Bà Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng cực hữu FdI, tươi cười tại "tổng hành dinh" của đảng hôm 25/9. Ảnh: AP. |
Theo cuộc thăm dò của hãng phát thanh - truyền hình RAI sau bầu cử, liên minh cánh hữu do đảng cực hữu Anh em Italy (Fratelli d'Italy - FdI) dẫn đầu sẽ giành thắng lợi áp đảo khi giành 41-45% số phiếu bầu, bỏ xa liên minh cánh tả với chỉ 25,5-29,5% số phiếu bầu.
Trong đó, đảng FdI chiếm tới gần 60% tổng số phiếu bầu của liên minh, Guardian dẫn kết quả sơ bộ được công bố sau khi hơn 99% khu vực bầu cử hoàn thành kiểm phiếu.
Với kết quả này, bà Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng FdI, có khả năng trở thành tân thủ tướng Italy.
“Người dân Italy đã gửi đi thông điệp rõ ràng ủng hộ một chính phủ cánh hữu do đảng Anh em Italy lãnh đạo”, bà Meloni nói trong buổi lễ mừng chiến thắng, theo AFP.
Dù vậy, kết quả này làm nhiều chính trị gia Liên minh châu Âu (EU) lo ngại sẽ khiến phe dân túy và dân tộc chủ nghĩa cánh hữu có thêm lực lượng trong khối, ảnh hưởng đến các chính sách và giá trị mà châu Âu theo đuổi.
Chân dung nhà lãnh đạo mới của Italy
Sinh năm 1977, bà Meloni gia nhập tổ chức thanh niên của đảng tân phát xít Phong trào Xã hội Italy (MSI) từ năm 15 tuổi. Sau đó, bà trở thành lãnh đạo phong trào sinh viên của đảng Liên minh Dân tộc (AN) - đảng kế tục của MSI.
Năm 1998, bà trở thành ủy viên hội đồng tỉnh Rome. 8 năm sau, bà được bầu vào Quốc hội Italy, trước khi được cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi bổ nhiệm làm bộ trưởng Thanh niên năm 2008. Ở độ tuổi 31, bà là vị bộ trưởng trẻ nhất Italy khi đó.
Năm 2012, bà cùng phe cánh hữu trong đảng Nhân dân Tự do (PdL) của ông Berlusconi tách ra thành lập đảng FdI - động thái được cho sẽ giúp liên minh cánh hữu thu hút thêm phiếu bầu. Hai năm sau, bà trở thành lãnh đạo đảng.
Trong khi truyền thông Italy thường chỉ đề cập đến FdI như một đảng cánh hữu, chính đảng này đôi khi bị truyền thông quốc tế miêu tả là “hậu phát xít”. Do nhiều lãnh đạo đảng - bao gồm bà Meloni - từng là thành viên của MSI và AN, FdI được coi là “người thừa kế” của hai tổ chức chính trị trên, bất chấp họ không phải đảng kế tục trực tiếp.
Ảnh hưởng của MSI lên FdI không khó nhận thấy. FdI vẫn giữ khẩu hiệu phát xít “Thiên chúa, gia đình, tổ quốc”, trong khi logo của họ vẫn có biểu tượng ngọn lửa ba màu của MSI, Local cho biết. Biểu tượng này vẫn được giữ lại bất chấp sự phản đối của nhiều đảng viên, bao gồm bà Rachele Mussolini, cháu gái trùm phát xít Benito Mussolini.
Bà Meloni tuyên bố “chủ nghĩa hoài niệm” phát xít không có chỗ đứng trong đảng FdI. Bà cũng kiên quyết phủ nhận đảng của bà là “phát xít”, mà chỉ tự nhận mình thuộc phe cánh hữu.
Dù vậy, một số đảng viên dường như không muốn che giấu cảm tình với chủ nghĩa phát xít. Hôm 20/9, FdI phải đình chỉ tư cách thành viên của ông Calogero Pisano, lãnh đạo đảng tại Sicily, sau khi người này có bài đăng ca ngợi Adolf Hitler.
Cơ quan công tố Milan cũng đã mở cuộc điều tra sau khi một ứng viên của đảng chào kiểu phát xít. Trước đó, tháng 10/2021, lãnh đạo của FdI tại Nghị viện châu Âu phải từ chức khi bị phát hiện có liên hệ với các tổ chức tân phát xít.
Giới phân tích đánh giá FdI sẽ theo đuổi chính sách bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa nếu lên nắm quyền. Bà Meloni cũng được biết đến với quan điểm hoài nghi châu Âu, chống nhập cư và đề cao giá trị của gia đình truyền thống.
Dù vậy, chính trị gia này cũng khẳng định cam kết áp dụng chính sách tài khóa thận trọng, cũng như giữ đoàn kết trong khối EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc ủng hộ Ukraine.
“Tôi đã đọc được bình luận rằng chiến thắng của FdI vào tháng 9 sẽ là thảm họa, là sự chuyển hướng sang chủ nghĩa độc tài, khiến Italy rời khu vực đồng euro và những điều vô nghĩa khác. Chúng đều không phải là sự thật”, bà Meloni tuyên bố trong một video bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.
Sự lo ngại của châu Âu
Trong những năm qua, chiến thắng của các chính đảng có xu hướng dân tộc chủ nghĩa cánh hữu tại các nước thành viên EU - tiêu biểu là Hungary và Ba Lan - là vấn đề khiến Brussels đau đầu.
Những người ủng hộ ông Viktor Orban - vị thủ tướng theo thiên hướng dân túy của Hungary - cho rằng bà Meloni là đồng minh tiềm năng trong “cuộc chiến” với đội ngũ lãnh đạo EU.
“Ông Orban có thể dựa vào sự ủng hộ của Italy trong các tranh chấp liên quan đến pháp quyền tại EU”, ông Zoltán Kiszelly, một nhà phân tích tại Quỹ Századvég - viện nghiên cứu có quan điểm ủng hộ chính phủ Hungary - nói với Reuters.
Giống với Hungary, các quan chức Ba Lan cũng tỏ ra vui mừng. “Các đảng cánh hữu đang được ủng hộ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây là cơ hội để chỉnh sửa chính sách của châu Âu”, ông Zdzisław Krasnodębski, thành viên Nghị viện châu Âu từ đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền tại Ba Lan, tuyên bố.
Mới đây nhất, đảng Dân chủ Thụy Điển theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cánh hữu cũng gây chấn động khi giành 73 ghế trong cuộc tổng tuyển cử tháng 9 này và trở thành đảng lớn thứ hai trong Quốc hội Thụy Điển.
Tuy nhiên, với tư cách thành viên sáng lập, quốc gia đông dân thứ ba và nền kinh tế lớn thứ ba EU, cũng như thành viên nhóm G7, Italy có sức nặng đặc biệt.
Ngay từ trước cuộc bầu cử tại Italy, giới lãnh đạo EU đã phát đi lời cảnh báo nếu chính quyền mới của Italy “nối gót” Budapest và Warsaw.
“Đối với bất cứ chính phủ dân chủ nào mong muốn làm việc cùng chúng tôi, chúng tôi sẽ hợp tác”, bà von der Leyen nói. “Nếu mọi chuyện chuyển biến theo chiều hướng khó khăn hơn - tôi đã đề cập đến Hungary và Ba Lan - chúng tôi sẽ có các biện pháp”.
Các nhà lãnh đạo tại Brussels, Paris và Berlin lo ngại các đảng dân tộc chủ nghĩa cánh hữu có thể xây dựng một “mặt trận dân túy” để tác động đến quá trình ra quyết sách của EU. Tạp chí Stern của Đức thậm chí đăng hình bà Meloni lên trang bìa cùng dòng chữ “Người phụ nữ nguy hiểm nhất châu Âu”.
Trong khi đó, ông Marcon được cho đã bày tỏ với các quan chức châu Âu về chiến thắng của đảng FdI. Dù vậy, khi phát biểu công khai, ông vẫn bày tỏ sự lạc quan về tương lai của quan hệ Pháp - Italy.
“Mọi con mắt đều đang đổ về Rome”, một quan chức EU nói với Reuters.