Quá trình truy tìm nguồn gốc SARS-CoV-2 đã đưa nhóm nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến các trang trại cung cấp thịt động vật hoang dã ra thị trường Trung Quốc - nơi phát hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên trên thế giới.
Tuy nhiên, các nhà khoa học dường như lâm vào bế tắc khi hầu hết động vật nuôi nhốt ở những trang trại nói trên đều đã biến mất.
Truy tìm vật chủ trung gian
Những nông dân nuôi và đánh bẫy động vật hoang dã ở vùng đồi núi gần biên giới với Lào và Myanmar cho biết họ đã tiêu hủy, bán và thả hết vật nuôi theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc vào đầu năm 2020.
“Chính phủ đã mua lại và tiêu hủy hết (động vật hoang dã)”, Yang Bo (40 tuổi), một nông dân ở tỉnh Vân Nam, cho biết.
Trang trại của ông Yang nằm ở huyện Vĩnh Xương, miền Tây Nam tỉnh Vân Nam. Theo nhóm điều tra của WHO, địa phương này là nơi cung cấp thịt chuột cho chợ buôn bán hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi ghi nhận cụm dịch Covid-19 đầu tiên.
Tuy nhiên, ông Yang khẳng định ông không cung cấp thịt động vật hoang dã ra thị trường.
Nhân viên y tế bắt được một con kỳ giông khổng lồ được cho là xổng từ chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, Trung Quốc vào năm 2020. Ảnh: AP. |
Các nhà khoa học cho rằng việc đóng cửa các trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã như trường hợp của ông Yang là giải pháp cần thiết để ngăn lây lan mầm bệnh. Tuy nhiên, giới chức sở tại chỉ nên áp dụng biện pháp này sau khi kiểm tra kỹ lượng số động vật và công nhân của trang trại.
Giờ đây, vì hầu hết động vật nuôi nhốt ở những trang trại nói trên đều đã biến mất, nhóm điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 dường như đi vào ngõ cụt khi không thể kiểm chứng xem liệu chủng virus này có thực sự được lây từ động vật sang người hay không.
Điều này càng khiến một số nước phương Tây tin rằng virus corona vốn bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán, theo Wall Street Journal.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của WHO và nhiều nhà khoa học khác cho rằng giả thuyết SARS-CoV-2 lây từ động vật sang người vẫn là suy đoán hợp lý nhất.
Một thành viên nhóm điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 của WHO. Ảnh: Reuters. |
Không còn nhiều thời gian
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng virus corona có tỷ lệ lây nhiễm cao đối với các loại động vật hoang dã được bán tại chợ ở Vũ Hán.
Do đó, các nhà khoa học cho rằng bước tiếp theo trong hành trình truy tìm nguồn gốc SARS-CoV-2 phụ thuộc vào việc xác định liệu những người từng nuôi nhốt động vật hoang dã nói trên có mắc Covid-19 hay không, đồng thời tìm hiểu thêm về cách họ xử lý số vật nuôi bị buộc phải tiêu hủy.
Dẫu vậy, nhóm điều tra hiện không còn nhiều thời gian, bởi số kháng thể tồn tại trong cơ thể người nhiễm SARS-CoV-2 ngày càng giảm dần theo thời gian.
Peter Daszak, một nhà động vật học thuộc phái bộ điều tra của WHO, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal rằng bằng chứng về sự lây nhiễm SARS-CoV-2 ở những người nông dân nuôi nhốt động vật hoang dã sẽ khó tìm hơn nhiều sau 2-3 năm.
Peter Daszak, một nhà động vật học thuộc phái bộ điều tra của WHO. Ảnh: The Australian. |
“Sẽ khó đạt được bất kỳ bước tiến nào nếu không thể xét nghiệm mẫu động vật từ các vật chủ trung gian tiềm năng được thu thập tại thời điểm ghi nhận những ca mắc Covid-19 đầu tiên”, nhà virus học Martin Beer của Đức nhận định.
“Việc xét nghiệm hiện tại sẽ không cung cấp bất kỳ thông tin hữu ích nào vì chúng không cho biết nguyên nhân người bệnh bị lây nhiễm virus”, ông Beer nói thêm.
Maureen Miller, một nhà dịch tễ học tại Đại học Columbia, cho biết việc xét nghiệm trên động vật nên được thực hiện sớm. Điều này có thể giúp xác định loài động vật đầu tiên lây nhiễm virus corona sang người.
“Có lẽ quá trình này đã xảy ra cách đây rất lâu nên chúng tôi sẽ không bao giờ biết đó là loài động vật nào”, bà Miller nói.
Việc chưa xác định được vật chủ trung gian của SARS-CoV-2 có thể khiến cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19 khó khăn hơn, đồng thời ngăn cản giới khoa học trong việc tìm cách ngăn chặn các dịch bệnh tương tự trong tương lai.
Sự bế tắc này cũng có nguy cơ trầm trọng hóa mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và một số quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Những nước này vốn kỳ vọng Bắc Kinh tạo điều kiện để WHO tổ chức một cuộc điều tra kịp thời, minh bạch và có đầy đủ cơ sở khoa học về nguồn gốc của SARS-CoV-2.
Nhà virus học người Hà Lan Marion Koopmans đưa ra khả năng rằng SARS-CoV-2 đã lây trực tiếp từ dơi sang người mà không qua vật chủ trung gian.
Bởi lẽ, theo bà Koopmans, nếu chủng virus này lưu hành rộng rãi ở một hoặc nhiều loài động vật tiếp xúc gần với con người, nhiều khả năng Trung Quốc đã ghi nhận nhiều đợt bùng phát Covid-19 chứ không chỉ mỗi ổ dịch ở Vũ Hán.
“Chúng tôi (nhóm điều tra của WHO) chưa tìm thấy nhiều điểm sáng mới ở Trung Quốc”, bà Koopmans nói. “Nếu vật chủ trung gian của SARS-CoV-2 là một loài động vật gần gũi và phổ biến, chúng tôi hẳn đã đạt được nhiều bước tiến mới”.