Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải mã ẩn số trong tác phẩm văn học trung đại Việt Nam

Bằng tri thức tổng hợp, sự am tường về chữ Hán - Nôm và thư tịch cổ, Nguyễn Đăng Na đã đưa ra nhiều kiến giải mới mẻ đối với những ẩn số bên trong tác phẩm văn học trung đại.

Trong bộ môn văn học trung đại Việt Nam, PGS.TS.NGƯT Nguyễn Đăng Na là một nhà nghiên cứu tên tuổi và có nhiều đóng góp đáng kể. Ông đã cho xuất bản bộ sách Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, gồm ba tập: Truyện ngắn (1997), Tiểu thuyết chương hồi (2000), (2001), với độ dày tổng cộng lên đến 2.400 trang. Đồng thời, ông Nguyễn Đăng Na cũng sưu tầm những văn bản quý hiếm bổ sung vào thư tịch văn học dân tộc.

Giúp thế hệ sau tiếp nhận tác phẩm văn học trung đại dễ dàng hơn

Nguyễn Đăng Na cũng có những nghiên cứu quan trọng về quy luật và loại thể văn học trung đại, qua đó rút ra đặc điểm có tính lý thuyết của văn học trung đại Việt Nam.

Đặc biệt, với độ dày tri thức tổng hợp, sự am tường về chữ Hán - Nôm và thư tịch cổ, ông còn tìm tòi, giải mã, bóc tách từng lớp nghĩa, đưa ra nhiều kiến giải mới mẻ đối với những ẩn số bên trong những tác phẩm văn học trung đại Việt Nam.

Việc làm công phu này của ông đã góp phần giúp cho những thế hệ sau tiếp nhận các tác phẩm văn học trung đại một cách dễ dàng hơn; giúp cho việc phân tích, làm rõ giá trị các tác phẩm này một cách đúng đắn và khách quan hơn.

Cuốn Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam của Nguyễn Đăng Na là công trình tập hợp những kết quả nghiên cứu giải mã của ông về một số tác phẩm, tác giả, hiện tượng... quan trọng trong nền văn học trung đại Việt Nam.

Cuốn sách gồm 2 phần chính. Phần một: Những mã khóa của văn học Trung đại Việt Nam qua một số tác phẩm, gồm 21 bài viết. Phần hai: Con đường phát triển của văn học trung đại Việt Nam và hướng sưu tầm nghiên cứu, gồm 9 bài viết. Ngoài ra, còn có phần Phụ lục tuyển chọn 27 bài viết của tác giả về văn học, văn hóa, lịch sử tư tưởng Việt Nam thời trung đại.

Trong cuốn sách, tác giả cho biết văn học trung đại Việt Nam có bề dày hàng nghìn năm xây dựng và phát triển (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX) và là sự kết tinh của những gì tinh túy nhất, tài hoa nhất của dân tộc ta.

Với quá trình hơn một nghìn năm hình thành và phát triển như vậy, văn học trung đại Việt Nam đã tự xây dựng một hệ thống tín hiệu biểu đạt riêng, những mã riêng. Nghiên cứu văn học trung đại là một quá trình ngược dòng, lần tìm những mã khóa đó và tìm cách lý giải.

Từ việc giải mã những tác phẩm cụ thể để rút ra quy luật, rồi lại từ những vấn đề có tính quy luật, trở lại giải mã tác phẩm cụ thể, Nguyễn Đăng Na đã cố gắng xác lập con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam theo định hướng lấy văn bản tác phẩm làm đối tượng nghiên cứu chính.

Khi xem xét văn bản, ông "giữ nguyên diện trạng" như chúng hiện tồn. Những chỗ mà các dịch giả, các nhà nghiên cứu cho rằng “tối nghĩa”, “lẫn lộn”, “xô bồ”... ông sẽ cố gắng lý giải, tìm cái hữu lý trong cái gọi là “phi lý”; nếu như chưa lý giải được thì để lại, coi như tồn nghi. Các bài nghiên cứu của ông hầu hết được viết theo quan điểm này.

Giai ma van hoc anh 1

Bài thơ Nam quốc sơn hà. Ảnh: Báo Khoa học và Đời sống.

Những vấn đề có tính nguyên tắc và phương pháp giải mã

Với định hướng như vậy, khi giải mã văn bản, Nguyễn Đăng Na quan tâm và đưa ra những vấn đề có tính nguyên tắc sau:

Thứ nhất, xác định văn bản tác phẩm giải mã thuộc thể loại văn học nào. Bởi vì, theo ông, mỗi thể loại văn học trung đại đều có một hình thức cấu trúc và cách diễn đạt văn bản riêng. Không nắm được thể loại tác phẩm cũng đồng nghĩa với việc không hiểu gì về cấu trúc và cách diễn đạt văn bản. Mà đã không hiểu cấu trúc và cách diễn đạt văn bản thì chẳng thể nào nắm bắt được văn bản.

Thứ hai, khi xác định được thể loại của văn bản, cần tiếp tục xem xét tác phẩm ấy thuộc loại hình văn học nào: chức năng hành chính, lễ nghi hay nghệ thuật. Bởi vì những chức năng của văn bản gắn với hình thức cấu trúc văn bản, cách biểu đạt cùng hệ thống ngôn từ. Bên cạnh đó thể loại văn học trung đại cũng có những quy tắc buộc người cầm bút phải tuân theo và có những quy chế mang tính công thức.

Thứ ba, khi nghiên cứu giải mã văn bản văn học trung đại không được tách rời khỏi triết học và tôn giáo trung đại.

Thứ tư, tác phẩm văn học trung đại bao giờ cũng được cấu trúc thành hệ thống chặt chẽ và hoàn chỉnh. Người nghiên cứu cần phải tìm được hệ thống toàn tác phẩm và các tiểu hệ thống nằm trong đó.

Thứ năm, khi xem xét thể loại văn học cần xem xét đến tính lịch sử của chúng: hình thành, phát triển và lụi tàn…

Thứ sáu, để giải mã chính xác tác phẩm cần phải huy động tổng lực các tri thức: văn học, triết học, tôn giáo, văn hóa, lịch sử, địa lý, dân tộc học, văn bản học, Hán - Nôm…

Thứ bảy, nghiên cứu giải mã văn bản văn học trung đại cần đi đôi với việc sưu tầm thư tịch, một mặt so sánh đối chiếu tìm ra những bản gốc, mặt khác bù lấp những chỗ còn trống của kho tàng văn học trung đại.

Với việc đề ra các vấn đề có nguyên tắc, chọn cách tôn trọng nguyên tác, khai thác bối cảnh lịch sử, kết hợp với tra cứu từ để hiểu, Nguyễn Đăng Na đã đưa ra nhiều kiến giải mới mẻ đối với những ẩn số hàm chứa bên trong những tác phẩm văn học trung đại Việt Nam.

Chẳng hạn như bài Vương Lang quy của Thiền sư Khuông Việt, từ phương pháp khảo sát văn bản dựa vào cấu trúc thể loại, đặc biệt là phương pháp giải mã văn bản dựa trên hệ quy chiếu của các sự kiện lịch sử - ngoại giao - văn học - từ nghĩa, Nguyễn Đăng Na đưa đến kết luận rằng bản Vương Lang quy trong sách Toàn thư là gần nguyên tác nhất. Và dựa trên quy cách từ điệu thể loại của tác phẩm này tác giả kết luận Vương Lang quy viết theo thể Từ.

Tương tự, từ lý thuyết đến khảo sát thực tiễn văn bản, tác giả Nguyễn Đăng Na cho rằng bài Nam quốc sơn hà trong Đại Việt sử ký toàn thư gần với nguyên tác nhất.

Bên cạnh đó, tác giả còn tách từng lớp nghĩa để đưa ra những phát hiện thú vị như chữ “cư”. Trong chữ Hán cổ, chữ này có hơn 20 lớp nghĩa. Dịch nghĩa là “chủ”, “quản”, “cai quản” theo Nguyễn Đăng Na là hợp ngữ cảnh của bài thơ. Tuy nhiên chữ cư còn có nghĩa khác là cư xử, thực hiện chức trách, công việc. Bởi vậy, “Nam đế cư” còn có nghĩa là Nam đế xử lý mọi công việc mà bậc hoàng đế phải làm.

Từ cắt nghĩa trên, ông cho rằng bộ ba “quốc”, “đế”, “cư” trong bài khẳng định nước ta là một quốc gia độc lập, có lãnh thổ: quốc, có chủ: đế, và có thực quyền xử lý mọi việc: cư.

Tương tự, trong bài Ngôn hoài của Không Lộ thiền sư, Nguyễn Đăng Na tiếp tục bóc tách các lớp nghĩa của chữ Hán cổ để đưa ra giải thích mới lạ. Chẳng hạn theo ông cụm từ “Trường khiếu nhất thanh” không phải là “kêu một tiếng dài” như lâu nay nhiều người hiểu, mà “trường khiếu” là “cái chuông”, “quả chuông”, còn “nhất thanh” là “kêu lên”, vang lên.

Tóm lại, việc tìm hiểu, nghiên cứu một số tác phẩm văn học trung đại Việt Nam để từ đó có được cái nhìn đúng đắn và khách quan là điều cần thiết và PGS.TS.NGƯT Nguyễn Đăng Na đã góp một phần không nhỏ vào công việc này.

Nhận xét về những đóng góp của Nguyễn Đăng Na trên bình diện giải mã văn học trung đại Việt Nam, GS.TS Trần Đình Sử viết: “Còn sớm để nói là anh đã đưa ra cách hiểu cuối cùng, không còn gì để nói thêm nữa, song rõ ràng anh đã vượt qua nhiều người đi trước, đưa ra cái mới để mọi người thưởng thức và có thể tìm tòi tiếp. Ở đây dấu ấn của Nguyễn Đăng Na thể hiện rất rõ. Người ta không thể nói cách hiểu đó tự trên trời rơi xuống mà không phải công phu tìm tòi, luận giải rất kiên trì của anh”.

Tìm hiểu đồng tiền Việt Nam qua hơn 1.000 năm lịch sử

Để có cái nhìn toàn cảnh về đồng tiền Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ đã xuất bản sách “Lịch sử đồng tiền Việt Nam".

Thế nào là nông nghiệp sạch?

Cuốn sách của TS Nguyễn Thị Ngọc Trúc tập hợp kết quả nghiên cứu khoa học của chính tác giả cùng nhóm nghiên cứu trong gần 15 năm về vi sinh vật trong việc canh tác cây ăn quả.

Vẻ đẹp Trường Sa qua lăng kính độc đáo

Theo chân một chiếc máy ảnh, người đọc được khám phá một quần đảo Trường Sa tươi đẹp, thân thương, gần gũi trong cuốn sách "Cà Nóng chu du Trường Sa".

Hieu ve trai tim: The nao la tinh yeu? hinh anh

Hiểu về trái tim: Thế nào là tình yêu?

0

Tình yêu cũng như một loại cây xanh, nếu chúng ta không biết cách chăm sóc dưỡng nuôi, có khi là quá thừa hoặc có khi là quá thiếu, thì nó sẽ héo tàn và chết đi. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm