dụng bắt xe còn quá mới, không thể cạnh tranh.

Bộ Công Thương điều tra tiếp dấu hiệu phạm pháp của vụ Grab mua Uber

Sau khi kết thúc điều tra sơ bộ thương vụ Grab mua lại Uber tại Việt Nam và thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Bộ Công Thương tiếp tục tiến hành điều tra chính thức.

Grab nhận nhiều phàn nàn về chất lượng tài xế sau khi mua Uber

Giám đốc Grab Việt Nam cho biết hãng đã tăng cước phí các dịch vụ vận chuyển từ 2017, do giá xăng tăng liên tục. Hãng cũng đang thảo luận phí phạt với khách hàng hủy chuyến.

Vắng Uber, Grab được thể 'hét giá'? Nhiều khách hàng than phiền việc Uber rút khỏi thị trường Việt Nam đang khiến Grab tự động tăng giá gần gấp đôi.


Kho 'luot song' nha dat nam 2025 hinh anh

Khó 'lướt sóng' nhà đất năm 2025

0

Sau một năm nhiều biến động, thị trường bất động sản được dự báo bước vào nhịp nghỉ. Đây cũng là thời điểm cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp phát triển thị trường bền vững hơn.

Phúc Minh

Bạn có thể quan tâm