Ngày 13/11, trả lời Zing.vn về hiện trạng bờ sông Sài Gòn bị lấn chiếm, hẻm ra sông ở phường Thảo Điền, quận 2, bị rào chắn, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định quan điểm của TP là không cho phép các công trình biến hẻm, bờ sông thành của riêng.
Tuy nhiên, ông thừa nhận việc quản lý kém khiến việc quy hoạch bờ sông hiện tại gặp nhiều khó khăn.
Những căn biệt thự đua nhau vươn ra, chiếm bờ sông Sài Gòn. Ảnh: Lê Quân. |
Xử lý mạnh tay với sai phạm
Dẫn quy định về quản lý hành lang sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM ban hành năm 2004, ông Võ Văn Hoan cho biết bờ sông Sài Gòn phải có hành lang rộng 30-50 m mỗi bên.
Tuy nhiên, các quy định trước đó chỉ yêu cầu chiều rộng hành lang sông Sài Gòn là 10-20 m mỗi bên.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: Quang Huy. |
"Việc quy hoạch không đồng nhất giữa thời kỳ trước và sau, việc quản lý kém khiến bờ sông Sài Gòn gặp tình trạng bị lấn chiếm như hiện tại", ông Võ Văn Hoan thừa nhận.
Quy hoạch không đồng nhất giữa thời kỳ trước và sau, việc quản lý kém khiến bờ sông Sài Gòn gặp tình trạng bị lấn chiếm như hiện tại
Ông Võ Văn Hoan
Cụ thể, khi còn Văn phòng Kiến trúc sư trưởng, TP.HCM có quy định mép bờ cao, hành lang bảo vệ sông, kênh rạch nhỏ hơn hiện nay. Khi đó, nhiều dự án đã được cấp phép và xây theo quy định cũ, TP.HCM buộc phải chấp nhận để các công trình ấy tồn tại.
Lãnh đạo UBND TP.HCM thông tin thêm đối với các công trình xây dựng vi phạm hành lang sông sau thời điểm có quy định mới sẽ không được giữ nguyên.
Đối với những dự án đã tồn tại trước khi có quy định năm 2004, chủ các công trình cần đảm bảo không lấn chiếm thêm so với phạm vi được cấp phép, không được để xảy ra sạt lở bờ sông.
Do các dự án hình thành từ trước khi có quy định hành lang sông, một tuyến được xuyên suốt dọc bờ sông khó thành hình. Ảnh: Lê Quân. |
Về những con hẻm dựng barie cách ly người dân với bờ sông Sài Gòn, ông Võ Văn Hoan cho biết không thể để thực trạng trên tiếp diễn. Lãnh đạo UBND TP.HCM đã giao Thanh tra Sở Xây dựng vào cuộc xác minh rõ và xử lý mạnh tay khi phát hiện sai phạm.
Các rào chắn, barie trên bắt buộc phải tháo dỡ hết. Lối đi công cộng không thể để các doanh nghiệp rào lại
Ông Võ Văn Hoan
"Các rào chắn, barie trên bắt buộc phải tháo dỡ hết. Lối đi công cộng không thể để các doanh nghiệp rào lại", ông Hoan khẳng định.
Thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án phát triển bờ sông, xây dựng chế tài đủ mạnh và xác định trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan quản lý.
Trước đó chia sẻ với Zing.vn bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã nêu quan điểm cần xử lý mạnh tay đối với các công trình xâm phạm không gian công cộng của người dân.
"Thậm chí đập cả khách sạn đi để trả lại không gian cho người dân. Bộ Xây dựng ủng hộ cao việc xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm không gian công cộng, xây dựng sai quy hoạch. Vừa phải bảo đảm quyền lợi của dự án, vừa đảm bảo quyền lợi của người dân, phục vụ không gian công cộng”, ông nói.
Người dân không thể tiếp cận bờ sông tại Thảo Điền
Hiện, hai bên đường Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền, quận 2) là những khu biệt thự, chung cư cao cấp, hàng quán mọc san sát, vươn ra phía bờ sông Sài Gòn. Dù các con hẻm dọc đoạn đường đã được cắm biển, nhiều rào chắn và trạm gác có bảo vệ vẫn mọc lên, ngăn cản người dân tiến về phía bờ sông.
Các barie chặn hẻm công cộng sẽ phải tháo dỡ. Ảnh: Quang Huy. |
Thời gian qua, Zing.vn đăng tải loạt bài nêu thực trạng bờ sông Sài Gòn đoạn qua địa phận phường Thảo Điền bị lấn chiếm, các con hẻm bị ngăn lại thành đường nội khu của các dự án, khu biệt thự, nghỉ dưỡng.
Ngoài các dự án lớn muốn giữ bờ sông làm của riêng, tại những nơi chỉ có những hộ dân nhỏ lẻ sinh sống, nơi tiếp giáp sông cũng được dựng rào gỗ, bên trong là bàn, ghế, cây cảnh, những tiện ích không phải ai cũng có thể sử dụng.
Sau khi tiếp nhận thông tin bờ sông Sài Gòn thuộc địa phận phường Thảo Điền bị lấn chiếm, Chủ tịch UBND quận 2 đã giao Phòng Quản lý Đô thị và Phòng Tài nguyên Môi trường lập đoàn kiểm tra, xác minh hiện trạng và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm hành lang sông.