Sách "Hồ Chí Minh - Những bài viết và những cuộc tranh đấu". Ảnh: Thành Đông. |
Trong cuốn Hồ Chí Minh - Những bài viết và những cuộc tranh đấu, tác giả Alain Ruscio đã vẽ lên chân dung hoàn chỉnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh - một nhân vật kiệt xuất của một đất nước nhỏ bé mà kiên cường, biến cái không thể thành có thể. Đồng thời, tác giả đưa ra cái nhìn bao quát toàn bộ hành trình sự nghiệp cách mạng của Bác theo trình tự thời gian, tính từ khi Người đặt chân trên nước Pháp năm 1911 cho đến khi đi xa (2/9/1969).
Nghiên cứu hơn 9.000 trang tài liệu theo dõi của Cảnh sát Pháp
Alan Ruscio là nhà báo, nhà sử học người Pháp. Ông đã dành phần lớn cuộc đời nghiên cứu về lịch sử chủ nghĩa thực dân Pháp, Đông Dương, Việt Nam và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cá nhân ông, trước đó đã cho xuất bản hai tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: một là tuyển tập các bài viết của Người, xuất bản năm 1990, hai là ấn phẩm tái bản Bản án chế độ thực dân Pháp, ra mắt năm 1999.
Cuốn Hồ Chí Minh - Những bài viết và những cuộc tranh đấu được Alain Ruscio thực hiện nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/9/1969-2/9/2019). Cuốn sách được hình thành trên cơ sở tổng hợp những tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm nhiều thể loại như bài báo, bài phát biểu, thư từ.
Đặc biệt, tác giả đã nghiên cứu tập hồ sơ giám sát/theo dõi Nguyễn Tất Thành/Lý Thụy/Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh, được lưu trữ tại Kho Lưu trữ quốc gia về vùng hải ngoại của Pháp.
Tập hồ sơ này, gồm hơn 9.000 trang, được xác lập bởi các bộ phận Cảnh sát Pháp ở Đông Dương và chính quốc trong khoảng thời gian 1919-1955. Ngoài ra, cuốn sách cũng chứa đựng nhiều tư liệu của các nhân vật chính trị và bạn bè viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong lời giới thiệu, cũng là lời mở đầu cuốn sách, Alain Ruscio viết: “Có một trăm cách để tồn tại, chỉ có một cách để sống trọn vẹn: vì hạnh phúc của đồng bào. Câu châm ngôn này đã được người thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, lựa chọn làm lẽ sống của mình”.
Lời giới thiệu này không chỉ cho thấy sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ lớn lao của tác giả sách đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn cho thấy góc nhìn bao quát của ông về hành trình sự nghiệp cách mạng của Người.
Nguyễn Ái Quốc tham dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours, ngày 26/12/1920. Ảnh: Tư liệu TTXVN. |
Góc nhìn bao quát về hành trình sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Theo ông Alain Ruscio, để thực hiện thành công sự nghiệp của mình, chàng Thanh niên Nguyễn Tất Thành/Nguyễn Ái Quốc đã phải trải qua những biến cố thăng trầm gấp cả trăm lần so với một người bình thường.
Trong cuốn sách, Alain Ruscio cho biết, trong phần lớn thời gian ở nước ngoài, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành bôn ba với trăm thứ nghề, từ người quét rác đến người bán hàng rong, người thợ ảnh không một xu dính túi ở Paris đến nhà báo thường xuyên qua lại với những người mác xít.
Người đã sử dụng hàng trăm cái tên, hàng chục bút danh, trong đó có cái tên đầy nhiệt huyết là Nguyễn Ái Quốc cho các tác phẩm của mình trên con đường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Trong một bức thư gửi cho Albert Sarraut, lúc đó là toàn quyền Đông Dương (năm 1919), Người đã tố cáo sự áp bức và đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp đối với người dân An Nam.
Việc Nguyễn Ái Quốc, đại biểu Đông Dương và người bản xứ thuộc địa duy nhất tham gia Đại hội lần thứ 18 đảng Xã hội Pháp, tháng 12/1920 tại thành phố Tour, đã được lưu lại trong các báo cáo của cảnh sát.
Từ sau thời điểm đó, tư tưởng chính trị của Người có một bước nhảy vọt, từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường cộng sản. Nguyễn Ái Quốc đưa cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân trở thành một nền tảng chiến lược của Đảng Cộng sản Pháp non trẻ, mà Người đã tham gia sáng lập.
Bị cảnh sát Pháp truy nã, Nguyễn Ái Quốc buộc phải chạy trốn nhưng không thể trở về Việt Nam. Người dừng chân tại Moskva trước khi đến Trung Quốc, thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong cuốn sách, tác giả cũng cho biết một giai đoạn ít được biết đến: Chuyến đi đến Pháp năm 1927 của Nguyễn Ái Quốc. Theo đó, Người đã đến Paris và đầu tháng 12 với nhiệm vụ đặc biệt là mang theo chỉ dẫn Đảng Cộng sản Pháp hợp nhất các thành tố của cách mạng Đông Dương ở Pháp, đào tạo thành những hạt nhân cách mạng tương lai, sau đó đưa về nước hoạt động. Khi đó Người gặp rất nhiều nguy hiểm. Người chỉ ở lại Paris 2 tuần, trước khi rời khỏi đây trong khoảng thời gian từ 15 đến 19/12.
Alain Ruscio cũng làm sáng tỏ nhiều vấn đề chiến lược liên quan tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và giai đoạn Nguyễn Ái Quốc bị bắt và bị giam ở Hong Kong.
Tiếp đó là những năm tháng hoạt động khó khăn từ năm 1934-1940.
Năm 1941, Người trở về nước từ, thành lập Mặt trận Việt Minh. Người lãnh đạo quần chúng làm nên Cách mạng Tháng tám 1945 và đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong cuốn sách, Nhà sử học Alain Ruscio mô tả lại sự kiện lịch sử này như sau: “Ngày 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình (trước đây là Quảng trường Mgr Puginier), tại Hà Nội, cách không xa tòa uy nghiêm của Phủ Toàn quyền, một người đàn ông dáng vẻ khiêm tốn đọc một bản Tuyên ngôn lịch sử. Đây là lần đầu tiên, một Hồ Chí Minh đã xuất hiện trước công chúng. Ít ai biết rằng vị Chủ tịch mới này và Nguyễn Ái Quốc là một người. Bản Tuyên ngôn này là do chính Hồ Chí Minh viết…”.
Cũng trong cuốn sách, Alain Ruscio đã đề cập đến những nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đàm phán với Pháp để đem lại nền độc lập tại Việt Nam, cuộc đấu tranh chống thực dân ở Việt Nam và sự lãnh đạo của Người. Tiếp đó là những năm tháng đối mặt với chiến tranh của đế quốc Mỹ, cho đến những năm tháng cuối cùng của vị Cha già dân tộc.
Bên cạnh, hành trình sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Alain Ruscio cũng làm rõ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua những tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn mà Người đã để lại cho hậu thế.
Theo ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh không “lý thuyết’ như nhiều nhà lãnh đạo cách mạng khác, mà Người rất thực tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội, đồng thời luôn nhắc nhở các lãnh đạo và đảng viên phải gần gũi với người dân.