Các bức ảnh trên không đã thể hiện sự đáng lo ngại về tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu bảo tồn lớn nhất Brazil cho người bản địa. Các nhà hoạt động tin rằng có khoảng 20.000 thợ khai thác vàng đang hoạt động trong khu bảo tồn Yanomami ở miền Bắc Brazil. Họ sử dụng xuồng cao tốc và máy bay hạng nhẹ để xâm nhập vào khu vực gần biên giới Venezuela. |
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bị buộc tội khuyến khích tội phạm môi trường. Ông đã phàn nàn về quy mô của khu bảo tồn Yanomami và đã tới thăm một ngôi làng ở phía tây nam khu bảo tồn vào ngày 27/5. Đây là lần đầu tiên ông tới thăm một cộng đồng bản địa kể từ khi nhậm chức tổng thống vào tháng 1/2019. Các nhà lãnh đạo Yanomami cho rằng chuyến thăm này là một nỗ lực nhằm thúc đẩy việc khai thác bất hợp pháp trong khu bảo tồn. |
Những hình ảnh được chụp trong tháng 4/2021 cho thấy tác động của những kẻ đào vàng bất hợp pháp đối với vùng đất Amazon rộng 9,6 triệu ha. Một số bức ảnh cho thấy các khu vực rừng thông xanh rập rạp đã bị xóa sổ. Thay vào đó, những mảnh đất trống không xuất hiện cùng với rải rác những cây lớn bị đốn hạ và những ao nước đọng. |
Các đồn điền ven sông của những người đào vàng có cả quán bar, nhà hàng, nhà ở và thậm chí là cả bàn billlard. Trong một số bức ảnh có thể thấy cả máy bay một động cơ và máy bay trực thăng đang đậu bên cạnh các đường băng bí mật gần biên giới Venezuela. Các phương tiện này được sử dụng để đưa công nhân và vật tư, thiết bị vào khu bảo tồn. |
Estêvão Senra, một nhà địa lý đang theo dõi sự mở rộng trái phép của các thợ đào vàng trong lãnh thổ Yanomami, cho biết một "thảm kịch môi trường và con người" đang xảy ra trong khu bảo tồn. Ước tính khoảng 27.000 người Yanomami đang sinh sống trong khu vực này chịu ảnh hưởng bởi thợ đào vàng. Phần lớn người dân bị cô lập với phần còn lại của Brazil. |
Các nhà hoạt động bản địa cho biết đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuối những năm 1980 và 1990. Hàng chục nghìn thợ đào vàng đã đổ xô vào khu bảo tồn. Họ mang theo bạo lực và bệnh tật mà người Yanomami không có sức đề kháng. Vào năm 1993, những người đào vàng đã giết chết 16 người Yanomami trong vụ thảm sát Haximu. |
Dário Kopenawa Yanomami, một nhà lãnh đạo bản địa được sinh ra trong sự kiện thảm khốc đó, cho biết ông sợ lịch sử đang lặp lại: “Tôi lớn lên giữa cuộc xâm lược của 40.000 thợ đào vàng. Họ đã giết gần 20% người dân Yanomami. Chúng tôi đã chịu đựng rất nhiều. Người thân của chúng tôi đã bị thảm sát”. |