Phối cảnh dự án mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh). Đồ họa: TCIP. |
Sáng 27/12, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) khởi công dự án xây dựng mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).
Dự án có điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối giáp ranh tỉnh Long An với tổng chiều dài 6,92 km, rộng 34 m (tương đương 6 làn xe) cùng hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng và hào kỹ thuật.
Trong 6,92 km chiều dài, có 4,36 km xây mới (từ vị trí giao với đường Nguyễn Văn Linh đến vị trí giao với quốc lộ 50 hiện hữu) và 2,56 km mở rộng quốc lộ 50 hiện hữu (từ vị trí giao giữa đoạn xây mới với quốc lộ 50 hiện hữu đến ranh Long An).
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá dự án mở rộng quốc lộ 50 có ý nghĩa rất quan trọng, đóng vai trò nối kết liên vùng.
Quốc lộ 50 sau khi được hoàn thành mở rộng sẽ trở thành trục chính đô thị quan trọng. Trong quá trình triển khai quốc lộ 50, các đơn vị cũng triển khai những dự án khác kết nối như cầu đường Bình Tiên, thông qua nút giao Nguyễn Văn Linh.
Dự án hiện còn khoảng 15% số hộ, doanh nghiệp cần tiếp tục giải phóng mặt bằng trong quý II và quý III/2023. Do đó, ông Cường đề nghị huyện Bình Chánh đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai dự án theo kế hoạch.
"Việc khởi công rất quan trọng nhưng việc hoàn thành và đưa tuyến đường vào khai thác đúng tiến độ quan trọng hơn. Do đó, các đơn vị cần tập trung xử lý các vấn đề kỹ thuật sớm để rút ngắn tiến độ, đưa vào khai thác trong tháng 12/2024 hoặc sớm hơn", ông Cường chỉ đạo.
Theo lãnh đạo TP.HCM, 2023 là năm giải ngân rất khó khăn. Tuy nhiên, ông nhìn nhận với những công trình như quốc lộ 50, chủ đầu tư cần đi đầu trong việc giải ngân đúng tiến độ. "TP.HCM cũng sẽ hỗ trợ, bố trí đủ vốn, tháo gỡ khó khăn để chủ đầu tư đảm bảo giải ngân đúng tiến độ", ông Bùi Xuân Cường nói.
Nghi thức khởi công dự án mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) sáng 27/12. Ảnh: Thư Trần. |
Phó chủ tịch cho biết vào 29/12 tới, TP.HCM cũng khởi công nút giao An Phú, một trong những công trình có sự hợp vốn Trung ương và địa phương. Trong thời gian tới, ông Cường đề nghị các đơn vị có sự chuẩn bị thật tốt, tập trung công trình giao thông cửa ngõ, trục hướng tâm để mô hình hợp vốn giữa Trung ương và địa phương được tiếp tục phát huy, từ kinh nghiệm của quốc lộ 50.
Dự án mở rộng quốc lộ 50 được Sở GTVT TP.HCM phê duyệt hồi tháng 3/2022 với tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng (trong đó chi phí xây lắp 1.250 tỷ đồng). Riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện bằng một dự án riêng do UBND huyện Bình Chánh làm chủ đầu tư.
Trên tuyến có một nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành) và cầu Bà Lớn xây mới dài 40 m, rộng 34 m cùng cầu Ông Thìn (trong đó có một đơn nguyên xây mới và một đơn nguyên cải tạo).
Là trục giao thông quan trọng của TP.HCM, quốc lộ 50 kết nối với các tỉnh Long An và Tiền Giang. Đây cũng là đường dẫn vào khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nên mật độ giao thông rất lớn.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc đường hẹp, xe tải, xe chở rác, xe container lưu thông hỗn hợp với xe máy, xe thô sơ đã khiến tuyến đường thường xuyên bị ùn ứ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Bình đồ tổng thể nút giao quốc lộ 50 - cao tốc Bến Lức - Long Thành giai đoạn hoàn chỉnh. Đồ họa: TCIP. |
Do đó, dự án mở rộng tuyến quốc lộ 50 được ngành giao thông đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông, kết nối TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khi cắt ngang cao tốc Bến Lức - Long Thành và tuyến vành đai 4; sân bay Long Thành; tuyến vành đai 3 TP.HCM.
Việc nối kết này sẽ phát huy hiệu quả các dự án trong khu vực đã và đang triển khai đầu tư xây dựng; đồng thời, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông, đáp ứng nhu cầu giao thông thông suốt cho tuyến quốc lộ 50; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía nam thành phố nói riêng và TP.HCM nói chung.
Những cuốn sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.
Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, nhưng tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ.