Thị trường chứng khoán tháng 2 đầy biến động với những diễn biến không thuận lợi. VN-Index đạt 1.024,68 điểm, giảm 7,78% so với tháng 1 và tăng 1,75% so với cuối năm 2022. VNAllshare thậm chí còn giảm hơn 10% so với tháng 1 và giảm 0,46% so với cuối năm 2022.
Một số ngành giảm điểm khá mạnh trong tháng như nhóm bất động sản (VNREAL) giảm 13,43%; ngành hàng tiêu dùng (VNCOND) giảm 12,38%; ngành công nghiệp (VNIND) giảm 11,45%.
Thanh khoản trong tháng ghi nhận khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt gần 567,7 triệu cổ phiếu và 10.014 tỷ đồng, tương ứng giảm lần lượt 2,14% về khối lượng bình quân và 4,6% về giá trị bình quân so với tháng 1.
Khối lượng giao dịch của chứng quyền có đảm bảo (CW) đạt khoảng 22,9 triệu CW với giá trị giao dịch hơn 9,4 tỷ đồng; tương ứng tăng 7,95% về khối lượng bình quân và giảm khoảng 5% về giá trị bình quân so với tháng 1.
Đáng chú ý là khối ngoại đã đảo chiều xu hướng khi thực hiện bán ròng gần 572 tỷ đồng trong tháng. Tổng giá trị giao dịch của nhóm nhà đầu tư này đạt 48.419 tỷ đồng, chiếm hơn 12,08% giá trị giao dịch toàn thị trường.
GIAO DỊCH CỦA KHỐI NGOẠI THEO THÁNG | ||||||||||
Số liệu của HoSE | ||||||||||
Nhãn | Tháng 6/2022 | Tháng 7 | Tháng 8 | Tháng 9 | Tháng 10 | Tháng 11 | Tháng 12 | Tháng 1 | Tháng 2 | |
Mua/Bán ròng | Tỷ đồng | 1912 | 332 | 1797 | -2623 | -2067 | 11693 | 11912 | 2702 | -572 |
Quy mô thị trường niêm yết HoSE tại cuối tháng ghi nhận 510 mã chứng khoán. Con số này bao gồm 402 mã cổ phiếu, 3 mã chứng chỉ quỹ đóng, 11 mã chứng chỉ quỹ ETF và 94 mã chứng quyền có bảo đảm.
Tổng khối lượng đang niêm yết đạt gần 141 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa đạt hơn 4,08 triệu tỷ đồng, giảm 7,83% so với tháng trước và chiếm hơn 94,14% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường, tương đương 43% GDP năm 2022 (GDP theo giá hiện hành).
Đến hết tháng 2, HoSE vẫn chỉ có một công ty niêm yết có quy mô vốn hóa trên 10 tỷ USD là Vietcombank. Số doanh nghiệp đạt vốn hóa trên 1 tỷ USD giảm xuống còn 36 đơn vị (giảm 2 doanh nghiệp so với tháng trước).
Cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong tháng vẫn là cái tên quen thuộc HPG của Hòa Phát với hơn 503 triệu cổ phiếu được sang tay (giá trị 10.547 tỷ đồng). Đứng tiếp sau là NVL của Novaland, VPB của VPBank, STB của Sacombank và VND của VNDirect.
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE thuộc về ST8 của Công ty Cổ phần Siêu Thanh với mức tăng 49% lên 18.700 đồng. Mã chứng khoán này dậy sóng với hàng loạt phiên tăng trần và tăng gấp 2,5 lần chỉ trong 2 tháng đầu năm.
Thông tin nổi bật cho cổ phiếu ST8 là việc các lãnh đạo công ty trong hơn 1 tháng trở lại đây đã bán ra khoảng 65% vốn và bên nhận chuyển nhượng có chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đô Thành Nguyễn Văn Cựu. Đồng thời, công ty cũng thông báo thoái hết vốn tại loạt công ty con, tài sản đất đai.
Các cổ phiếu tăng tốt tiếp theo là CLW của Cấp nước Chợ Lớn SII của Hạ tầng nước Sài Gòn, TMT của Ô tô TMR và TNC của Cao su Thống Nhất với mức tăng trong khoảng 30-40%.
Trong khi đó, cổ phiếu DXG của Đất Xanh là mã diễn biến tiêu cực nhất khi giảm giá đến 33% giá trị. Các mã giảm mạnh tiếp theo là MCG, EIB, CRE, PDR, NVL với việc đi lùi khoảng 25-30%.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...