Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Không có tuần trăng mật cho bà Meloni

Bà Giorgia Meloni sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Italy, nhưng cũng như những người tiền nhiệm, bà sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn để vực dậy nền kinh tế nước này.

lam phat chau Au anh 1

Tại thành phố Salerno ở vùng Campania, phía nam Italy, ông Mario Conte điều hành một bếp ăn dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Cơ sở của ông Conte phục vụ khoảng 140 suất ăn mỗi ngày. Sau chiến thắng của bà Giorgia Meloni và liên minh thiên hữu trong cuộc bầu cử vừa qua, ông Conte tỏ rõ sự lo ngại rằng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn với những người có thu nhập thấp, theo AFP.

Chiến thắng của bà Meloni sẽ lập dấu mốc Italy lần đầu tiên có một nhà lãnh đạo cực hữu kể từ sau Thế chiến II, ở lục địa già vốn đã lo lắng về sự chuyển mình của phe cánh hữu trong khu vực, theo New York Times.

lam phat chau Au anh 2

Bếp ăn từ thiện của ông Conte tại thành phố Salerno. Ảnh: AFP.

Lo lắng

Italy là một trong 6 nước Liên minh châu Âu (EU) không có mức lương tối thiếu, và từ năm 2019 áp dụng một chương trình có tên gọi là "Thu nhập Cơ bản" (reddito di cittadinanza) - một dạng đảm bảo thu nhập tối thiểu cho mọi người dân.

Gần 2,5 triệu người dân Italy dựa vào chương trình này để nhận hỗ trợ thất nghiệp, với mức trợ cấp mỗi tháng trung bình là 550 euro.

Phần lớn trong số này, khoảng 1,7 triệu người, sinh sống ở chủ yếu ở phía nam đất nước, nơi có 10% các hộ gia đình sống ở mức nghèo. Ngân sách Italy phải bỏ ra 8,3 tỷ euro để tài trợ cho chương trình trong năm nay.

Khoản trợ cấp này đã trở thành một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất trong chiến dịch tranh cử. Giới chủ lao động cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến họ không thể tuyển nhân viên, và cáo buộc giới trẻ chọn cách ngồi nhà nhận trợ cấp thay vì đi làm.

Đảng Những người anh em của nước Ý (FdI) của bà Meloni thậm chí đe dọa sẽ xóa bỏ chương trình trợ cấp này nếu họ giành thắng lợi.

Đó chính là nguồn cơn cho sự lo lắng của ông Conte. Theo người đàn ông 70 tuổi này, chương trình Thu nhập Cơ bản đã giúp nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo đói, và trong một thời gian dài, nhiều người đã không còn phải đến với bếp ăn từ thiện của ông. Nhưng giờ đây, rất có thể mọi thứ sẽ lại trở về như xưa.

"Sẽ có rất nhiều người đổ đến đây", ông Conte nói khi múc thức ăn cho mọi người trong căn bếp từ thiện của mình, mang tên San Francisco, nằm cách bờ biển đầy cọ của Salerno không xa.

Ngay cả trước khi cuộc bầu cử diễn ra, người dân Italy đã phải chật vật với việc giá cả leo thang, đặc biệt là sau khi chiến sự nổ ra tại Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt. Italy từ lâu đã phụ thuộc vào khí đốt Nga, có thời điểm chiếm tới khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của nước này.

Giá gas tăng vọt khiến nhiều người Italy không thể trả nổi hóa đơn năng lượng. Nhiều cuộc biểu tình, đốt hóa đơn gas đã xảy ra ở Naples, cách Salerno không xa về phía bắc.

Theo tổ chức Quan sát Nghèo đói của Italy, vùng Campania là nơi có nhiều người gặp khó khăn nhất của cả nước trong việc trả hóa đơn tiền điện và tiền gas.

"Tôi trả tiền thuê nhà, tiền điện và thế là hết, không còn lại gì để mua thức ăn", ông Antonio Mela, một người đến với bếp ăn từ thiện của ông Conte, chia sẻ.

Năm nay 60 tuổi, ông Mela từng làm nhân viên pha chế và nay đã về hưu. Ông sống cùng anh trai mình và nhận được 500 euro tiền trợ cấp mỗi tháng.

"Ai ở đây cũng đang phải vật lộn", ông Mela nói khi lấy thức ăn.

lam phat chau Au anh 3

Với chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua, bà Giorgia Meloni sẽ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Italy. Ảnh: AP.

Ông Rocco Papa là phát ngôn viên của tổ chức từ thiện Công giáo Caritas, chuyên giúp điều hành các bếp ăn dành cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Theo ông, tình trạng thiếu việc làm ở Salerno là một căn bệnh "kinh niên", khi mà cứ 13 người ở thành phố thì một người phải đối mặt với nghèo đói cùng cực.

"Sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm đại dịch, xung đột, đã làm trầm trọng thêm tình hình", ông Papa nói thêm.

Thủ tướng mới, vấn đề cũ

Mặc dù đây là câu chuyện quen thuộc trên khắp châu Âu, vấn đề tại Italy trở nên nghiêm trọng hơn khi một bộ phận lớn người lao động ở quốc gia này có tay nghề thấp, và dân số Italy cũng đang già đi nhanh chóng, theo DW.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Italy là nước duy nhất trong nhóm này có mức lương trung bình giảm đi trong giai đoạn 1990-2020, sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát.

Bếp ăn từ thiện của ông Conte đang dần dần phải đón những gương mặt mới, từ những người đàn ông ly dị vợ cho đến những người thất nghiệp hoặc có thu nhập không đủ sống.

Số lượng các bếp ăn tương tự như của ông Conte ở thành phố Salerno đã tăng gấp đôi trong vòng vài tháng qua. Trong khi đó, một bếp ăn được điều hành bởi tổ chức Caritas tại Castellammare, ngoại ô Naples, đã chứng kiến lượng khách tăng gấp 3.

Mặc dù liên minh của bà Meloni đã giành chiến thắng, quá trình thành lập chính phủ nhiều khả năng sẽ mất khoảng một tháng. Trong thời gian đó, Thủ tướng Mario Draghi sẽ tiếp tục nắm quyền và đệ trình bản dự trù ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo lên EU, thời hạn cho việc này là giữa tháng 10.

Theo bản đề xuất này, GDP của nền kinh tế lớn thứ 3 EU sẽ chỉ tăng 1% vào năm 2023 - mức giảm đáng kể so với con số 6,5% của năm 2021 và 3,3% được dự đoán của năm nay. Hãng xếp hạng quốc tế Fitch thậm chí nhận định kinh tế Italy sẽ giảm 0,7% vào năm 2023.

Một nền kinh tế tăng trưởng thấp cũng có nghĩa là bà Meloni sẽ có ít dư địa tài chính hơn cho chương trình nghị sự của mình, bao gồm các biện pháp can thiệp khẩn cấp để giúp các gia đình và doanh nghiệp Italy đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như cú sốc lạm phát.

Năm nay, chính phủ Italy đã chi nhiều tiền hơn bất cứ quốc gia nào khác trong EU - khoảng 66 tỷ euro, tương đương 3% GDP - cho việc giảm thuế và trợ giá năng lượng. Các biện pháp này sẽ hết hạn vào tháng 11.

lam phat chau Au anh 4

Người dân ở Naples biểu tình và đốt hóa đơn tiền điện hồi tháng này. Ảnh: ANSA.

Cải cách lương hưu cũng là một vấn đề nan giải với chính phủ mới. Hồi năm 2011, chính phủ Italy đã thông qua việc tạm thời giảm tuổi nhận lương hưu từ 67 xuống còn 64 tuổi, nhưng chương trình này sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Ông Matteo Salvini, đồng minh thân cận của bà Meloni trong liên minh vừa giành thắng lợi, đã tuyên bố với cử tri rằng sẽ đảm bảo độ tuổi nhận lương hưu luôn là 64.

Thêm vào đó, vì lương hưu của Italy được ghìm vào chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát cao sẽ khiến ngân khố quốc gia thêm hao hụt. Đó là chưa kể việc dân số già đi nhanh chóng sẽ khiến vấn đề trầm trọng hơn nữa.

Vào lúc này nợ công của Italy đang ở mức 152,6% GDP, cao thứ 2 trong EU chỉ sau Hy Lạp.

Người phụ nữ khiến cả châu Âu lo lắng

Giới lãnh đạo châu Âu đang lo lắng và thận trọng dõi theo bà Giorgia Meloni khi người phụ nữ này có khả năng thành nhà lãnh đạo cực hữu đầu tiên của Italy kể từ sau Thế chiến II.

Bà Meloni tuyên bố lãnh đạo chính phủ mới của Italy

Bà Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng Brothers của Italy dẫn đầu liên minh cánh hữu, ngày 26/9 đã công bố liên minh cầm quyền mới của nước này.

Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm