Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Không ai giống Tùng Dương

Với khả năng vocal thượng thừa, trong địa hạt Vpop, có lẽ chỉ mình Tùng Dương dám theo đuổi định hướng âm nhạc epic. "Cánh chim phượng hoàng" là ví dụ.

Kể từ album Human phát hành năm 2020, Tùng Dương đã có sự gắn bó mật thiết với producer Nguyễn Hữu Vượng để theo đuổi progressive rock với màu sắc âm nhạc epic (âm nhạc mang tính sử thi hùng tráng). Cùng với các nhạc phẩm trong Human, trong những năm qua Tùng Dương đã hợp tác với Nguyễn Hữu Vượng làm mới các ca khúc Ngày chưa giông bão, Tiến quân ca,... đều cài cắm các yếu tố sử thi trong chất liệu âm nhạc, được sự đón nhận của công chúng.

Epic không phải là chất liệu quá mới mẻ ngay cả ở Việt Nam, tuy nhiên, để theo đuổi lâu dài như Tùng Dương thì thật sự hiếm. Bởi, thể loại này yêu cầu sự hoành tráng, mạnh mẽ cao trong cả mặt âm thanh và giọng hát, mà không phải ai cũng sở hữu vocal khủng như Tùng Dương trong Vpop. Những năm qua, có thể nói Tùng Dương đã ghi được dấu ấn vững chắc với phong cách này.

Năm 2024, Tùng Dương trở lại với một MV được đầu tư công phu về hình ảnh có tên Cánh chim phượng hoàng, tiếp tục theo đuổi trường phái độc nhất vô nhị này của mình. Và anh vẫn làm mọi thứ ở mức ổn trong khả năng của mình.

Điều chỉ có ở Tùng Dương

Cánh chim phượng hoàng không khác quá nhiều so với những sản phẩm khác đến từ bộ đôi Tùng Dương - Nguyễn Hữu Vượng: Mở đầu bài bằng tiếng piano nhẹ nhàng, sau đó đẩy dần tiếng bass dày từ chorus, càng về cuối bài tiếng bass càng mạnh mẽ dồn dập để tạo nên không khí sử thi.

So với các bài hát được phối progressive rock trong Human, Cánh chim phượng hoàng nhẹ nhàng, dễ nghe dễ cảm đối với khán giả đại chúng hơn, tuy nhiên sự hùng tráng đặc trưng của thể loại epic vẫn được Tùng Dương và Nguyễn Hữu Vượng giữ vững, cách triển khai âm thanh cũng không khác biệt quá nhiều. Và đặc biệt, cách xây dựng cấu trúc bài hát cũng như phối khí ở Cánh chim phượng hoàng gần như giữ nguyên từ bản cover Ngày chưa giông bão của anh.

Được biết, ca khúc này là một sáng tác cách đây 3 năm của nhạc sĩ Tú Dưa, với nội dung tôn vinh sự mạnh mẽ, anh hùng bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Bài hát có kết cấu khá đơn giản, ca từ giàu hình ảnh, ẩn dụ, tuy không quá đặc biệt nhưng nằm ở mức an toàn, không có gì để chê trách. Nó cũng phù hợp với những âm thanh epic mà Nguyễn Hữu Vượng xây dựng cho bài, âm nhạc và ca từ kết hợp hài hòa.

Tung Duong anh 1

Tùng Dương cho thấy anh đang đi đầu trong chất liệu âm nhạc sử thi tại Vpop.

Giọng hát của Tùng Dương luôn là điểm sáng nổi bật nhất trong các sản phẩm âm nhạc sử thi như Cánh chim phượng hoàng. Tất nhiên, kỹ thuật là điều không cần phải bàn luận nhiều bởi Tùng Dương đã khẳng định được vị trí của mình sau hơn 20 năm làm nghề. Tuy nhiên, khi đặt giọng hát bùng nổ của anh vào dòng nhạc sử thi, mọi ưu điểm lại càng có dịp được thể hiện rõ nét.

Ở nửa đầu bài khi chủ yếu là những tiếng piano êm đềm, Tùng Dương vận dụng tốt những quãng trung, trầm vang rền, trình bày một cách nhẹ nhàng, tỉ mỉ vuốt chắc từng nốt nhạc. Càng tiến về các phân đoạn điệp khúc, Tùng Dương liên tục sử dụng các nốt cao chắc chắn, khỏe khoắn. Không có những phân đoạn lên tông quá dữ dội như ở Ngày chưa giông bão, Tùng Dương tập trung vào cách xử lý và vận dụng lực để đẩy âm lượng trong vocal ngang bằng với phần sản xuất dày bass ở phía sau.

Việc mời thêm Thanh Lam góp giọng trong chorus cũng là một lựa chọn thông minh. Với giọng hát đầy nội lực và da diết, Thanh Lam là một trong những ca sĩ hiếm hoi có ngọn lửa bùng cháy ngang bằng được với Tùng Dương. Chính vì thế, sự xuất hiện của Thanh Lam không làm thay đổi phong cách chính của toàn bài hát, mà góp thêm một màu sắc thú vị khác cho bài.

Cơ bản, phần lớn bài Cánh chim phượng hoàng đều khá sạch sẽ. Tuy nhiên, bởi đã hợp tác với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Vượng trong một thời gian dài, những cách triển khai bài hát của bộ đôi này đã trở nên quen tai với khán giả. Ở đây, bên cạnh những yếu tố không mới, bộ đôi đã liều lĩnh mang đến một chất liệu khác cho bài, nhưng đáng tiếc nó chưa thực sự hiệu quả.

Phần rap là điểm trừ

Trong những năm gần đây, có thể thấy Tùng Dương có nhiều động thái nhằm tiếp cận nhóm khán giả trẻ cũng như làm mới âm nhạc của mình. Anh thực hiện nhiều bản cover các ca khúc nhạc trẻ, đặc biệt là bản thu âm mới cho Ngày chưa giông bão nhận được sự chú ý lớn.

Trong live show Human của mình, anh cũng mời Thắng (Ngọt) và rapper GDucky để thực hiện những màn kết hợp đặc biệt. Nếu như với Thắng, Tùng Dương chỉ cover các bản nhạc nổi tiếng của Ngọt, thì với GDucky, anh mời rapper này thực hiện một verse rap mới cho ca khúc SOS. Màn kết hợp này khá thành công bởi GDucky có lối rap “gắt”, vừa mạnh vừa trầm rất phù hợp với âm nhạc của Tùng Dương.

Tuy nhiên, đến với Cánh chim phượng hoàng, Tùng Dương lại quyết định mời một cái tên khác, đang được ưa chuộng trên thị trường bởi sự nhẹ nhàng, chân chất, gần gũi là Double2T. Không khó để nhận thấy, phần rap của Double2T lọt thỏm giữa phần hát lồng lộng của Tùng Dương và phần phối khí dày đặc chất sử thi. Tông giọng của nam rapper không đủ sức nặng, đặt cạnh chất giọng xuống trầm thì vang rền lên cao thì chắc nịch của Tùng Dương, nó càng trở nên yếu ớt.

Lời rap của Double2T cũng tỏ ra không ăn nhập khi phần lyrics chính đang ẩn dụ về hình ảnh người phụ nữ qua hình tượng phượng hoàng, thì rapper này quyết định liệt kê một cách thẳng thừng những nữ anh hùng trong lịch sử Việt cùng những phép liên tưởng đã cũ kỹ “Đàn bà Việt Nam là đất, Là nước, là cánh đồng tình mẹ mênh mông”.

Tung Duong anh 2
Nỗ lực kết hợp với rap chưa thực sự thành công của Tùng Dương.

Đặc biệt, phần phối khí càng làm cho phân đoạn rap trở nên rời rạc khi chuyển đoạn quá gấp gáp, không có những âm thanh kết nối cần thiết với phân đoạn trước. Sau khi Double2T rap xong, bài hát lại trở về với những âm thanh giống hệt như trước phân đoạn rap mà không có sự chuyển tiếp nào. Phân đoạn rap giống như được thêm vào một cách máy móc, như một đề bài mà Tùng Dương giao thêm cho Nguyễn Hữu Vượng vào phút chót thay vì là một tính toán được cân nhắc kỹ lưỡng.

Tại Vpop, để tìm một ca khúc mang tính sử thi được sản xuất ổn như Cánh chim Phượng Hoàng không phải dễ, bởi ít có ai dám gắn bó với thể loại này lâu dài như Tùng Dương, và càng ít ai có đủ nội lực trong giọng hát để thể hiện tốt như anh. Nhưng nỗ lực làm mới, tới gần với khán giả trẻ của Tùng Dương cùng Nguyễn Hữu Vượng trong ca khúc này vẫn cần được xử lý tốt hơn nữa.

Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc

Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.

Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.

Nghịch lý Sơn Tùng M-TP

Đã hơn 3 năm kể từ “Muộn rồi mà sao còn”, Sơn Tùng mới quay trở lại với chất nhạc trẻ trung, tươi sáng rực rỡ. Tuy nhiên, “Đừng làm trái tim anh đau” thiếu một chút đột phá.

Nam Trần

Bạn có thể quan tâm