Các cuốn sách của Vãn Tình được yêu thích là minh chứng cho sự thành công của dòng sách self-help kiểu mới. Ảnh: Bloom Books. |
Vãn Tình là một trong những tác giả tiêu biểu của dòng sách self-help cho phụ nữ. Các ấn phẩm của cô tại Việt Nam đạt được nhiều sự chú ý từ công chúng như Càng bình tĩnh, Càng hạnh phúc; Bạn đắt giá bao nhiêu; Lấy tình thâm mà đổi đầu bạc… Vãn Tình hướng sự tập trung vào những vấn đề hàng ngày mà cô gái nào cũng trải qua. Không đao to búa lớn hay những trải nghiệm rùng rợn, các trang văn của Vãn Tình vẫn chạm đến trái tim độc giả. Vậy điều gì khiến tác phẩm của Vãn Tình trở nên đặc biệt?
Phong cách mới của sách self help
Trường hợp của Vãn Tình cho thấy sự xê dịch trong dòng sách tự lực. Sau những tượng đài như Napoleon Hill hay Dale Carnegie, khái niệm sách self help dần chuyển sang hướng self care (chăm sóc bản thân), self esteem (củng cố sự tự tin).
Các tác giả không cố gắng truyền đạt một tư tưởng to lớn như thành công, hạnh phúc, bình yên, thịnh vượng… bằng một hệ thống lập luận nữa. Thay vào đó, trọng tâm thường hướng vào hành trình tìm kiếm những trải nghiệm mới. Sức nặng của cuốn sách sẽ nằm ở sự chuyển biến nhận thức do trải nghiệm đó mang lại.
Do vậy, phong cách viết cũng dần chuyển từ kết cấu tiểu luận thuyết minh sang tiểu luận tự sự. Tác giả lựa chọn việc kể chuyện càng ngắn gọn càng dễ tiếp cận công chúng. Đôi khi dung lượng câu chuyện chỉ bằng những dòng trạng thái trên Facebook hay bình luận trên YouTube. Nhưng chúng cũng đủ để người đọc hiểu rõ vấn đề.
Ảnh minh họa. Nguồn: Glamour UK. |
Trong trường hợp cửa Vãn Tình, tác giả này luôn lựa chọn phong cách tiểu luận tự sự, dùng câu chuyện của bản thân để nêu lên sự thay đổi, trở mình, trưởng thành trong tình yêu và các mối quan hệ.
Vãn Tình không phải tác giả duy nhất đã nắm bắt đúng xu hướng. Tại Việt Nam chúng ta có tác giả Podcast "Gen Z Tập lớn" Hoàng Phương Linh, hay ở thị trường Trung Quốc có Cú Mèo của lão Dương, thị trường châu Âu và Mỹ lại khá chuộng sách từ người nổi tiếng hay life coaching.
Mục đích các cuốn sách này hướng đến là nâng cao sự tự tin trong cuộc sống vì vậy nếu đưa vào các khái niệm quá lớn lao, độc giả sẽ khó cảm nhận. Hơn nữa, tính cá nhân đang ngày càng được thế hệ Z, Alpha đề cao, việc đưa ra khái niệm chung cần phải tinh tế hơn.
Lối viết tiểu luận tự sự cũng là một cách tốt để lấp đi những điểm yếu của dòng sách self help. Đó là việc truyền bá sự tích cực độc hại. Drezner David (một độc giả đến từ New York) nhận định rằng đem lại sự tích cực cho người đọc là tốt nhưng nếu tích cực tới mức luôn luôn sẵn sàng thất bại, không cần tìm kiếm thành công nữa lại là vấn đề nghiêm trọng. Trái lại với điều đó, tác giả các cuốn sách self esteem thường đưa ra mệnh đề nhắc nhở bản thân sau một trải nghiệm. Nếu người đọc cảm thấy lời nhắc đó phù hợp bản thân họ có thể lựa chọn tiếp nhận và ngược lại.
Không dễ dãi với độc giả
Nghệ thuật của việc đếch quan tâm của Mark Manson là một trong những cuốn self help gây được tiếng vang trong những năm gần đây ở thị trường quốc tế. Cuốn sách cũng đi theo phong cách tiểu luận tự sự nhưng lại lựa chọn đưa ra lời khuyên một cách trực tiếp đến độc giả. Các mệnh đề của cuốn sách có thể bắt gặp ở nhiều cuốn sách tự lực khác nhưng thông điệp của Mark Manson vẫn có một vẻ độc đáo riêng.
Mỗi khi đưa ra một vấn đề, Manson không cho phép độc giả cảm thấy quá dễ để hiểu bức tranh lớn mà mình muốn nói tới. Tình tiết tác giả đưa ra không bị dễ đoán, nhàm chán hay lặp lại ở các chương khác nhau.
Chân dung Mark Manson và cuốn sách Nghệ thuật của việc đếch quan tâm. Ảnh: Universal Studios. |
Một số mệnh đề, câu giễu nhại hay tóm lược tư tưởng của Manson đưa ra có thể dựa trên những triết gia lớn như Socrates, Plato… hay đơn giản phỏng theo một số tác phẩm người Mỹ đã nằm lòng của Mark Twain, Hemingway.
Nếu hiểu được các tư tưởng lớn đó, những câu nói của tác giả trong cuốn sách có thể được xâu chuỗi lại thành một ý tưởng về chủ nghĩa khắc kỷ. Chẳng hạn “Không quan trọng hoàn cảnh, quan trọng là thái độ trước hoàn cảnh”, câu nói cho thấy sự tự do lựa chọn trong mọi tình huống đúng với tinh thần Socrates. Từ một góc độ ngược lại, chủ nghĩa khắc kỷ có thể được tiếp cận khi tìm hiểu về sự tự do và ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Cuốn sách của Mark Manson trải ra một câu chuyện có tổng thể liền mạch. Độc giả không thể đọc Nghệ thuật của việc đếch quan tâm theo từng chương tách rời hay chỉ chăm chăm lật qua những đoạn tóm lược kiến thức như một số cuốn khác. Dù mục tiêu cuốn sách dành để tiếp cận lớp công chúng rộng nhất có thể nhưng chúng cũng đặt ra những thử thách tiếp cận cho bạn đọc.
Qua trường hợp của Mark Manson có thể thấy, không dễ dãi với độc giả cũng là một cách để tác phẩm self help tự nâng giá trị của mình hơn. Đồng thời, cuốn sách cũng tránh được một lỗi thường bị ghét trong sách self-help là quá phụ thuộc và ý chí đơn thuần, đưa ra niềm tin rằng chỉ cần một câu thần chú là giải quyết vấn đề. Sau khi đọc xong Nghệ thuật của việc đếch quan tâm, độc giả vẫn có thể cảm nhận được dù có làm cách gì thị phi không thể biến mất. Nhưng ai cũng có nhiều sự lựa chọn khác nhau khi đối mặt vấn đề.
Self help là một dòng sách thú vị; qua một khoảng thời gian dài tồn tại, nó ngày càng được nhiều người tìm kiếm hơn. Dòng sách này cũng đang có sự chuyển biến để tiếp cận thế hệ công chúng mới, trong đó các tác giả theo đuổi việc sử dụng tiểu luận tự sự và cố gắng “khó tính” hơn với các độc giả.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.