Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chứng khoán đỏ lửa phiên đầu tuần

Thị trường bị phủ bóng tiêu cực với áp lực bán mạnh mẽ, VN-Index đã xuyên thủng vùng hỗ trợ để rơi về 1.021 điểm, mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Áp lực bán tháo trên thị trường chứng khoán dâng cao đang khiến các chỉ số thủng các vùng hỗ trợ, tâm lý tiêu cực bao trùm lên toàn thị trường khiến VN-Index tiếp tục quán tính giảm điểm trên diện rộng.

Thị trường đi vào vùng trống thông tin và sự cạn kiệt dòng tiền càng làm do áp lực bán mạnh hơn, nhất là ở các cổ phiếu vốn hóa lớn và thanh khoản cao, bên bán chiếm áp đảo trên các sàn.

VN-Index "đổ đèo" ngay khi mở phiên giao dịch và sau đó giằng co quanh vùng 1.020 điểm. Chỉ số kết phiên giảm 18,31 điểm (-1,76%) về 1.021,25 điểm. Đây đã là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của chỉ số này.

do lua,  ban thao,  tieu cuc anh 1

VN-Index tiếp tục rớt mạnh trong phiên 27/2. Đồ thị: TradingView.

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn lao dốc đã đẩy thị trường giảm mạnh mẽ. Đáng kể nhất là cổ phiếu bán lẻ với MSN của Masan bất ngờ rơi xuống mức giá sàn 79.900 đồng để trở thành cổ phiếu có tác động xấu nhất trong phiên. Ngoài ra, MWG của Thế Giới Di Động mất 3,8% giá trị, DGW của Digiworld rớt 5,9% hay PNJ bị bán tháo 6%.

Một số mã lớn khác như GAS của đại gia dầu khí PV Gas giảm 2,3%, HPG của Hòa Phát lao dốc 3,4%, SAB của Sabeco mất 2% giá trị, VRE của Vincome giảm 2,8%.

Cổ phiếu ngân hàng và bất động sản cũng gây tác động rất xấu. Đơn cử NVL của Novaland đã tiến sát giá sàn, DXG của Đất Xanh mất 5,2% thị giá, HQC của Hoàng Quân đảo chiều giảm 5,1%. Ngân hàng ghi nhận HDB, OCB, EIB, STB giảm 3-5%.

Phần đông các nhóm ngành chìm trong biển lửa với áp lực lớn, ngoại trừ nhóm y tế và truyền thông có được sắc xanh. Trong đó, cổ phiếu liên quan ngành dược phẩm thu hút được dòng tiền với mức tăng mạnh nhất trong ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

Chẳng hạn JVC của Y tế Việt Nhật, AMV của Amvibiotech, DP1 của Dược phẩm Trung ương CPC1 đều kết phiên trong sắc tím. Ngoài ra còn có DVN của TCT Dược Việt Nam tăng 6,5%, thị giá DVM của Dược liệu Việt Nam đi lên 3,4%...

do lua,  ban thao,  tieu cuc anh 2

Bản đồ vốn hóa các nhóm ngành lớn. Nguồn: VNDirect.

Tâm lý tiêu cực phủ bóng thị trường với sắc đỏ phủ kín trên bảng điện tử. Toàn sàn ghi nhận có đến 657 mã giảm giá, gấp hơn 3 lần tổng số 198 mã tăng giá, và còn 156 mã đi ngang tại vùng tham chiếu.

Áp lực bán tiếp tục đẩy thanh khoản thị trường dâng cao với tổng giá trị giao dịch hơn 10.700 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch tại HoSE chiếm 9.330 tỷ đồng, tăng hơn hơn 42% so với cuối tuần trước những vẫn là mức rất thấp so với trung bình cả tuần.

Một yếu tố tiêu cực khác là khối ngoại cũng mạnh tay xả hàng phiên thứ 9 liên tiếp. Tổng giá trị bán ròng hôm nay thậm chí lên mức cao nhất 660 tỷ đồng; trong đó lực xả lớn nhất tập trung vào chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond, VHM, SSI, STB và DXG.

Trước phiên giao dịch, nhiều công ty chứng khoán cũng đã dự báo việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn khó khả thi bởi dòng tiền co hẹp, nhà đầu tư vẫn chưa vội bắt đáy để chờ mức chiết khấu cao hơn có thể khiến áp lực bán tăng lên.

Vùng hỗ trợ quan trọng 1.030-1.035 được các đơn vị phân tích đưa ra đã bị phá vỡ nhanh chóng. Trong trường hợp này, các chuyên gia quan ngại chỉ số thậm chí có thể thủng mốc 1.000 điểm trong tuần.

Áp lực bán chứng khoán có thể tiếp diễn

Các đơn vị phân tích nhận thấy rủi ro trên thị trường vẫn đang gia tăng, do đó nhà đầu tư nên hạn chế bắt đáy, thậm chí cân nhắc hạ tỷ trọng margin và cổ phiếu.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm