Theo Đài quan sát Trái đất của NASA, những gì có vẻ là những dòng sông vàng chảy qua rừng nhiệt đới Amazon ở bang Madre de Dios, phía đông Peru, thực chất là những hố thăm dò, khả năng do các thợ mỏ để lại.
Họ đã công bố bức ảnh do một trong các phi hành gia của họ chụp được từ không gian, CNN đưa tin.
Các hố này thường bị che khuất nên phi hành gia trên ISS không nhìn thấy, nhưng chúng lại nổi bật trong bức ảnh này do ánh sáng Mặt Trời phản chiếu.
Hình ảnh cho thấy sông Inambari và một số hố, bao quanh là các khu vực rừng bị chặt phá đầy bùn lầy.
Hình ảnh cho thấy tác động của việc khai thác vàng tại rừng Amazon ở Peru. Ảnh: NASA. |
Theo NASA, hoạt động khai thác vàng tự do là sinh kế của hàng chục nghìn người ở vùng Madre de Dios. Khai khoáng cũng là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến nạn phá rừng tại khu vực và thủy ngân được sử dụng để khai thác vàng gây ô nhiễm đường thủy, cơ quan này cho biết thêm.
Tiềm năng khai thác vàng tại khu vực đã tăng lên kể từ khi một con đường cao tốc xuyên đại dương được thông xe vào năm 2011, khiến khu vực này dễ tiếp cận hơn.
NASA cho biết con đường này, tuyến đường bộ duy nhất kết nối Brazil và Peru, được xây để thúc đẩy thương mại và du lịch, nhưng "nạn phá rừng có thể là kết quả lớn hơn của đường cao tốc".
Giá vàng tăng trong những năm gần đây đã tạo ra các khu dân cư trong rừng, cùng các nhà thổ và các vụ đấu súng, khi hàng chục nghìn người ở khắp nơi tại Peru lao vào cơn sốt đào vàng hiện đại.
Vào tháng 1/2019, một nghiên cứu khoa học cho thấy nạn phá rừng để khai thác vàng đã phá hủy ước tính gần 9.300 ha rừng Amazon của Peru vào năm 2018, theo nhóm Giám sát Dự án Amazon Andes, được gọi là MAAP. Đây là mức cao nhất tính từ năm 1985.
Năm 2017, ước tính 9.160 ha rừng bị đốn hạ bởi những người khai thác vàng, theo MAAP. Điều này có nghĩa là trong hai năm, hoạt động khai thác vàng đã tàn phá diện tích tương đương hơn 34.000 sân bóng đá của rừng Amazon tại Peru.