Nhà đầu tư nước ngoài trong các tháng cuối năm ngoái đã giải ngân mạnh mẽ hàng tỷ USD vào chứng khoán Việt Nam, trở thành một trong những lực đỡ quan trọng góp phần phục hồi thị trường chung.
Sau khi giải ngân gần 30.000 tỷ đồng năm ngoái, khối ngoại vẫn tiếp tục duy trì xu hướng mua ròng trong gần 2 tháng đầu năm 2023, trước khi có xu hướng đảo chiều trong hơn một tuần gần đây.
Gần đây, quỹ ngoại VanEck Vietnam ETF đã thay đổi chỉ số cơ sở sang hướng chỉ gồm các cổ phiếu Việt Nam trong danh mục và huy động khoảng 2.000 tỷ đồng. Các quỹ khác như Fubon, VNDiamond cũng thu hút được dòng tiền của khối ngoại.
Nói về xu hướng trên, Giám đốc Chiến lược đầu tư quỹ SSIAM, ông Barry David Weisblatt nhấn mạnh nguồn vốn mới từ các quỹ VanEck, Fubon, VNDiamond là tín hiệu rất tốt, cho thấy Việt Nam vẫn đang thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trên toàn cầu.
Ngoài ra, tiềm năng từ việc Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Market) cũng giúp thị trường có được dòng tiền và cơ hội tốt hơn, điều này đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và bàn luận.
Ông Barry nêu quan điểm quan sát động thái của Fed còn quan trọng hơn là quan sát động thái của khối ngoại. Ảnh: BMDT. |
Thực tế, thị trường Việt Nam vẫn mang tính cục bộ với hơn 90% giao dịch đến từ nhà đầu tư trong nước. Khối ngoại chỉ chiếm tỷ lệ thấp nhưng lại có những tác động quan trọng lên xu hướng, do đó rất được giới đầu tư quan sát.
Ông Phạm Lưu Hưng, kinh tế trưởng SSI, nhận thấy nhà đầu tư khá quan tâm đến các xu hướng lớn trên thị trường, bao gồm xu hướng của khối ngoại, nhưng việc áp dụng vào thực tế còn liên quan đến từng cổ phiếu cụ thể và các diễn biến thị trường.
"Nhà đầu tư mới thường giao dịch theo khối ngoại và sau một khoảng thời gian không hiệu quả sẽ quay sang chiến lược khác", ông nói và cho rằng việc mua bán theo động thái của khối ngoại phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm, quan điểm của mỗi nhà đầu tư.
Thay vào đó, vị chuyên gia khuyến nghị nên quan tâm nhiều hơn đến quan điểm của các quỹ nước ngoài để có cái nhìn mang tính chất dài hạn và chỉ tham khảo đối với một số quỹ có dòng tiền tương đối ngắn hạn.
Trong khi đó, ông Barry nhắc lại thị trường Việt Nam giai đoạn 2017-2018 đã tăng mạnh sau khi nhà đầu tư nước ngoài mua vào mạnh mẽ nhưng rồi sau đó lại sụt giảm rất nhanh bởi các yếu tố quốc tế, siết chặt dòng tiền...
Do vậy, bị chuyên gia ngoại tin rằng động thái của Cục dữ trữ liên quan Mỹ (Fed) còn quan trọng hơn rất nhiều so với động thái của nhà đầu tư nước ngoài.
Ngân hàng Nhà nước sẽ có những phản ứng khi Fed tăng hay giảm lãi suất để kiểm soát tỷ giá và lạm phát. Chẳng hạn, nếu Fed tăng lãi suất thì NHNN cũng sẽ tăng lãi suất hoặc bán dự trữ ngoại hối, từ đó sẽ tác động đến lợi suất trái phiếu và giá cổ phiếu.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...