Cuốn Lịch hai mươi mốt thế kỷ. Ảnh: Thành Đông. |
Trong suốt tiến trình phát triển xã hội loài người, cách thức ghi thời gian (lịch học) được xem là một trong những trình độ và thành tựu văn minh quan trọng và cơ bản. Lịch học là kết quả của việc con người nhận thức về thế giới tự nhiên. Thông qua đó, con người có thêm khả năng tìm hiểu về quá khứ, hiểu chính sự tồn tại và phát triển của mình.
Bất cứ một quốc gia hay cộng đồng dân cư nào cũng cần một cuốn lịch thống nhất làm cơ sở cho việc ghi chép thời gian để quản lý xã hội với tiêu chí là các lịch đó phù hợp với tiêu chí là các lịch đó phù hợp với đặc điểm địa lý, văn hóa, nếp sống cũng như tập quán sinh hoạt của cộng đồng dân cư địa phương.
Dấu tích còn lại của lịch Việt Nam
PGS.TS Trần Đức Cường cho biết với ý chí độc lập và tự do cao, người Việt Nam đã tự soạn lấy một lịch riêng để dùng từ rất sớm. Đó là lịch âm.
Theo học giả Hoàng Xuân Hãn thì dưới thời Lý, thời Trần từ năm 1080 đến 1300, ông cha ta đã soạn lấy riêng lịch để dùng.
"Sự tồn tại của Lịch cổ Việt Nam là một sự thật lịch sử, một niềm tự hào của dân tộc, một nét đẹp văn hóa đáng trân trọng trong một thế giới đa văn hóa đang hội nhập; trong khi các nước Đông Nam Á, hoặc dùng lịch Ấn Độ, hoặc dùng lịch Trung Quốc thì Việt Nam ta tự soạn lấy một lịch riêng để dùng từ rất sớm. Điều này được các nhà khoa học nước bạn rất quan tâm", PGS.TS Lê Thành Lân chia sẻ.
Đáng tiếc là tới nay vẫn chưa tìm ra bản lịch này. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã khôi phục được lịch Việt Nam từ năm 1544 đến nay.
Vì lẽ này, Lịch hai mươi mốt thế kỷ được chia làm 2 phần: từ 1543 trở về trước là lịch Trung Quốc, vì chưa tìm thấy lịch Việt Nam; từ năm 1544 về sau là lịch Việt Nam.
Lịch hai mươi mốt thế kỷ là tư liệu lịch sử, thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, lịch học, niên đại học; là công cụ tra cứu, đối chiếu, đòi hỏi tính chuẩn xác và có tính liên ngành, tài liệu có giá trị thông tin cao, toàn diện về nội dung. Công trình có thể cung cấp một khối lượng thông tin đồ sộ, bao gồm Lịch Trung Quốc (0001-1543); lịch Việt Nam (1544-2100); đối chiếu qua lại từng ngày giữa lịch Dương và lịch Âm; tính lịch Can Chi, Tuần lễ, Lịch "sao", ngày Julius.
Tranh La persistència de la memòria của Salvador Dalí. |
Công trình thiết yếu của thời đại
Dù ngày nay, trong quản lý Nhà nước chủ yếu sử dụng lịch dương; trong sinh hoạt tôn giáo, lễ Tết, các sinh hoạt tâm linh, người Việt vẫn tính lịch âm. Ngoài ra, việc dùng can chi để ghi ngày tháng cũng thường được dùng vì tính tiện dụng, do có chu kỳ cố định, và có thể có những cơ sở khoa học khác; các nhà sử học xưa cũng thường dùng can chi để ghi các sự kiện lịch sử quan trọng.
Một điểm được nhà xuất bản lưu ý là các niên biểu, bên cạnh việc ghi nhận tính chính thống của nhà vua và triều đại, còn là hệ thống ghi tên năm của lịch âm xưa, người dùng lịch cần biết rõ nên các nhà nghiên cứu lịch sử đặc biệt quan tâm đến.
Đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và đối chiếu cấp thiết của thế kỷ XXI, công trình xuất bản đầy đủ lịch của 21 thế kỷ, từ năm 1 đến năm 2100, ra đời. Lịch hai mươi mốt thế kỷ của PGS.TS Lê Thành Lân là một tài liệu tham khảo hữu hiệu, có giá trị trong việc nghiên cứu lịch học và lịch pháp ở Việt Nam, đồng thời là một công cụ thỏa mãn nhu cầu ghi chép và quản lý thời gian.
Lịch hai mươi mốt thế kỷ cũng khẳng định sự tồn tại của lịch cổ Việt Nam, rất cần cho việc lưu trữ tư liệu phục vụ cho nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn như nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học, văn học cổ, gia phả học và các khoa học khác. Từ đây, các nhà sử học có thể đối chiếu để biên soạn quốc sử, xác định chính xác mốc thời gian của các sự kiện lịch sử.
Cuốn sách được xếp vào danh sách đề cử Giải thưởng Sách quốc gia, hạng mục Sách Khoa học xã hội và Nhân văn, cho thấy tầm quan trọng của tác phẩm đối với thời đại. Vì mức độ thiết yếu của công trình, Lịch hai mươi mốt thế kỷ cũng sẽ được phát hành trên nền tảng số, giúp thuận tiện cho công tác của đông đảo các nhà sử học, nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu...